Quy định về chề độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước

Thứ sáu - 08/03/2019 22:00

Đọc bằng audio

Ngày 24/01/2019 Chính phủ ban hành Nghị định 09/2019/NĐ-CP quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước. Nghị định gồm 5 Chương, 33 Điều và có hiệu lực từ 12/3/2019.

Nghị định, quy định về nguyên tắc, thẩm quyền ban hành, nội dung chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện công tác báo cáo giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau và giữa cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức, cá nhân liên quan; các yêu cầu đối với việc ban hành chế độ báo cáo; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện chế độ báo cáo và xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chế độ báo cáo.

Nguyên tắc chung về việc ban hành chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước là bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ phục vụ hiệu quả cho hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền; đồng thời, phục vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện chế độ báo cáo đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Nội dung chế độ báo cáo phù hợp với quy định tại các văn bản do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan, người có thẩm quyền thuộc hệ thống hành chính nhà nước ban hành.

Chế độ báo cáo chỉ được ban hành khi thật sự cần thiết để phục vụ mục tiêu quản lý, chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền.

Chế độ báo cáo phải phù hợp về thẩm quyền ban hành và đối tượng yêu cầu báo cáo, bảo đảm rõ ràng, thống nhất, đồng bộ, khả thi, không trùng lắp với chế độ báo cáo khác. Giảm tối đa yêu cầu về tần suất báo cáo nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực trong thực hiện chế độ báo cáo.

Các số liệu yêu cầu báo cáo phải đồng bộ, thống nhất về khái niệm, phương pháp tính và đơn vị tính để bảo đảm thuận lợi cho việc tổng hợp, chia sẻ thông tin báo cáo.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo, chuyển dần từ báo cáo bằng văn bản giấy sang báo cáo điện tử. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện chế độ báo cáo và công tác phối hợp, chia sẻ thông tin báo cáo.

Thẩm quyền ban hành chế độ báo cáo tại Điều 6 cụ thể như sau:

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chế độ báo cáo định kỳ, chuyên đề, đột xuất yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện trong phạm vi cả nước.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành chế độ báo cáo định kỳ, chuyên đề, đột xuất thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện trong phạm vi cả nước.

Cơ quan thuộc Chính phủ ban hành chế độ báo cáo chuyên đề, đột xuất yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện trong phạm vi cả nước để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thuộc Chính phủ theo quy định pháp luật. Đối với chế độ báo cáo định kỳ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng, trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (UBND cấp tỉnh) ban hành chế độ báo cáo định kỳ, chuyên đề, đột xuất yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới và tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi địa bàn quản lý của cấp tỉnh thực hiện.

UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (UBND cấp huyện) ban hành chế độ báo cáo chuyên đề, đột xuất yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới và tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi địa bàn quản lý của cấp huyện thực hiện.

UBND xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) ban hành chế độ báo cáo đột xuất yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi địa bàn quản lý của cấp xã thực hiện.

Chủ tịch UBND các cấp ban hành chế độ báo cáo đột xuất yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới và tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi địa bàn quản lý thực hiện.

Thời hạn chốt số liệu báo cáo và thời hạn gửi báo cáo được quy định tại khoản 5 Điều 8 cụ thể như sau:

Thời gian chốt số liệu báo cáo được xác định dựa trên nhu cầu thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và đặc thù của ngành, lĩnh vực quản lý. Thời gian chốt số liệu báo cáo phải thống nhất với thời gian chốt số liệu của các chế độ báo cáo khác trong cùng ngành, lĩnh vực để tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng thực hiện báo cáo.

Thời hạn gửi báo cáo được xác định căn cứ vào đối tượng thực hiện báo cáo, nội dung báo cáo và thời điểm kết thúc việc lấy số liệu báo cáo, nhưng phải bảo đảm thời gian không ít hơn 01 ngày làm việc tính từ thời điểm kết thúc việc lấy số liệu báo cáo đến thời hạn gửi báo cáo hoặc ước tính thời gian từ khi nhận được báo cáo để tổng hợp đến thời gian hoàn thành báo cáo và gửi đi.

Thời hạn gửi báo cáo định kỳ đối với trường hợp báo cáo phức tạp, có nhiều đối tượng thực hiện và phải tổng hợp qua nhiều cơ quan, nhiều cấp khác nhau thì quy định rõ thời hạn đối với từng đối tượng, từng cấp báo cáo đó.

Đối với báo cáo chuyên đề, báo cáo đột xuất, thời gian chốt số liệu và thời hạn gửi báo cáo thực hiện theo yêu cầu của cơ quan ban hành chế độ báo cáo.

PHÒNG QLXLVPHC&TDTHPL

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập45
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm23
  • Hôm nay3,486
  • Tháng hiện tại30,641
  • Tổng lượt truy cập5,001,000
Văn bản pháp luật 1
Tiếp cận pháp luật
Học tập và làm theo lời bác
Văn bản pháp luật
Tài liệu xúc tiến đầu tư
Công khai tài chính
Văn bản pháp luật
Công báo tây ninh
Chung tay cải cách hành chính
Thư điện tử
trung tam tro giup phap ly
Đảng bộ tỉnh Tây Ninh
Theo dõi thi hành pháp luật
Hoi dap truc tuyen
CUNG CẤP THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Bộ pháp điển
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây