Quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một điều và

Thứ hai - 24/09/2018 22:00

Đọc bằng audio

Quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

 

Ngày 22/06/2015, Quốc hội khóa XIII thông qua Luật số 80/2015/QH13 - Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, thay thế cho Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 ra đời (gọi tắt là Luật), có sự kế thừa và phát triển việc áp dụng thống nhất trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói chung và của địa phương nói riêng. Để công tác văn bản ở địa phương được áp dụng thống nhất, Sở Tư pháp giới thiệu về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh như sau:

I. Xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân

Quy trình, hồ sơ xây dựng ban hành Nghị quyết của HĐND được quy định tại Chương VIII, gồm 16 điều (từ Điều 111 đến Điều 126) của Luật.

Về quy trình, nhìn chung không có thay đổi nhiều, gồm 4 bước cơ bản sau:

Bước 1. Lập đề nghị và thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết HĐND tỉnh do UBND tỉnh là cơ quan đề nghị

1. UBND tỉnh tự mình hoặc theo đề xuất của các sở, ban, ngành trực thuộc đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND.

2. Hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết

a) Đối với Nghị quyết quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên (quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật) thì hồ sơ thực hiện theo khoản 2 Điều 117 của Luật gồm có:

- Tờ trình về đề nghị xây dựng nghị quyết;

- Bản thuyết minh về căn cứ ban hành nghị quyết; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của nghị quyết; nội dung chính của nghị quyết; thời gian dự kiến đề nghị Hội đồng nhân dân xem xét, thông qua; dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành nghị quyết.

b) Riêng đối với việc xây dựng nghị quyết thuộc các trường hợp tại Khoản 2, 3, 4 Điều 27 của Luật quy định về: Chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; Biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương; Biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thì cơ quan lập đề nghị phải thực hiện thêm các bước quy định tại các Điều 112 đến Điều 116 của Luật. Cụ thể:

- Cơ quan đề nghị xây dựng nghị quyết phải thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 112 của Luật như tổng kết hoặc đánh giá các văn bản QPPL liên quan; tổ chức nghiên cứu thông tin tư liệu, điều ước quốc tế liên quan; xây dựng nội dung của chính sách, đánh giá tác động của chính sách; chuẩn bị hồ sơ đề nghị, lấy ý kiến về hồ sơ đề nghị, …

- Việc lấy ý kiến được thực hiện theo Điều 113 của Luật. Cụ thể: Đăng tải toàn bộ hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết trên cổng thông tin điện tử của tỉnh trong thời hạn ít nhất là 30 ngày để nhân dân tham gia ý kiến, đồng thời lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, thời gian để các đơn vị góp ý không ít hơn 10 ngày, …

- Ngoài ra, căn cứ Điều 10 của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì cơ quan đề nghị xây dựng nghị quyết phải:

+ Gửi hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của đến cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực có liên quan, cơ quan, tổ chức khác có liên quan để lấy ý kiến;

+ Gửi hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;

+ Hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp đến Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để lấy ý kiến;

+ Trong trường hợp cần thiết có thể tổ chức họp để lấy ý kiến về những chính sách cơ bản trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật;

+ Nghiên cứu ý kiến góp ý để hoàn thiện đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến phải được đăng tải cùng với các tài liệu khác trong hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Trang thông tin điện tử của cơ quan lập đề nghị.

Sau khi kết thúc thời gian lấy ý kiến, cơ quan đề nghị xây dựng nghị quyết tổng hợp và tiếp thu ý kiến; gửi Sở Tư pháp thẩm định (thời gian thẩm định là 15 ngày); Cơ quan lập đề nghị là UBND tỉnh giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định hoàn thiện hồ sơ.

Hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết theo quy định tại Khoản 3 Điều 117 của Luật gồm:

+ Tờ trình đề nghị xây dựng nghị quyết, trong đó phải nêu rõ sự cần thiết ban hành nghị quyết; mục đích, quan điểm xây dựng nghị quyết; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của nghị quyết; mục tiêu, nội dung chính sách trong dự thảo nghị quyết và các giải pháp để thực hiện chính sách đã được lựa chọn; thời gian dự kiến đề nghị Hội đồng nhân dân xem xét, thông qua; dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành nghị quyết.

+ Nội dung đánh giá tác động của từng chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết, trong đó phải nêu rõ vấn đề cần giải quyết; mục tiêu ban hành chính sách; các giải pháp để thực hiện chính sách; các tác động tích cực, tiêu cực của chính sách; chi phí, lợi ích của các giải pháp; so sánh chi phí, lợi ích của các giải pháp; lựa chọn giải pháp của cơ quan, tổ chức và lý do lựa chọn; xác định vấn đề giới và tác động giới của chính sách.

+ Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật hoặc đánh giá thực trạng các vấn đề liên quan đến chính sách.

+ Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp; bản chụp ý kiến góp ý.

+ Đề cương dự thảo nghị quyết.

+ Báo cáo thẩm định đề nghị xây dựng nghị quyết của Sở Tư pháp.

+ Quyết định thông qua chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết của cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 116 của Luật này.

+ Tài liệu khác (nếu có).

- UBND cấp tỉnh xem xét, thông qua đề nghị xây dựng nghị quyết (UBND tỉnh tổ chức phiên họp để xem xét các đề nghị xây dựng nghị quyết)

- Đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh gửi đến thường trực HĐND tỉnh để xem xét, quyết định. Nếu chấp thuận thì phân công cơ quan tổ chức trình (UBND tỉnh) trình dự thảo Nghị quyết và quyết định thời hạn trình HĐND tỉnh dự thảo nghị quyết; UBND tỉnh sẽ  phân công cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan phối hợp soạn thảo dự thảo nghị quyết.

Bước 2. Soạn thảo và lấy ý kiến đối với dự thảo nghị quyết (Điều 120 của Luật)

Cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức xây dựng dự thảo phải chủ động phối hợp để đăng tải các tài liệu về dự thảo lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh ít nhất là 30 để lấy ý kiến của cá nhân, tổ chức và những cơ quan, tổ chức; cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo văn bản.

Bước 3. Thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định trình dự thảo Nghị quyết, thẩm tra dự thảo nghị quyết

1. Thẩm định

Cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều 121 của Luật  gửi Sở Tư pháp thẩm định chậm nhất là 20 ngày trước ngày UBND tỉnh họp quyết định việc trình dự thảo Nghị quyết lên HĐND tỉnh.

Sở Tư pháp tiến hành thẩm định trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ thẩm định và gửi báo cáo cho cơ quan chủ trì soạn thảo. Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo và đồng thời gửi báo cáo giải trình, tiếp thu kèm theo dự thảo văn bản đã chỉnh lý đến Sở Tư pháp khi trình UBND tỉnh.

2. Trình UBND tỉnh quyết định trình dự thảo nghị quyết

Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm gửi hồ sơ dự thảo theo quy định tại khoản 1 Điều 122 của Luật đến UBND tỉnh để chuyển đến các thành viên của UBND tỉnh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày UBND tỉnh họp.

Tại phiên họp, UBND tỉnh có trách nhiệm xem xét, thảo luận tập thể và biểu quyết theo đa số quyết định việc trình dự thảo nghị quyết ra HĐND tỉnh.

2. Thẩm tra

Chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND, UBND tỉnh trình dự thảo nghị quyết phải gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết (thành phần hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều 124 của Luật) đến Ban của HĐND được phân công thẩm tra để thẩm tra. Ban có trách nhiệm thẩm tra phải gửi báo cáo thẩm tra đến Thường trực HĐND chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp của HĐND.

Bước 4. Thông qua dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh

Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo việc chuẩn bị hồ sơ dự thảo nghị quyết để gửi đến đại biểu HĐND tỉnh chậm nhất là 07 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp của HĐND (thành phần hồ sơ gửi theo quy định tại khoản 1 Điều 125 của Luật).

Tại kỳ họp của HĐND tỉnh tiến hành việc xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết theo trình tự quy định tại Điều 126 của Luật.

              vbqpplvban.jpg

II. Quyết định của UBND tỉnh

Quy trình, hồ sơ xây dựng ban hành quyết định của UBND tỉnh được quy định tại Chương IX gồm 6 điều (từ Điều 127 tới Điều 132) của Luật, gồm 4 bước cơ bản sau:

Bước 1. Lập đề nghị xây dựng Quyết định

Quy định cụ thể cơ quan, cá nhân sau có quyền và trách nhiệm đề nghị xây dựng Quyết định của UBND tỉnh: Cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND cấp huyện.

Văn phòng UBND tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp xem xét kiểm tra việc đề nghị ban hành quyết định, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để quyết định và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo.

Bước 2. Soạn thảo và lấy ý kiến dự thảo              

Cơ quan đề nghị cũng là cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều 128 của Luật.

Lấy ý kiến dự thảo thực hiện theo quy định tại Điều 129 viện dẫn áp dụng theo Điều 120 của Luật và tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu ý kiến, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo.

Bước 3. Thẩm định

Cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị hồ sơ thẩm định theo quy định tại khoản 2 Điều 121 của Luật gửi Sở Tư pháp. Sở Tư pháp tiến hành thẩm định trong 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ thẩm định. Báo cáo thẩm định gửi cho cơ quan chủ trì soạn thảo.

Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định để chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự thảo (Hồ sơ dự thảo quy định tại khoản 1 Điều 125 của Luật) trước khi trình UBND tỉnh quyết định (đồng thời gửi báo cáo giải trình, tiếp thu kèm theo dự thảo đã được chỉnh lý đến Sở Tư pháp khi trình).

Bước 4. Trình, thông qua dự thảo và ký ban hành

Cơ quan chủ trì soạn thảo gửi hồ sơ dự thảo đến UBND tỉnh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày UBND họp để chuyển đến các thành viên UBND tỉnh.

Tại phiên họp của UBND tỉnh thì việc thông qua, ký ban hành thực hiện theo Điều 132 của Luật.

 

III. Về xây dựng, ban hành văn bản QPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn

Điều 146 Luật năm 2015 quy định các trường hợp được xây dựng, ban hành văn bản QPPL theo trình tự thủ tục rút gọn, gồm 05 trường hợp sau: (1) Trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp; (2) Trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; (3) Trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn theo quyết định của Quốc hội; (4) Trường hợp để ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định; (5) Trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành.

Quy định cụ thể, rõ ràng hơn trình tự, thủ tục xây dựng, xem xét, thông qua văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn (Điều 148, Điều 149 Luật năm 2015). Ví dụ: nếu tổ chức lấy ý kiến thì thời hạn lấy ý kiến không quá hai mươi ngày; việc thẩm định, thẩm tra phải được tiến hành trong thời hạn bảy ngày làm việc kể từ ngày nhận được dự thảo văn bản; quy trình xem xét, thông qua được thực hiện theo trình tự tương ứng với trình tự xem xét, thông qua văn bản đó.

            Trên đây là quy trình xây dựng văn bản QPPL của HĐND tỉnh, UBND tỉnh theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, hy vọng sẽ cung cấp cho những cán bộ, công chức tham gia vào quá trình soạn thảo văn bản QPPL có một cái nhìn khái quát về quy trình cũng như điểm mới của quy trình xây dựng văn bản QPPL của chính quyền địa phương cấp tỉnh./.

 

                                                          

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập35
  • Hôm nay915
  • Tháng hiện tại74,739
  • Tổng lượt truy cập6,003,579
Văn bản pháp luật 1
Tiếp cận pháp luật
Học tập và làm theo lời bác
Văn bản pháp luật
Tài liệu xúc tiến đầu tư
Công khai tài chính
Văn bản pháp luật
Công báo tây ninh
Chung tay cải cách hành chính
Thư điện tử
trung tam tro giup phap ly
Đảng bộ tỉnh Tây Ninh
Theo dõi thi hành pháp luật
Hoi dap truc tuyen
CUNG CẤP THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Bộ pháp điển
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây