Sau hơn 08 năm triển khai thi hành Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được thì hệ thống pháp luật lý lịch tư pháp cũng đã bộc lộ những điểm chưa thống nhất, đồng bộ. Hơn nữa, trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Chính phủ điện tử và nhu cầu của xã hội, một số quy định của Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 đã trở nên bất cập, không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đòi hỏi phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, cụ thể như sau:
- Thứ nhất: hệ thống pháp luật về lý lịch tư pháp chưa có sự thống nhất, đồng bộ:
+ Quy định về Tỏa án gửi bản án hình sự sơ thẩm và hình sự phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm giữa Luật Lý lịch tư pháp và Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP chưa thống nhất.
+ Điều 19 Luật Lý lịch tư pháp quy định việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của Bộ Quốc phòng là do cơ quan thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng. Trong khi đó Điều 18 Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP lại quy định việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của những người thuộc quân đội, ngoài cơ quan thi hành án của Bộ Quốc phòng còn có Tòa án quân sự xét xử vụ án, hoặc ra quyết định hoặc nhận được bản án, quyết định.
- Thứ hai, Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 chưa cập nhật được những nội dung mới về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về ghi nhận, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013 và những quy định mới có liên quan của Bộ luật Hình sự năm 2015. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Thi hành án hình sự năm 2010, như:
+ Trong Luật Lý lịch tư pháp quy định đối tượng quản lý lý lịch tư pháp chỉ là cá nhân nhưng bên cạnh việc quy định trách nhiệm hình sự của cá nhân, lần đầu tiên Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Do vậy, đối tượng quản lý lý lịch tư pháp không còn phù hợp.
+ Quy định của Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 chưa bảo đảm thực hiện hiệu quả chế định về đương nhiên xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
+ Một số cơ quan cung cấp thông tin lý lịch tư pháp chưa được đề cập trong Luật Lý lịch tư pháp nhưng Luật Thi hành án hình sự lại quy định nhiệm vụ cho các cơ quan này như Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh (theo quy định của Luật Thi hành án hình sự thì Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh đã ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù trong trường hợp kháng nghị theo thủ tục tái thẩm hoặc giám đốc thẩm có trách nhiệm cung cấp quyết định đó cho Sở Tư pháp).
- Thứ ba, quy định về quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 của cá nhân hiện nay đang bị lạm dụng, đã ảnh hưởng tới quyền được pháp luật bảo đảm bí mật đời tư của cá nhân theo quy định của Hiến pháp và chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự của Nhà nước ta, ảnh hưởng đến việc tái hòa nhập cộng đồng của người bị kết án, đặc biệt là những người đã được xóa án tích.
- Thứ tư, quy định của Luật Lý lịch tư pháp liên quan đến xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp còn hạn chế. Việc Luật Lý lịch tư pháp quy định xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp theo hai cấp tại Sở Tư pháp và Bộ Tư pháp đã bộc lộ những bất cập.
- Thứ năm, quy định của Luật Lý lịch tư pháp hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp, phương thức nộp hồ sơ và trả kết quả cấp Phiếu theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp còn chưa thuận tiện, bất cập trong thực tiễn, gây khó khăn cho người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp./.
PHÒNG QLXLVPHC&TDTHPL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn