Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước được thành lập từ tháng 4 năm 1998 theo Quyết định số 23/1998/QĐ-CT ngày 17 tháng 4 năm 1998 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã đi vào hoạt động ổn định và TGPL cho nhiều đối tượng. Để phù hợp với các văn bản pháp luật cũng như tình hình thực tiễn của địa phương, Trung tâm TGPL đã qua hai lần kiện toàn (Quyết định số 2960/QĐ-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2007 và Quyết định số 338/QĐ-UBND ngày 16 tháng 02 năm 2011).
Trung tâm hiện tại có 02 Phòng gồm Phòng Hành chính - Tổng hợp và Phòng Nghiệp vụ (trước đây là Phòng Pháp luật Dân sự - Đất đai). Trung tâm được giao 14 biên chế, hiện có 13 người làm việc. Trong đó: Giám đốc (kiêm Trưởng Phòng Hành chính tổng hợp); Phó Giám đốc (kiêm Trưởng Phòng Nghiệp vụ), 05 Trợ giúp viên pháp lý, 02 chuyên viên, 01 kế toán, 01 Lưu trữ viên trung cấp, 02 hợp đồng lao động làm công việc vệ sinh trụ sở và bảo vệ. 100% đội ngũ viên chức của Trung tâm đều đạt trình độ cử nhân luật. Về đội ngũ người thực hiện TGPL: gồm 07 Trợ giúp viên pháp lý và 10 Luật sư thực hiện TGPL.
Trung tâm TGPL nhà nước là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp, do UBND tỉnh thành lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu, trụ sở và tài khoản riêng.
Trung tâm có chức năng thực hiện TGPL miễn phí cho người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em; người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, người có khó khăn về tài chính: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; Người nhiễm chất độc da cam; Người cao tuổi; Người khuyết tật; Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; Người nhiễm HIV.
Trung tâm TGPL nhà nước thực hiện TGPL thông qua các hình thức như: Tham gia tố tụng; Tư vấn pháp luật; Đại diện ngoài tố tụng.
Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm của HĐND và UBND tỉnh, Trung tâm thực hiện việc xây dựng chương trình, kế hoạch TGPL dài hạn và hàng năm ở địa phương trình Giám đốc Sở Tư pháp phê duyệt và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch đó.
Trong 05 năm, từ năm 2015 – 2020, trên cơ sở kế hoạch công tác TGPL được phê duyệt, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm TGPL nhà nước bám sát vào kế hoạch để triển khai thực hiện, tổng số vụ việc tiếp nhận thực hiện TGPL là 2.734 vụ việc. Ngoài ra, Trung tâm còn tư vấn pháp luật những vụ việc đơn giản và giải đáp những thắc mắc cho hơn 1.000 lượt người tại trụ sở và thông qua các đợt truyền thông về công tác TGPL.
Kết quả các vụ việc TGPL do Trung tâm cử người thực hiện TGPL đều đạt chất lượng tốt và hầu hết đối tượng được TGPL hài lòng với kết quả thực hiện TGPL. Khi thực hiện vụ việc, đội ngũ người thực hiện TGPL của Trung tâm luôn giữ gìn và không ngừng nâng cao uy tín nghề nghiệp TGPL; tận tâm, hết lòng yêu nghề, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, vì sự nghiệp TGPL; luôn rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của người thực hiện TGPL.
Qua việc thực hiện nhiệm vụ được giao Trung tâm đã góp phần thực hiện tốt quyền con người, quyền công dân, tạo được sự công bằng trước pháp luật cho những người yếu thế.
Để Luật TGPL năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đi vào cuộc sống, nâng cao nhận thức của cán bộ và Nhân dân trong tỉnh về tầm quan trọng của công tác TGPL, Trung tâm đã tích cực tham mưu UBND tỉnh, Sở Tư pháp ban hành các kế hoạch dài hạn, ngắn hạn, kế hoạch chuyên đề về triển khai thực hiện các chính sách TGPL trên địa bàn tỉnh như: Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch triển khai thi hành Luật TGPL năm 2017...
Trên cơ sở Đề án đổi mới công tác TGPL của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch hoạt động TGPL trong đó chú trọng đến hình thức tham gia tố tụng. Giao chỉ tiêu tham gia tố tụng cho Trợ giúp viên pháp lý, hàng năm tất cả Trợ giúp viên pháp lý đều đạt chỉ tiêu tốt theo yêu cầu của Bộ Tư pháp. Số vụ việc tham gia tố tụng tăng đều theo hàng năm, chất lượng ngày càng đảm bảo. Trung tâm cũng đã tiến hành rà soát các vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp điển hình để sử dụng nguồn kinh phí theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg để chi cho các vụ việc này.
- Từ năm 2015 - 2020, Trung tâm đã tổ chức 03 đợt tập huấn nghiệp vụ TGPL và triển khai văn bản pháp luật, có 377 người tham dự. Tổ chức tọa đàm "Nâng cao chất lượng công tác TGPL thông qua hình thức tham gia tố tụng" trên địa bàn tỉnh Tây Ninh với khoảng 40 người tham dự.
Tổ chức 265 đợt truyền thông về công tác TGPL kết hợp tư vấn pháp luật tại cơ sở, cấp phát 112.340 tờ gấp các loại cho 13.363 lượt người tham dự, giải đáp thắc mắc về pháp luật cho 1.653 lượt người dân. Phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức từ 05 đợt truyền thông về công tác TGPL kết hợp tư vấn pháp luật tại cơ sở, đối tượng tham gia là chị em phụ nữ là hội viên của các xã khu vực biên giới trong tỉnh. Cấp phát hơn 9.000 tờ gấp các loại cho 1.485 lượt người tham dự, giải đáp thắc mắc về pháp luật cho 76 lượt người dân.
- Tích cực tham mưu Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực của Hội đồng Phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ: Xây dựng kế hoạch hoạt động năm của Hội đồng; xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác phối hợp trong hoạt động TGPL tại các cơ quan tiến hành tố tụng và thông báo kết luận kiểm tra, báo cáo hoạt động phối hợp hàng năm; tổ chức Hội nghị triển khai về công tác phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng cho các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh.
- Để thực hiện Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ TGPL và quản lý chất lượng vụ việc TGPL, Trung tâm đã phân công viên chức luân phiên lấy ý kiến của người được TGPL về dịch vụ TGPL mà Trung tâm đã cung cấp. Đồng thời xây dựng mẫu phiếu đánh giá chất lượng vụ việc theo Thông tư số 12/2018/TT-BTP để phục vụ cho việc đánh giá chất lượng vụ việc TGPL trong thời gian tới.
- Qua việc đánh giá chất lượng vụ việc TGPL của Sở Tư pháp thể hiện 100% số vụ việc thực hiện TGPL đều đạt chất lượng tốt. Việc đánh giá chất lượng vụ việc được tổ chức thông qua nhiều hình thức khác nhau như: khảo sát, trực tiếp tiếp xúc, làm việc để nghe ý kiến phản hồi của người được TGPL và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về chất lượng vụ việc TGPL.
Để ghi nhận thành tích đã đạt được, từ năm 2015 - 2018, Trung tâm đều được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là tập thể lao động xuất sắc, đặc biệt là từ năm 2015 đến nay Trung tâm 02 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng cờ là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua, được tặng 04 Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và 01 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba năm 2019.
Đạt được kết quả trên là do sự chỉ đạo kịp thời, hướng dẫn thường xuyên về chuyên môn nghiệp vụ, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt của Bộ Tư pháp (Cục TGPL), UBND tỉnh, Ban Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh và đội ngũ viên chức luôn nhiệt tình, tích cực trong công tác, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lãnh đạo Trung tâm có phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho từng viên chức, thường xuyên tổ chức họp để kiểm điểm kết quả đạt được, rút kinh nghiệm những mặt còn hạn chế, tìm ra nguyên nhân giải pháp khắc phục những việc chưa làm được và đề ra phương hướng, nhiệm vụ để thực hiện tốt hơn trong thời gian tiếp theo./.
(Đắc Hiển)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn