Biện pháp giáo dụng tại xã, phường, thị trấn: khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng

Thứ sáu - 11/11/2016 23:00

Đọc bằng audio

Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trong là một trong bốn biện pháp xử lý hành chính được quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn. Những quy định trên đã từng bước tạo cơ sở pháp lý góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, ổn định an ninh trật tự xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, qua theo dõi công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bản tỉnh Tây Ninh cho thấy thực tiễn thực hiện biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có khó khăn, vướng mắc:

Thứ nhất, Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP quy định các đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nhưng ngoài những đối tượng đó thì ở các địa phương hiện nay còn rất nhiều đối tượng là người nghiện ma túy sống lang thang nhưng không thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Nguyên nhân chủ yếu do các đối tượng này thường không có chỗ ở nhất định, vi phạm pháp luật ở nhiều địa phương khác nhau, luôn tìm cách đối phó với lực lượng chức năng. Do đó việc quản lý, theo dõi, lập hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ hai, Điều 11 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP quy định việc thu thập thông tin, tài liệu để lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đối với người nghiện ma túy, khi lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì phải có giấy xác định tình trạng nghiện của cơ quan y tế đối với họ. Tuy nhiên, trên thực tế, để xác định tình trạng nghiện của đối tượng nghiện gặp rất nhiều khó khăn. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA, để xác định tình trạng nghiện, thì thời gian theo dõi để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với nhóm OPIATS (các chất dạng thuốc phiện) là 03 ngày, nhóm ma túy tổng hợp chất dạng AMPHETAMINE (ATS) là 05 ngày. Nhưng Luật Xử lý vi phạm hành chính lại không có quy định về việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính trong trường hợp xác định tình trạng nghiện ma túy mà theo quy định tại khoản 1 Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính (đã được sửa đổi, bổ sung theo khoản 1 Điều 102 Luật Hải quan năm 2014) thì "việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác hoặc có căn cứ cho rằng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới" cho nên các địa phương gần như "bó tay" trong việc lưu giữ đối tượng để xác định tình trạng nghiện ma túy. Mặt khác, Thông tư này cũng mới chỉ quy định được quy trình xác định tình trạng nghiện đối với hai loại chất ma túy, đó là ma túy nhóm OPIATS (chất dạng thuốc phiện) và ma túy tổng hợp dạng AMPHETAMINE. Đây chỉ hai hai loại phổ biến nhất, trong số rất nhiều loại chất ma túy hiện có trên thực tế nhiều loại ma túy không thuộc nhóm ATS và nhóm OPIATS đã được sử dụng ở nước ta song chưa có sinh phẩm xét nghiệm tìm chất này trong cơ thể người như chất XLR-11 (cỏ mỹ) cũng như hướng dẫn xác định tình trạng nghiện. Và việc đối tượng không hợp tác với cơ sở y tế để xác định tình trạng nghiện cũng là vấn đề khó khăn bởi vì pháp luật chưa có biện pháp chế tài đối với trường hợp này và cũng chưa quy định cơ quan nào có trách nhiệm quản lý đối tượng này trong thời gian chờ kết quả xác định của cơ quan y tế. Ngoài những khó khăn nêu trên thì điều kiện cở sở vật chất và nhân lực tại các cơ sở y tế cũng là vấn đề khó. Hiện nay hầu hết các cở sở y tế địa phương chưa được trang bị điều kiện cơ sở vật chất theo quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA, cũng như không có đủ cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để xác định tình trạng nghiện (do lực lượng đã được tập huấn nghiệp vụ nghĩ hưu, chuyển công tác chưa bố trí người có nghiệp vụ thay thế), nhất là việc xác định tình trạng nghiện ngoài giờ hành chính.

Thứ ba, theo quy định tại Điểm g Khoản 5 Điều 18 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP và được sửa đổi tại Khoản 11 Điều 1 Nghị định số 56/2016/NĐ-CP, đối với người nghiện ma túy thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì ngoài việc bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn còn phải lựa chọn hình thức cai nghiện tự nguyện tại gia đình hoặc cộng đồng hoặc tham gia chương trình điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc tổ chức cho các đối tượng nghiện cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cồng đồng không mang lại hiệu quả, có nguy cơ tái nghiện cao vì những lý do sau: (i) Gia đình không thể quản lý được các đối tượng này, không có chuyên môn giúp các đối tượng cắt cơn nghiện, không có phát đồ điều trị; (ii) Cai nghiện tại cộng đồng: trên thực tế, các địa phương chưa được trang bị đủ cơ sở vật chất, thuốc thay thế, cán bộ có trình độ chuyên môn cắt cơn nghiện; (iii) việc yêu cầu người nghiện ký cam kết về việc tự nguyện cai nghiện, điều trị nghiện là không khả thi. Ngoài ra, việc quy định thời gian giáo dục tại xã phường thị trấn và thời gian cai nghiện tại cộng đồng không đồng nhất làm cho địa phương gặp nhiều khó khăn. Theo quy định tại Nghị định số 111/2013/NĐ-CP thì thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là từ 3-6 tháng; trong khi đó Nghị định 94/2010/NĐ-CP quy định thời gian cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là từ 6 – 12 tháng. Do đó, sau khi áp dụng xong biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì đối tượng vẫn áp dụng biện pháp cai nghiện tại cộng đồng. Nhưng trong thời gian cai nghiện này, đối tượng vẫn tiếp tục tái nghiện thì địa phương không thể đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc do vẫn còn trong thời gian cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

Thứ tư, việc lập hồ sơ để đưa các đối tượng nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc đối với trường hợp đang cai nghiện tại gia đình, cộng đồng mà đối tượng tiếp tục nghiện gặp rất nhiều khó khăn do trình tự, thủ tục phức tạp. Trong khi đó, các xã, phường, thị trấn hiện chưa có sự phối hợp trong việc cung cấp thông tin đối tượng vi phạm nên đối với trường hợp đối tượng vi phạm nhiều lần nhưng ở nhiều địa phương khác nhau thì địa phương nơi đối tượng cư trú không quản lý được và không có thông tin. Mặt khác, pháp luật không quy định hướng xử lý đối với những đối tượng đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong mà vẫn tiếp tục vi phạm. Do đó, địa phương không biết xử lý theo hướng nào: áp dụng từ đầu theo quy trình hay xem việc tái phạm là tình tiết tăng nặng để áp dụng biện pháp nặng hơn.

Thứ năm, theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP thì nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động trong quá trình áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và kinh phí hỗ trợ cho người được phân công giúp đỡ người được giáo dục (hỗ trợ 01 tháng tối thiểu 25% mức lương cơ sở đối với mỗi người được giáo dục). Nhưng hiện nay, các đơn vị cơ sở vẫn chưa được quyết toán phần kinh phí này.

Thông qua các hoạt động trong quản lý công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính: kiểm tra, khảo sát, theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Ủy ban nhân dân tỉnh đã kịp thời ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai áp dụng pháp luật của các đơn vị. Đồng thời Ủy ban nhân dân tỉnh đã có kiến nghị với Bộ Tư pháp xem xét một số vấn đề nhằm nâng cao hiệu quả trong việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trong thời gian tới: (i) Kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét sửa đổi một số nội dung trong Nghị định 111/2013/NĐ-CP chưa phù hợp; (ii) Kiến nghị Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn cụ thể về mức chi và nội dung chi đối với các hoạt động trong quá trình áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP; (iii) Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

IMG_20160712_081524.jpg

​Đoàn kiểm tra của UBND tỉnh đang làm việc với UBND huyện Châu Thành về tình hình thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính năm 2016

Phương loan

Phòng QLXLVPHC&TDTHPL



  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập18
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm15
  • Hôm nay1,965
  • Tháng hiện tại9,769
  • Tổng lượt truy cập4,598,405
Văn bản pháp luật 1
Tiếp cận pháp luật
Học tập và làm theo lời bác
Văn bản pháp luật
Tài liệu xúc tiến đầu tư
Công khai tài chính
Văn bản pháp luật
Công báo tây ninh
Chung tay cải cách hành chính
Thư điện tử
trung tam tro giup phap ly
Đảng bộ tỉnh Tây Ninh
Theo dõi thi hành pháp luật
Hoi dap truc tuyen
CUNG CẤP THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Bộ pháp điển
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây