Ngày 31 tháng 12 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (viết tắt là Nghị định số 154/2020/NĐ-CP). Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.
Theo đó, một trong những điểm mới quan trọng của điểm a khoản 2 Điều 103 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi điểm b khoản 17 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP so với quy định tại điểm a khoản 2 Điều 103 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP chính là quy định liên quan đến "văn bản trái pháp luật".
Trước đây, tại điểm a khoản 2 Điều 103 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định như sau: "Văn bản trái pháp luật gồm văn bản ban hành không đúng thẩm quyền; văn bản có nội dung trái với Hiến pháp, trái với văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn; văn bản vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành". Trên cơ sở quy định này, việc quy định văn bản trái pháp luật là "văn bản vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành" mang tính định tính, mập mờ và khó xác định. Đồng thời, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 103 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP thì chỉ có 03 trường hợp để xác định văn bản trái pháp luật.
Tuy nhiên, hiện nay, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 103 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi điểm b khoản 17 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP thì: "Văn bản trái pháp luật gồm văn bản ban hành không đúng thẩm quyền; văn bản có nội dung trái với Hiến pháp, trái với văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn; văn bản quy định thời điểm có hiệu lực trái với quy định tại khoản 1 Điều 151 của Luật; văn bản vi phạm quy định của pháp luật về đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra dự thảo; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành trong trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn theo trình tự, thủ tục rút gọn nhưng không thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 147 của Luật". Trên cơ sở quy định hiện hành, thì có đến 05 trường hợp được xem là văn bản trái pháp luật.
Theo đó, tại điểm a khoản 2 Điều 103 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi điểm b khoản 17 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm một nội dung mới đó là "văn bản quy định thời điểm có hiệu lực trái với quy định tại khoản 1 Điều 151 của Luật".
Ngoài ra, nội dung "văn bản vi phạm quy định của pháp luật về đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra dự thảo"; "thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành trong trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn theo trình tự, thủ tục rút gọn nhưng không thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 147 của Luật" được quy định chi tiết, cụ thể hơn so với nội dung quy định "văn bản vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành"./.
Ngọc Giàu
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn