Thực hiện nhiệm vụ rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Khoản 2 Điều 170 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Điều 164 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Qua 01 năm tổ chức thực hiện Kế hoạch rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh tính đến ngày 15 tháng 3 năm 2019 toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2014-2018.
Tổng số văn bản hệ thống hóa đến ngày 31 tháng 12 năm 2018 trên toàn tỉnh rà soát là 3.380 văn bản: trong đó có 1.899 Nghị quyết và 1.481 Quyết định. Trong đó: hết hiệu lực toàn bộ: 2.414 văn bản; hết hiệu lực một phần: 82 văn bản Còn hiệu lực toàn bộ: 966 văn bản; cần sửa đổi, bổ sung: 05 văn bản; kiến nghị ban hành văn bản mới thay thế: 04 văn bản; kiến nghị bãi bỏ: 126 văn bản.
Trong đó, số văn bản tiến hành rà soát, hệ thống hóa tại cấp tỉnh là 890 văn bản. Sau khi tiến hành rà soát xác định được số văn bản hết hiệu lực toàn bộ: 266 văn bản; hết hiệu lực một phần: 35 văn bản; còn hiệu lực toàn bộ: 624 văn bản; cần sửa đổi, bổ sung: 05 văn bản; kiến nghị bãi bỏ: 87 văn bản; kiến nghị ban hành văn bản mới thay thế: 04 văn bản. Tại cấp huyện là 598 văn bản, sau khi tiến hành rà soát xác định được số văn bản còn hiệu lực: 196 văn bản; hết hiệu lực toàn bộ: 402 văn bản; hết hiệu lực một phần: 24 văn bản; kiến nghị bãi bỏ: 20 văn bản. Tại cấp xã là 1.892 văn bản, sau khi tiến hành rà soát xác định được số văn bản còn hiệu lực: 146 văn bản; hết hiệu lực toàn bộ: 1.746 văn bản; hết hiệu lực một phần: 23 văn bản; kiến nghị bãi bỏ: 19 văn bản.
Sau đợt hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2014-2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và các đơn vị có liên quan thực hiện việc đăng tải kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh và kiểm tra cập nhật bổ sung văn bản quy phạm pháp luật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo quy định. Giao Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Trung tâm Công báo -Tin học đăng Công báo Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh hết hiệu lực toàn bộ hoặc hết hiệu lực một phần trong kỳ hệ thống hóa 2014-2018 theo quy định tại khoản 7 Điều 167 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định bãi bỏ các Quyết định quy phạm pháp luật và tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy phạm pháp luật bãi bỏ các Nghị quyết hết hiệu lực pháp luật do thời gian thực hiện đã hết; đối tượng điều chỉnh không còn và căn cứ pháp lý để ban hành đã được thay thế bằng văn bản khác; không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội. Đối với các sở, ban, ngành có liên quan khẩn trương soạn thảo, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm tham mưu, quản lý.
Trong thời gian qua các đơn vị đã tích cực quan tâm, phối hợp chặt chẽ cùng tiến hành triển khai nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản. Về chất lượng hệ thống hóa, bước đầu các đơn vị cơ bản đã xác định được các văn bản thuộc trách nhiệm hệ thống hóa văn bản của đơn vị mình. Nhìn chung, việc triển khai nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân kỳ 2014-2018 tương đối thuận lợi. Điều này xuất phát từ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và các đơn vị đã nhận thức được vai trò, ý nghĩa của công tác rà soát, hệ thống hóa trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật nên đã quan tâm, tích cực trong tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như do đối tượng văn bản phải rà soát, hệ thống quá lớn, liên quan đến tất cả các lĩnh vực trong khi đó đội ngũ làm công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản ở địa phương hầu hết là công chức kiêm nhiệm, cán bộ pháp chế ở các sở, ban, ngành tỉnh hạn chế về số lượng, chuyên môn; hệ thống pháp luật làm căn cứ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương từ trước đến nay luôn thay đổi dẫn đến việc rà soát, đối chiếu gặp không ít khó khăn trong việc tập hợp các văn bản thuộc đối tượng rà soát và văn bản làm căn cứ pháp lý rà soát. Công tác rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật là một nhiệm vụ tương đối phức tạp, đòi hỏi cán bộ được phân công phụ trách lĩnh vực này phải có trình độ chuyên sâu, có trách nhiệm và thâm niên công tác lâu dài. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã ở địa phương thường xuyên có sự thay đổi và chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến công tác văn bản nói chung và công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời nên chất lượng báo cáo hầu hết chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác lưu trữ văn bản ở các sở, ban, ngành tỉnh, huyện, thành phố không tốt dẫn đến việc tập hợp, hệ thống văn bản thuộc đối tượng rà soát, hệ thống chưa bảo đảm đầy đủ, toàn diện.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật theo quy định nhìn chung công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của địa phương đảm bảo chất lượng theo quy định của Luật và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP. Qua rà soát, hệ thống hóa đã kịp thời phát hiện một số lượng khá lớn văn bản hết hiệu lực, không còn phù hợp, chồng chéo cần xử lý góp phần bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật của địa phương với hệ thống pháp luật của Trung ương./.
Phương Anh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn