Ngày 31 tháng 12 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (viết tắt là Nghị định số 154/2020/NĐ-CP). Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.
Theo đó, Nghị định số 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã bổ sung thêm một số điểm mới cơ bản như sau:
- Thứ nhất, thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định.
Tại khoản 1 Điều 50 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định: "Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định theo quy định tại khoản 1 Điều 121 của Luật…".
Trước đây, theo quy định thì Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định theo quy định tại khoản 1 Điều 121 của Luật. Theo đó, khoản 1 Điều 121 của Luật là quy định liên quan đến "dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình". Hay nói cách khác, Hội đồng tư vấn thẩm định chỉ được thành lập "đối với dự thảo nghị quyết liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc do Sở Tư pháp chủ trì soạn thảo".
Tuy nhiên, quy định hiện hành đã bổ sung thêm trường hợp thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định "đối với quyết định liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc do Sở Tư pháp chủ trì soạn thảo quy định tại khoản 1 Điều 130 của Luật". Cụ thể là, khoản 1 Điều 50 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 12 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP quy định như sau: "1. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định đối với dự thảo nghị quyết, quyết định liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc do Sở Tư pháp chủ trì soạn thảo quy định tại khoản 1 Điều 121 và khoản 1 Điều 130 của Luật…".
Theo đó, Hội đồng tư vấn thẩm định sẽ được thành lập đối với dự thảo nghị quyết, quyết định liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc do Sở Tư pháp chủ trì soạn thảo mà không phải chỉ thảnh lập Hội đồng tư vấn thẩm định đối với dự thảo nghị quyết như trrước đây.
- Thứ hai, kỹ thuật viện dẫn văn bản.
Tại khoản 1 Điều 75 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định như sau: "Khi viện dẫn văn bản có liên quan, phải ghi đầy đủ tên loại văn bản, số, ký hiệu văn bản; ngày, tháng, năm thông qua hoặc ký ban hành văn bản; tên cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản và tên gọi văn bản".
Về nguyên tắc, khi viện dẫn văn bản có liên quan thì phải viện dẫn đầy đủ. Theo đó, trên cơ sở quy định này, thì việc viện dẫn văn bản phải viện dẫn đầy đủ mà không phân biệt "viện dẫn lần đầu" hay "viện dẫn lần tiếp theo".
Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 75 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 16 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP quy định:
"1. Khi viện dẫn lần đầu văn bản có liên quan, phải ghi đầy đủ tên loại văn bản, số, ký hiệu văn bản; ngày, tháng, năm thông qua hoặc ký ban hành văn bản; tên cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản và tên gọi văn bản. Trong lần viện dẫn tiếp theo, đối với luật, pháp lệnh, ghi đầy đủ tên loại văn bản, tên gọi của văn bản; đối với các văn bản khác, ghi tên loại, số, ký hiệu của văn bản đó".
Theo đó, trên cơ sở quy định hiện hành, khi "viện dẫn lần đầu" thì phải ghi đầy đủ nhưng đến "lần viện dẫn tiếp theo" thì có thể viện dẫn ngắn gọn hơn mà không cần phải chú thích viết tắt./.
Ngọc Giàu
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn