Trên cơ sở Kế hoạch về theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh[1] của Ủy ban nhân dân tỉnh, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2020 đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả và đã đạt được một số kết quả như sau:
Thứ nhất, về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền. Trong năm 2020, UBND tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh tiến hành rà soát những văn bản giao quy định chi tiết cần ban hành để lập danh mục và xây dựng kế hoạch ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong năm[2]. Từ ngày 01/10/2019 đến 30/10/2020 Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh đã ban hành 83 văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó có 20 nghị quyết của Hội đồng nhân dân, 63 quyết định của Ủy ban nhân dân. Qua theo dõi thì khi ban hành phần lớn các văn bản đều đảm bảo tính kịp thời, đầy đủ. Được các ngành, các cấp triển khai, thực hiện thống nhất, đồng bộ, được tổ chức, cá nhân đồng thuận thực hiện và mang lại hiệu quả cao. Chất lượng văn bản ngày càng được nâng lên, cơ bản đảm bảo các yêu cầu về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản.
Thứ hai, về theo dõi thi hành pháp luật ở các lĩnh vực. Các lĩnh vực theo dõi thi hành pháp luật được UBND tỉnh tiến hành trong năm 2020 gồm: (i) lĩnh vực trọng tâm liên ngành về bảo vệ môi; (ii) lĩnh vực trọng tâm của Bộ Tư pháp về đăng ký biện pháp giao dịch bảo đảm và về thi hành án dân sự; (iii) lĩnh vực trọng tâm của tỉnh về tài nguyên và môi trường; (iv) lĩnh vực nội vụ; (v) lĩnh vực trong phòng chống dịch Covid-19. Các hoạt động, nội dung theo dõi thi hành pháp luật ở các lĩnh vực được UBND tỉnh quan tâm tiến hành đầy đủ kịp thời. Qua đó, đối với kết quả theo dõi thi hành pháp luật lĩnh vực trọng tâm liên ngành về bảo vệ môi; lĩnh vực nội vụ; lĩnh vực trong phòng chống dịch Covid-19 đã được UBND tỉnh báo cáo riêng. Đối với kết quả theo dõi thi hành pháp luật lĩnh vực trọng tâm của Bộ Tư pháp về đăng ký biện pháp giao dịch bảo đảm và về thi hành án dân sự; lĩnh vực trọng tâm của tỉnh về tài nguyên và môi trường được lồng ghép vào báo cáo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2020 của UBND tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật cũng còn một số khó khăn, vướng mắc như sau:
Một là, đối với việc kiểm tra THTHPL trong lĩnh vực trọng tâm liên ngành. Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 32/2020/NĐ-CP bổ sung khoản 3, khoản 4 vào Điều 12 Nghị Định số 59/2012/NĐ-CP quy định về việc kiểm tra tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm liên ngành, qua theo dõi nội dung của khoản này chỉ quy định việc thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành đối với Bộ Tư pháp; không quy định việc thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm đối với UBND các cấp. Do đó, UBND các cấp khi thực hiện việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình thi hành pháp luật đối với lĩnh vực trọng tâm, liên ngành gặp rất nhiều khó khăn.
Hai là, đối với công tác phối hợp trong theo dõi thi hành pháp luật. Quá trình thực hiện công tác TDTHPL còn thiếu sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, toàn diện giữa các cơ quan trong hệ thống cơ quan hành chính với Tòa án nhân dân các cấp, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng. Đặc biệt trong hoạt động phối hợp kiểm tra liên ngành công tác TDTHPL.
Ba là, đối với việc huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong theo dõi thi hành pháp luật. Tại Điều 6 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 32/2020/NĐ-CP và Thông tư số 14/2014/TT-BTP đã quy định sự tham gia và huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong theo dõi thi hành pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức chính trị-chính trị xã hội, tổ chức xã hội trong hoạt động theo dõi thi hành pháp luật. Đồng thời, cũng chưa quy định cụ thể về cơ chế nhằm bảo đảm sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong theo dõi thi hành pháp luật. Do vậy, việc huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong theo dõi thi hành pháp luật tại tỉnh trên thực tế chưa được triển khai.
Bốn là, về đội ngũ thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật. Theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, thì tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có nhiệm vụ giúp Thủ trưởng cơ quan thực hiện công tác kiểm tra theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Tuy nhiên các thông tư liên tịch của Bộ Nội vụ và các Bộ ngành khác quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh lại không quy định phòng pháp chế, do đó các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh không có cơ sở để thành lập phòng pháp chế. Mặt khác, hiện nay tỉnh Tây Ninh đang thực hiện tinh giản biên chế nên đã không bố trí kịp thời cán bộ chuyên trách làm công tác pháp chế nói chung, công tác TDTHPL nói riêng, cũng như chưa có biên chế để bổ sung đội ngũ này. Tại cấp huyện, công tác TDTHPL do Phòng Tư pháp tham mưu thực hiện. Tuy nhiên, số lượng công việc được giao hiện nay cho các phòng Tư pháp ngày càng nhiều mà biên chế lại không được giao tăng thêm, không có biên chế chuyên trách cho công tác này và thường xuyên thay đổi hoặc chuyển đổi vị trí công tác nên công chức làm công tác TDTHPL không có thời gian đầu tư nghiên cứu chuyên sâu để nâng cao hiệu quả công tác.
Năm là, việc xử lý kết quả kiến nghị trong theo dõi thi hành pháp luật chưa được quan tâm, chú trọng thực hiện. Cơ quan nhận được kiến nghị thực hiện không đầy đủ, hoặc không thực hiện việc xử lý theo yêu cầu của cơ quan TDTHPL (bao gồm các biện pháp ban hành các văn bản quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc biện pháp chấn chỉnh trong việc áp dụng pháp luật không chính xác...); nhiều trường hợp khi phát hiện những hạn chế, sai sót, bất cập trong thi hành pháp luật, cơ quan TDTHPL không có biện pháp xử lý mà chỉ rút kinh nghiệm; việc theo dõi, đôn đốc, nắm thông tin về việc xử lý kết quả TDTHPL trên thực tế chưa được thực hiện hoặc thực hiện còn mang tính hình thức. Do vậy, mục đích của công tác TDTHPL chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với công tác này.
Phương Loan
[1] Kế hoạch 68/2020/KH-UBND ngày 14/01/2020
[2] Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 02/01/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chương trình công tác của UBND tỉnh năm 2020.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn