Hướng dẫn một số nội dung về quy trình rà soát văn bản quy phạm pháp luật

Thứ năm - 07/10/2021 17:00

Đọc bằng audio

Rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) có vai trò quan trọng trong việc phát hiện các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành văn bản mới hoặc thay thế văn bản QPPL, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc áp dụng và thực hiện pháp luật.

Để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động này, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (viết tắt Nghị định số 34/2016/NĐ-CP); Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (viết tắt Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) đã quy định về trách nhiệm, nội dung, trình tự, thủ tục và một số vấn đề khác có liên quan đến hoạt động rà soát văn bản QPPL. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai thi hành công tác rà soát văn bản QPPL tại các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố (UBND cấp huyện), UBND các xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) thời gian qua vẫn còn gặp khó khăn trong việc vận dụng pháp luật, chưa xác định được trách nhiệm rà soát và kết quả rà soát, công bố chưa đúng quy định.

Với mong muốn cung cấp những thông tin cần thiết về công tác rà soát văn bản QPPL cho cán bộ, công chức làm công tác này tại các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện, UBND cấp xã, Sở Tư pháp ban hành Công văn số 981/STP-PXDKT&QLTTP ngày 23 tháng 4 năm 2021 hướng dẫn một số nội dung về quy trình rà soát văn bản quy phạm pháp luật như sau:

A. MỤC ĐÍCH, NGUYÊN TẮC, TRÁCH NHIỆM VÀ THẨM QUYỀN

RÀ SOÁT, XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

I. Mục đích rà soát văn bản

Rà soát văn bản QPPL là việc xem xét, đối chiếu, đánh giá các quy định của văn bản được rà soát với văn bản là căn cứ để rà soát, tình hình phát triển kinh tế - xã hội nhằm phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp.

II. Nguyên tắc rà soát văn bản

Nguyên tắc rà soát văn bản được quy định tại Điều 138 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

1. Việc rà soát văn bản phải được tiến hành thường xuyên, ngay khi có căn cứ rà soát; không bỏ sót văn bản thuộc trách nhiệm rà soát; kịp thời xử lý kết quả rà soát; tuân thủ trình tự rà soát.

2. Việc rà soát văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

III. Trách nhiệm thực hiện rà soát, kiến nghị rà soát văn bản

Trách nhiệm rà soát văn bản được quy định tại Điều 139 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 30 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

1. Ủy ban nhân dân thực hiện rà soát văn bản do mình và Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành; phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân kiến nghị Hội đồng nhân dân xử lý kết quả rà soát văn bản của Hội đồng nhân dân.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện rà soát văn bản do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp mình ban hành.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức rà soát văn bản do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp mình ban hành.

3. Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện chủ trì, phối hợp với Ban pháp chế Hội đồng nhân dân và các cơ quan liên quan thực hiện rà soát văn bản của Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cùng cấp có nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của cơ quan mình.

Người đứng đầu tổ chức pháp chế hoặc đơn vị được giao thực hiện công tác pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan giúp Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thực hiện rà soát văn bản.

Thủ trưởng các cơ quan khác đã chủ trì soạn thảo văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ban pháp chế Hội đồng nhân dân, Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng Phòng Tư pháp và các cơ quan liên quan thực hiện rà soát văn bản.

4. Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng Phòng Tư pháp có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn, tổng hợp kết quả rà soát văn bản chung của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp mình.

5. Trường hợp có sự chuyển giao chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị thì cơ quan, đơn vị tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm thực hiện rà soát văn bản liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được chuyển giao.

6. Trường hợp giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính thì Ủy ban nhân dân của đơn vị hành chính mới có trách nhiệm rà soát văn bản do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân của đơn vị hành chính trước đó ban hành.

IV. Kiến nghị rà soát văn bản

Kiến nghị rà soát văn bản được quy định tại Điều 140 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, cụ thể như sau:

1. Cơ quan, tổ chức và công dân khi phát hiện văn bản có nội dung trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp thì kiến nghị cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực hiện rà soát văn bản được quy định tại Điều 139 của Nghị định này.

2. Cơ quan nhận được kiến nghị có trách nhiệm xem xét để thực hiện rà soát văn bản hoặc chuyển kiến nghị đến cơ quan có trách nhiệm rà soát văn bản, đồng thời thông báo cho cơ quan, tổ chức và công dân đã kiến nghị rà soát văn bản.

V. Nguồn văn bản rà soát

Nguồn văn bản để rà soát được quy định tại Điều 141 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 31 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP. Theo đó, để bảo đảm kết quả rà soát phản ánh đúng tình trạng pháp lý của văn bản được rà soát, có giá trị sử dụng trên thực tế, việc rà soát văn bản phải được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau:

1. Bản gốc, bản chính.

2. Văn bản đăng trên công báo in, công báo điện tử.

3. Bản sao y, bản sao lục của cơ quan, người có thẩm quyền.

4. Văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.

5. Văn bản trong Tập hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.

VI. Các hình thức xử lý văn bản được rà soát

Các hình thức xử lý văn bản được rà soát quy định tại Điều 143 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

1. Bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần văn bản.

a) Bãi bỏ toàn bộ văn bản được áp dụng trong trường hợp đối tượng điều chỉnh của văn bản không còn hoặc toàn bộ quy định của văn bản trái, chồng chéo, mâu thuẫn với văn bản là căn cứ để rà soát hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội mà không cần thiết ban hành văn bản để thay thế;

b) Bãi bỏ một phần văn bản được áp dụng trong trường hợp một phần đối tượng điều chỉnh của văn bản không còn hoặc một phần nội dung của văn bản trái, chồng chéo, mâu thuẫn với văn bản là căn cứ để rà soát hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội mà không cần thiết ban hành văn bản để sửa đổi, bổ sung;

c) Văn bản bị bãi bỏ phải được đưa vào danh mục để công bố theo quy định tại Điều 157 của Nghị định 34/2016/NĐ-CP.

2. Thay thế văn bản được áp dụng trong trường hợp toàn bộ hoặc phần lớn nội dung của văn bản trái, chồng chéo, mâu thuẫn với văn bản là căn cứ để rà soát hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

3. Sửa đổi, bổ sung văn bản được áp dụng trong trường hợp một phần nội dung của văn bản trái, chồng chéo, mâu thuẫn với văn bản là căn cứ để rà soát hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

4. Ban hành văn bản mới được áp dụng trong trường hợp qua rà soát phát hiện có quan hệ xã hội cần được điều chỉnh bởi văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn hoặc có quan hệ xã hội cần điều chỉnh nhưng chưa có quy định pháp luật điều chỉnh.

5. Đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản được áp dụng trong trường hợp văn bản được rà soát có quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo nếu chưa được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế kịp thời và tiếp tục thực hiện thì có thể gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

6. Ngưng hiệu lực một phần hoặc toàn bộ văn bản trong một thời hạn nhất định được áp dụng trong trường hợp rà soát văn bản căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội phát sinh.

B. QUY TRÌNH RÀ SOÁT VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

I. Bước 1: Chuẩn bị rà soát

1. Các đơn vị tiến hành rà soát xây dựng kế hoạch rà soát văn bản QPPL.

2.  Lập danh mục tổng hợp các văn bản thuộc đối tượng, phạm vi phải rà soát. 

Các văn bản thuộc đối tượng, phạm vi phải rà soát bao gồm: Các văn bản quy phạm pháp luật là Nghị quyết của Hội đồng nhân dân; Quyết định của Ủy ban nhân dân được ban hành còn hiệu lực thực hiện đến thời điểm rà soát.

3. Thu thập đầy đủ các văn bản là căn cứ pháp lý để rà soát và văn bản QPPL cần rà soát.

a) Các đơn vị tiến hành rà soát căn cứ vào danh mục các văn bản thuộc đối tượng, phạm vi phải rà soát để thu thập đầy đủ các văn bản QPPL là căn cứ pháp lý cao hơn để rà soát văn bản được rà soát gồm:

Hiến pháp, Luật, nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ trưởng,...

Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh là căn cứ pháp lý để rà soát Quyết định của Ủy ban nhân dân cùng cấp và Nghị quyết Hội đồng nhân dân, Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp dưới.

b) Xác định văn bản là căn cứ để rà soát và văn bản cần rà soát:

Việc xác định văn bản là căn cứ để rà soát và văn bản cần rà soát được quy định tại Điều 145 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, đình chỉ việc thi hành, ngưng hiệu lực một hoặc nhiều văn bản là căn cứ để rà soát; văn bản được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, bị ngưng hiệu lực, bị đình chỉ việc thi hành là văn bản cần rà soát.

Ví dụ 1: Quyết định A sửa đổi, bổ sung Quyết định B thì Quyết định A là căn cứ pháp lý để rà soát, Quyết định B là văn bản được rà soát.

- Văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ngưng hiệu lực, đình chỉ việc thi hành văn bản được sử dụng làm căn cứ ban hành một hoặc nhiều văn bản là căn cứ để rà soát; văn bản có văn bản là căn cứ ban hành được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, bị ngưng hiệu lực, bị đình chỉ việc thi hành là văn bản cần rà soát.

Ví dụ 2: Quyết định C có một trong những căn cứ ban hành là Nghị quyết D. Nghị quyết D được thay thế bởi Nghị quyết E. Khi đó, Nghị quyết E là căn cứ pháp lý để rà soát, Quyết định C là văn bản được rà soát. (Nghị quyết D cũng là văn bản được rà soát theo trường hợp đã nêu tại Ví dụ 1).

- Văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ngưng hiệu lực, đình chỉ văn bản được dẫn chiếu trong nội dung của một hoặc nhiều văn bản là căn cứ để rà soát; văn bản có chứa nội dung được dẫn chiếu đến văn bản được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, bị ngưng hiệu lực, bị đình chỉ việc thi hành là văn bản cần rà soát.

Ví dụ 3: Trong nội dung của Quyết định G có dẫn chiếu đến quy định của Quyết định F. Quyết định F được thay thế bởi Quyết định K. Khi đó, Quyết định K là căn cứ pháp lý để rà soát, Quyết định G là văn bản được rà soát. (Quyết định F cũng là văn bản được rà soát theo trường hợp đã nêu tại Ví dụ 1).

- Trường hợp khác mà văn bản được ban hành có quy định liên quan đến quy định của một hay nhiều văn bản được ban hành trước đó, thì văn bản được ban hành sau là căn cứ pháp lý để rà soát; các văn bản được ban hành trước đó có quy định liên quan là văn bản được rà soát.

Ví dụ 4: Điều 12 Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL chỉ quy định các hình thức sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy, pháp luật không còn hình thức "hủy bỏ" văn bản QPPL. Tuy nhiên, đối với văn bản được ban hành để "hủy bỏ" một hay nhiều văn bản khác được ban hành trước ngày Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 có hiệu lực thì vẫn được coi là căn cứ để rà soát văn bản trước đó.

4. Phân công cán bộ thực hiện rà soát.

II. Bước 2: Tiến hành rà soát văn bản

1. Xác định văn bản được rà soát

Cán bộ được phân công rà soát căn cứ vào danh mục các văn bản thuộc đối tượng, phạm vi phải rà soát để xác định rà soát văn bản cụ thể theo thứ tự trong danh mục hoặc theo từng lĩnh vực.

2. Tập hợp văn bản làm căn cứ pháp lý để rà soát văn bản

Cán bộ được phân công rà soát tập hợp đầy đủ các văn bản làm căn cứ pháp lý để rà soát một văn bản cụ thể, có thể tập hợp văn bản giấy có sẵn hoặc tra cứu, khai thác trên hệ thống văn bản QPPL của Chính phủ, Bộ Tư pháp và trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh.

3. Tiến hành rà soát

- Rà soát hiệu lực của văn bản được rà soát: bao gồm xác định rõ các trường hợp văn bản còn hiệu lực, văn bản hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần. Văn bản được xác định hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau:

+ Hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản được rà soát;

+ Văn bản được rà soát đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó;

+ Văn bản được rà soát bị bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Văn bản QPPL hết hiệu lực thi hành thì văn bản QPPL quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực.

- Rà soát căn cứ pháp lý ban hành văn bản, đối chiếu với các văn bản làm căn cứ pháp lý để rà soát phát hiện căn cứ pháp lý của văn bản cần rà soát còn hiệu lực, hay đã hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần.

- Rà soát về thẩm quyền ban hành văn bản gồm: thẩm quyền về hình thức và thẩm quyền về nội dung.

- Rà soát nội dung của văn bản: xác định nội dung của văn bản được rà soát có quy định trái, chồng chéo, mâu thuẫn với quy định của văn bản là căn cứ pháp lý để rà soát. Trong trường hợp các văn bản QPPL là căn cứ pháp lý để rà soát có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn; nếu các văn bản QPPL là căn cứ pháp lý để rà soát do một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản QPPL được ban hành sau.     

* Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để xem xét, đối chiếu nội dung của văn bản được rà soát nhằm xác định những nội dung không còn phù hợp, cụ thể như sau:

- Đối tượng điều chỉnh của văn bản được rà soát không còn;

- Quy định cụ thể của văn bản được rà soát không còn phù hợp;

- Quy định của văn bản được rà soát cần được ban hành bằng hình thức văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn;

- Phát sinh các quan hệ xã hội cần được điều chỉnh nhưng chưa có quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cơ sở xác định tình hình phát triển kinh tế-xã hội là căn cứ rà soát văn bản từ kết quả điều tra, khảo sát; thông tin kinh tế-xã hội; số liệu và báo cáo thống kê; thông tin số liệu thực tiễn, tài liệu khác liên quan đến văn bản được rà soát do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.

III. Bước 3: Lập Phiếu rà soát văn bản

1. Khi rà soát một văn bản, cán bộ được phân công rà soát tiến hành lập Phiếu rà soát văn bản, việc lập phiếu phải đảm bảo kịp thời, chính xác, đầy đủ các nội dung theo mẫu Mẫu số 01 Phụ lục IV kèm theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP trong trường hợp văn bản được rà soát có quy định trái, mâu thuẫn, chồng chéo với văn bản là căn cứ rà soát hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Trường hợp kết quả rà soát văn bản có nội dung phức tạp, người rà soát đề xuất Thủ trưởng cơ quan, đơn vị xem xét, tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan để hoàn thiện kết quả rà soát.

2. Người rà soát không lập Phiếu rà soát văn bản mà ký vào góc trên của văn bản được rà soát, ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm rà soát trong trường hợp văn bản được rà soát không có quy định trái, mâu thuẫn, chồng chéo với văn bản là căn cứ rà soát hoặc còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

IV. Bước 4: Lập hồ sơ rà soát

Việc lập hồ sơ rà soát văn bản được quy định tại Điều 152 Nghị định 34/2016/NĐ-CP. Theo đó, sau khi thực hiện rà soát văn bản, người rà soát văn bản lập Hồ sơ rà soát văn bản trình Thủ trưởng cơ quan, đơn vị gồm các tài liệu sau:

1. Văn bản được rà soát;

2. Văn bản là căn cứ rà soát; tài liệu liên quan về tình hình phát triển kinh tế - xã hội;

3. Phiếu rà soát văn bản;

4. Dự thảo báo cáo kết quả rà soát của cơ quan, đơn vị trình Ủy ban nhân dân, trong đó đánh giá về hiệu lực, thẩm quyền ban hành, nội dung trái, chồng chéo, mâu thuẫn của văn bản được rà soát với văn bản là căn cứ rà soát hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và kiến nghị xử lý;

5. Dự thảo văn bản lấy ý kiến cơ quan liên quan ban hành văn bản được rà soát về việc xử lý kết quả rà soát (nếu có);

6. Dự thảo văn bản của Ủy ban nhân dân kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý văn bản (trong trường hợp văn bản không thuộc thẩm quyền xử lý của Ủy ban nhân dân);

7. Các tài liệu khác có liên quan.

V. Bước 5: Gửi hồ sơ rà soát đến cơ quan Tư pháp để lấy ý kiến

1. Công chức chuyên môn cấp xã gửi hồ sơ đến cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cấp xã. Các phòng ban chuyên môn cấp huyện gửi hồ sơ đến Phòng Tư pháp. Các Sở, ban, ngành tỉnh gửi hồ sơ đến Sở tư pháp để lấy ý kiến về kết quả rà soát văn bản.

2. Cơ quan Tư pháp sau khi nhận được hồ sơ rà soát do các đơn vị gửi đến tiến hành kiểm tra toàn bộ kết quả rà soát và có trách nhiệm trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rõ nội dung nhất trí, nội dung không nhất trí có lý do hoặc ý kiến khác.

VI. Bước 6: Hoàn thiện hồ sơ rà soát, lập danh mục văn bản, công bố kết quả rà soát, báo cáo kết quả rà soát

1. Sau khi nhận được ý kiến trả lời bằng văn bản của cơ quan Tư pháp về kết quả rà soát, các đơn vị rà soát bổ sung (nếu có), hoàn thiện hồ sơ rà soát.

2. Lập danh mục văn bản gồm:

- Danh mục văn bản QPPL hết hiệu lực toàn bộ (Mẫu số 03 Phụ lục IV kèm theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP).  

- Danh mục văn bản QPPL hết hiệu lực một phần (Mẫu số 03 Phụ lục IV kèm theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP). 

- Danh mục văn bản QPPL còn hiệu lực: bao gồm cả văn bản QPPL hết hiệu lực một phần (Mẫu số 05 Phụ lục IV kèm theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP).

- Danh mục văn bản QPPL cần đình chỉ thi hành, ngưng hiệu lực, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới (Mẫu số 03 Phụ lục IV kèm theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP). 

* Lưu ý: Đối với việc rà soát thường xuyên, định kỳ hàng năm, đơn vị tiến hành rà soát chỉ công bố Danh mục văn bản hết hiệu lực toàn bộ hoặc hết hiệu lực một phần.

3. Xây dựng báo cáo kết quả rà soát

a) Các đơn vị tiến hành rà soát xây dựng báo cáo kết quả rà soát văn bản, nội dung báo cáo nêu rõ quá trình tổ chức thực hiện; số liệu về số văn bản phải rà soát; đánh giá chung về chất lượng công tác xây dựng, ban hành thuộc trách nhiệm rà soát và kiến nghị, đề xuất xử lý văn bản.

Báo cáo và danh mục văn bản nêu ở mục 2 (Bước sáu) được gửi đến UBND cùng cấp, đồng gửi cơ quan Tư pháp để tổng hợp.

b) Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cấp xã, Phòng Tư pháp cấp huyện tham mưu giúp Chủ tịch UBND cùng cấp báo cáo kết quả rà soát ở cấp mình; Quyết định công bố các danh mục văn bản theo quy định, báo cáo UBND cấp trên (qua cơ quan Tư pháp).

4. Lập sổ theo dõi văn bản được rà soát: Theo mẫu số 02 Phụ lục IV kèm theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.

VII. Bước 7: Công bố, niêm yết công khai kết quả rà soát

1. Cấp xã: Quyết định công bố văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được gửi đến Ủy ban nhân dân cấp huyện, Phòng Tư pháp để theo dõi, tổng hợp; danh mục văn bản hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần được niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã.

2. Cấp huyện: Quyết định công bố văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được gửi đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tư pháp để theo dõi, tổng hợp; danh mục văn bản hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần phải được niêm yết tại trụ sở UBND cấp huyện và đăng tải trên trang thông tin điện tử của huyện (nếu có).

3. Cấp tỉnh: Quyết định công bố văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh được gửi đến Bộ Tư pháp; danh mục văn bản hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần phải được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản QPPL.

* Lưu ý: Thời gian công bố chậm nhất là ngày 31 tháng 01 hằng năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp ban hành văn bản hành chính (Quyết định) công bố danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực thuộc trách nhiệm rà soát của mình.

Trường hợp sau khi công bố nếu phát hiện có sai sót thì tiến hành rà soát lại, bổ sung và đính chính kết quả rà soát./.

                                                 Kim Ngọc - PXDKTQLTTPL


  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập50
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm48
  • Hôm nay2,579
  • Tháng hiện tại72,358
  • Tổng lượt truy cập6,001,198
Văn bản pháp luật 1
Tiếp cận pháp luật
Học tập và làm theo lời bác
Văn bản pháp luật
Tài liệu xúc tiến đầu tư
Công khai tài chính
Văn bản pháp luật
Công báo tây ninh
Chung tay cải cách hành chính
Thư điện tử
trung tam tro giup phap ly
Đảng bộ tỉnh Tây Ninh
Theo dõi thi hành pháp luật
Hoi dap truc tuyen
CUNG CẤP THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Bộ pháp điển
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây