Bộ Tư pháp: Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tư pháp 8 tháng đầu năm 2013

Thứ ba - 06/08/2013 21:45

Đọc bằng audio

Ngày 01/8/2013, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 8 tháng đầu năm 2013, triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp những tháng cuối năm tại 09 điểm cầu: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Yên Bái, Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Đắc Lăk, Ninh Thuận. Đồng chí Hà Hùng Cường- Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì hội nghị.


 

Thành phần tham dự Hội nghị tại điểm cầu TP.Hồ Chí Minh, gồm: Đại biểu khách mời: Chánh Văn Phòng UBND các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các Sở Nội vụ; đại biểu triệu tập: Giám đốc,  Chánh Văn phòng, Trưởng Phòng PBGDPL, Trưởng Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đồng chí Lê Tiến Châu, Vụ trưởng – Trưởng Cơ quan đại diện- Chủ trì điểm cầu tại TP. Hồ Chí Minh.

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe các đồng chí đại diện lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ báo cáo: Tóm tắt kết quả công tác tư pháp 8 tháng đầu năm 2013 và nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu công tác đến hết năm 2013; tỉnh hình kết quả công tác kiểm tra thủ tục hành chính 8 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 4 tháng cuối năm; tình hình triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và lấy ý kiến về dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã và công tác tư pháp của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Trên cơ sở các báo cáo của Bộ cho thấy, qua 8 tháng thực hiện nhiệm vụ, Ngành Tư pháp đã tích cực, chủ động tham mưu giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch, hướng dẫn triển khai và tổ chức tốt việc lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2012. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo toàn Ngành tích cực tham gia ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện dự án Luật, trong đó có những vấn đề liên quan mật thiết đến những lĩnh vực quản lý của Ngành như công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm và bán đấu giá bất động sản. Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra và theo dõi thi hành pháp luật cũng được chỉ đạo, triển khai một cách bài bản. Tính đến ngày 18/7/2013, Bộ Tư pháp đã hoàn thành, trình Quốc Hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 23/25 đề án, văn bản, đạt 92% kế hoạch 6 tháng đầu năm 2013. Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật được các bộ, ngành, địa phương triển khai tích cực và đạt được những hiệu quả nhất định. Công tác kiểm soát thủ tục hành chính sau khi chuyển về Bộ Tư pháp quản lý đã sớm hòa nhập với công việc chung của Bộ và đạt nhiều kết quả tích cực.Trong 6 tháng đầu năm 2013, các bộ, ngành đã hoàn thành đơn giản hóa 325 thủ tục hành chính nâng tổng số thủ tục hành chính được đơn giản hóa lên 3.606 /4.751 thủ tục hành chính đã được Chính phủ phê duyệt. Việc triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, các bộ, ngành đã quan tâm, chỉ đạo ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Luật; nhiều địa phương đã ban hành Chỉ thị đôn đốc việc triển khai Luật hoặc tiến hành rà soát văn bản QPPL về phổ biến, giáo dục pháp luật để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế những quy định, văn bản không còn phù hợp. Công tác PBGDPL đã tập trung vào các sự kiện lớn của đất nước, như việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Luật Đất đai (sửa đổi); về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cả nước đã tổ chức 360.110 cuộc tuyên truyền, với hơn 31 triệu lượt người tham dự; phát hành miễn phí trên 16 triệu tài liệu pháp luật. Các Trung tâm trợ giúp pháp lý trên cả nước đã thực hiện trợ giúp pháp lý được 40.743 vụ việc cho 40.960 lượt người dân. Quản lý nhà nước về hộ tịch, quốc tịch, nuôi con nuôi được triển khai nền nếp, đảm bảo lành mạnh hóa quan hệ hộ tịch nói chung, quan hệ hôn nhân và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài nói riêng, không để xảy ra sai sót, bức xúc lớn, đơn giản hoá thủ tục hành chính. Công tác bồi thường nhà nước đã từng bước góp phần tạo sự chuyển biến nhận thức trong cán bộ, công chức về trách nhiệm trong thi hành công vụ. Công tác lý lịch tư pháp tính đến nay cả nước có 27/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chỉ đạo ban hành Quy chế phối hợp liên ngành trong cung cấp, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp, góp phần tăng cường hiệu quả triển khai công tác này trong thời gian tới.Tính đến ngày 10/5/2013 các Sở Tư pháp đã lập hồ sơ lý lịch tư pháp của 64.011 người, cấp 72.153 phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam. Công tác xã hội hóa công chứng tiếp tục đạt được những kết quả đáng khích lệ với việc triển khai Quy hoạch phát triển các tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020. Các tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên tiếp tục phát triển với số lượng 675 tổ chức (tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2012) và 1.734 công chứng viên đang hành nghề (tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2012). Tính đến tháng 7/2013, cả nước đã hoàn thành việc thành lập 63 Đoàn Luật sư/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với khoảng 8.500 luật sư và khoảng 3.500 người tập sự hành nghề luật sư hoạt động trong 3.165 tổ chức hành nghề luật sư. …

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp trong 8 tháng đầu năm 2013 vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục kịp thời như: Còn có một số  bất cập, hạn chế về tính khả thi, tính hợp lý của một số quy định trong một số Nghị định của Chính phủ và đặc biệt là một số thông tư, thông tư liên tịch của một số bộ, ngành, có việc gây bức xúc trong nhân dân; tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh chưa giải quyết dứt điểm; tình trạng xin lùi, rút văn bản trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2013 vẫn còn; việc ban hành Văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện và cấp xã trên một số địa bàn chưa được kiểm soát chặt chẽ, vẫn còn tình trạng văn bản không đúng thẩm quyền, chưa kịp thời gửi các cơ quan tư pháp cho ý kiến, thẩm định; công tác kiểm tra văn bản chưa chủ động, chưa phát hiện kịp thời một số văn bản có nội dung trái pháp luật, việc xử lý văn bản trái pháp luật còn thiếu kiên quyết; công tác theo dõi thi hành pháp luật do nhiều địa phương triển khai còn thụ động, lúng túng, hiệu quả chưa cao; thủ tục hành chính trên hầu hết các lĩnh vực vẫn còn phiền hà, là rào cản của hoạt động sản xuất kinh doanh, gây bức xúc cho nhân dân; tình trạng tự ý sửa chữa, tẩy xóa hoặc có hành vi làm sai lệch nội dung giấy tờ hộ tịch, tình trạng di chuyển sang địa phương khác để đăng ký kết hôn với người nước ngoài, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết có biểu hiện gia tăng; việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch của UBND cấp xã còn chưa bảo đảm chặt chẽ và tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tranh chấp; công tác PBGDPL chưa đồng đều, hiệu quả còn thấp, mới chú trọng về hình thức, quy mô mà chưa đổi mới triệt để; kinh phí phục vụ công tác PBGDPL ở một số địa phương chưa đáp ứng so với yêu cầu thực tế; công tác trợ giúp pháp lý về chất lượng và hiệu quả của một số hoạt động trợ giúp pháp lý còn hạn chế như chất lượng tham gia tố tụng, hiệu quả sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL chưa thật sự đáp ứng yêu cầu của người dân; hoạt động công chứng tại một số nơi chưa đảm bảo chất lượng, có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Một số các Văn phòng công chứng có hành vi sai phạm bị đình chỉ hoạt động, thu hồi quyết định thành lập…

Tại hội nghị, các đại biểu cũng tập trung góp ý dự thảo Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28/4/2009 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã và công tác tư pháp của Ủy ban nhân dân cấp xã. Rất nhiều đại biểu ở 09 điểm cầu phát biểu ý kiến góp ý cho Dự thảo như: Tên gọi của các phòng, ban của tư pháp địa phương nên thống nhất với tên gọi của các Vụ của Bộ Tư pháp; về biên chế của các phòng chuyên môn thuộc Sở được các đại biểu quan tâm nhiều nhất vì công việc được giao cho ngành Tư pháp ngày càng nhiều nhưng biên chế thì không giao nên ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng công việc…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhận định: trong 8 tháng đầu năm 2013, hầu hết các nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp đều đã được tham mưu và triển khai thực hiện bằng chương trình, kế hoạch cụ thể, thiết thực, nhiều nhiệm vụ đạt kết quả cụ thể, tạo chuyển biến và đóng góp tích cực cho việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành ghi nhận và đánh giá cao.

Trong những tháng cuối năm 2013, Bộ trưởng yêu cầu toàn Ngành phải có giải pháp khắc phục những tồn tại lớn đã nêu ở trên, đặc biệt là giải quyết dứt điểm là việc “nợ” văn bản của pháp chế các Bộ, ngành. Bên cạnh đó, phải tập trung triển khai thực hiện những nhiệm vụ mới, quan trọng như: góp ý xây dựng đề xuất của Chính phủ về chương “Chính quyền địa phương” trong dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi); chuẩn bị các Bộ luật, Luật quan trọng của năm 2014 như Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi)… ; triển khai quyết liệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư… Bộ trưởng cũng có những chỉ đạo cụ thể về các chuyên đề được trình bày tại Hội nghị và đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, pháp chế các Bộ, ngành và Sở Tư pháp địa phương có những việc làm cụ thể để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác những tháng cuối năm 2013.

Kim Hương

 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập27
  • Hôm nay4,670
  • Tháng hiện tại82,534
  • Tổng lượt truy cập5,785,941
Văn bản pháp luật 1
Tiếp cận pháp luật
Học tập và làm theo lời bác
Văn bản pháp luật
Tài liệu xúc tiến đầu tư
Công khai tài chính
Văn bản pháp luật
Công báo tây ninh
Chung tay cải cách hành chính
Thư điện tử
trung tam tro giup phap ly
Đảng bộ tỉnh Tây Ninh
Theo dõi thi hành pháp luật
Hoi dap truc tuyen
CUNG CẤP THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Bộ pháp điển
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây