Hiện nay, nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của các cá nhân ngày càng nhiều và để phục vụ tốt nhất cho các cá nhân khi có nhu cầu này, Sở Tư pháp Tây Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp như ứng dụng công nghệ thông tin trong cấp phiếu LLTP, thực hiện chuyển trả kết quả LLTP qua bưu điện…
Ông Hoàng Quốc Hùng - Giám đốc TTLLTPQG phát biểu về nội dung thực hiện giải pháp “Kiềng ba chân”
Tuy nhiên, một vấn đề vẫn còn tồn tại mà thời gian qua Sở Tư pháp chưa thể tháo gỡ được đó là tình trạng cấp phiếu lý lịch trễ hẹn chiếm tỷ lệ khá cao (hơn 40%). Thực trạng chậm thời hạn cấp Phiếu LLTP xuất phát từ các nguyên nhân khác nhau trong đó nguyên nhân chủ yếu là do các trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu LLTP cư trú tại nhiều tỉnh, thành phố hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam, Sở Tư pháp phải chờ kết quả xác minh của Công an tỉnh và Công an tỉnh phải chờ kết quả xác minh tra cứu của Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát - Bộ Công an (C53) mới có thể cung cấp thông tin cho Sở Tư pháp. Hầu hết các trường hợp trên thời gian tra cứu, xác minh và trả kết quả của các cơ quan chức năng đều quá 30 ngày (trong khi theo quy định đối với những trường hợp trên thì thời gian cấp Phiếu LLTP không được quá 15 ngày trong đó thời gian tra cứu, xác minh của cơ quan công an không quá 9 ngày).
Trước tình hình trên được biết Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia đã áp dụng thí điểm giải pháp “kiềng ba chân” ở một số tỉnh trong cả nước để khắc phục tình trạng chậm trả kết quả so với quy định và đã đạt hiệu quả cao, thời hạn cấp phiếu LLTP không những đúng mà còn sớm hơn so với quy định nên Sở Tư pháp Tây Ninh đã mạnh dạn đề xuất với Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia triển khai áp dụng giải pháp này tại địa phương.
Cách thức của giải pháp này là ứng dụng tin học hóa vào công tác phối hợp đồng thời giữa Sở Tư pháp, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát – Bộ Công an (C53) trong công tác tra cứu, xác minh thông tin LLTP đối với những trường hợp người được cấp phiếu LLTP đã được quy định tại Khoản 2, 3 Điều 47 Luật Lý lịch tư pháp, cụ thể là:
- Người được cấp Phiếu LLTP đã cư trú ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kể từ khi đủ 14 tuổi trở lên (khoản 2 Điều 47 Luật Lý lịch tư pháp);
- Công dân Việt Nam có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam (Khoản 3 Điều 47 Luật Lý lịch tư pháp);
- Các trường hợp đến ngày thứ 7 kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP mà Sở Tư pháp không nhận được kết quả tra cứu từ các cơ quan có thẩm quyền;
- Các trường hợp khẩn cấp, cần thiết khác theo yêu cầu của Sở Tư pháp.
Trên cơ sở đề xuất của Sở Tư pháp Tây Ninh, ngày 27/7/2015 đoàn công tác của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã có buổi làm việc cùng với Lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh để ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác triển khai giải pháp “kiềng ba chân”. Đồng thời bộ phận kỹ thuật của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia đã triển khai cài đặt và hướng dẫn cho cán bộ chuyên môn của Sở Tư pháp vận hành, khai thác phần mềm phục vụ cho giải pháp.Tại buổi làm việc ông Hoàng Quốc Hùng cũng đã cho biết Tây Ninh là tỉnh thứ 13 trong cả nước áp dụng thực hiện giải pháp này.
Ông Hoàng Quốc Hùng - Giám đốc TTLLTPQG và ông Vương Văn Trợ - PGĐ Sở Tư pháp Tây Ninh ký biên bản thực hiện giải pháp “Kiềng ba chân”
Với việc Sở Tư pháp triển khai áp dụng giải pháp “kiềng ba chân” tại địa phương cùng với sự nổ lực phối hợp tốt giữa Sở Tư pháp với công an tỉnh để thực hiện tra cứu xác minh kết quả lý lịch tư pháp đối với những trường hợp người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp chỉ có thời gian cư trú trong tỉnh thì hy vọng trong thời gian tới Sở Tư pháp Tây Ninh sẽ có thể “nói không với chậm cấp phiếu lý lịch tư pháp”./.
MT
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn