Luật Biển Việt Nam là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của Việt Nam

Thứ sáu - 07/09/2012 16:20

Đọc bằng audio

Việt Nam là một quốc gia ven biển, có bờ biển dài trên 3.200 km, kinh tế biển và các ngành liên quan đến biển đóng góp lớn vào nền kinh tế đất nước. Năm 1994, nước ta đã phê chuẩn và chính thức trở thành thành viên của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Trong Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn Công ước Luật Biển năm 1982, chúng ta đã khẳng định sẽ thực hiện đầy đủ các quy định của công ước và từng bước hoàn thiện các quy định pháp luật của ta để phù hợp với các quy định của Công ước. Điều đó có nghĩa nước ta có quyền hưởng và thực hiện các quyền hợp pháp của một quốc gia ven biển đồng thời chấp nhận thực hiện các nghĩa vụ liên quan theo các quy định của Công ước. Trên thực tế, các nước ven biển đều có các luật về biển, luật về lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa… Trong khi đó Việt Nam mới chỉ có một số văn bản pháp luật đề cập đến một số khía cạnh cụ thể có liên quan đến biển. Mặt khác, để vận dụng hiệu quả những nguyên tắc, quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, chúng ta cần xây dựng một bộ luật tổng quát về biển. Mục đích của việc xây dựng và ban hành Luật biển Việt Nam là để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của nước ta, tạo cơ sở pháp lý để xác định các vùng biển Việt Nam và quy chế pháp lý của các vùng biển đó; góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích của Việt Nam.

Luật Biển Việt Nam được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua vào ngày 21/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013.

Việc ban hành Luật biển Việt Nam là nhu cầu tất yếu nhằm phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó, Luật biển Việt Nam có ý nghĩa quan trọng về cả đối nội và đối ngoại. Việc Quốc hội thông qua Luật biển Việt Nam là một hoạt động lập pháp quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan biển, đảo của đất nước. Lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản Luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của Việt Nam. Sau khi ban hành Luật biển Việt Nam, chúng ta đã đạt kết quả là làm cho các quy định pháp luật quốc gia hài hoà với các quy định của luật biển quốc tế, cụ thể là Công ước Luật Biển năm 1982. Việc này cùng với việc khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp biển, đảo bằng các biện pháp hoà bình đã chuyển một thông điệp: Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982, thể hiện quyết tâm của nhà nước ta phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Luật biển Việt Nam bao quát các vấn đề quy chế pháp lý các vùng biển Việt Nam và điều chỉnh các hoạt động trong các vùng biển Việt Nam, bao gồm 7 chương và 55 điều.

Với việc ban hành Luật biển Việt Nam, lần đầu tiên chúng ta có một văn bản pháp lý tổng hợp có hiệu lực cao quy định một cách tổng thể các vấn đề liên quan đến biển. Bên cạnh một số nội dung là sự kế thừa, tiếp nối các quy định đã có trước đây (như khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, phạm vi các vùng biển Việt Nam…), Luật Biển Việt Nam đã bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung cho phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như yêu cầu phát triển của đất nước.

So với các văn bản pháp luật có nội dung liên quan đến biển nêu trên, Luật Biển Việt Nam có một số điểm mới quan trọng sau:

1. Luật biển Việt Nam quy định một cách đầy đủ hơn về phạm vi, chế độ pháp lý của các vùng biển, thềm lục địa Việt Nam, phù hợp với quy định tương ứng trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

2. Luật biển Việt Nam quy định rõ về quyền tự do hàng hải, hàng không trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.

3. Luật biển Việt Nam quy định chi tiết về việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải Việt Nam. Với quy định này của Luật biển Việt Nam, ta đã bỏ quy định trước đây yêu cầu tàu quân sự nước ngoài phải xin phép trước khi vào vùng tiếp giáp lãnh hải của Việt Nam.

4. Luật biển Việt Nam quy định các nguyên tắc lớn về giải quyết tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước, hợp tác quốc tế về biển, quản lý và bảo vệ biển, phát triển kinh tế biển, tuần tra kiểm soát trên biển. Các quy định này một mặt khẳng định lại chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong giải quyết tranh chấp về biển, đảo, đồng thời tạo khung pháp lý quan trọng để triển khai các công tác quản lý, bảo vệ biển và phát triển kinh tế biển, góp phần thực hiện nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay./.

AT

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập34
  • Hôm nay2,574
  • Tháng hiện tại77,766
  • Tổng lượt truy cập5,895,238
Văn bản pháp luật 1
Tiếp cận pháp luật
Học tập và làm theo lời bác
Văn bản pháp luật
Tài liệu xúc tiến đầu tư
Công khai tài chính
Văn bản pháp luật
Công báo tây ninh
Chung tay cải cách hành chính
Thư điện tử
trung tam tro giup phap ly
Đảng bộ tỉnh Tây Ninh
Theo dõi thi hành pháp luật
Hoi dap truc tuyen
CUNG CẤP THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Bộ pháp điển
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây