Sáng 06/7/2018, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả giám định tư pháp do đồng chí Trần Tiến Dũng - Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Bộ Tư pháp.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan; chủ trì Hội nghị là đồng chí Võ Xuân Biên - Phó Giám đốc Sở Tư pháp. Ngoài ra, còn có các đồng chí là đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Công an; Y tế; Tài chính; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Xây dựng; Khoa học – Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường, Giao Thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Tây Ninh; Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh, Trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh và 01 giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính tham dự.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh
Qua tổng kết 05 năm thực hiện Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp" đã được phê duyệt tại Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ , đa số các nhiệm vụ, giải pháp đã được tổ chức thực hiện có kết quả thiết thực. Tuy nhiên, một số nhiệm vụ, giải pháp cần được tiếp tục thực hiện trong nhiều năm tiếp theo. Để tiếp tục phát huy hiệu quả của Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp" , ngày 28/02/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 250/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp". Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp xác định 7 mục tiêu cụ thể và đề ra 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Cục Bổ trợ Tư pháp đã trình bày một số nội dung cơ bản của Đề án 250 và quy chế phối hợp liên ngành về giám định tư pháp. Mục tiêu của Đề án nhằm tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động và quản lý giám định tư pháp, tạo chuyển biến căn bản, đột phá về chất lượng và hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động tố tụng, phòng, chống tội phạm, tham nhũng, đồng thời tạo động lực mới thúc đẩy xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động giám định tư pháp.
Các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung quan trọng có tính chất quyết định việc tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trong thời gian tới, cụ thể: Về các giải pháp tiếp tục hoàn thiện chế định giám định tư pháp; Các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng; giải pháp nhằm tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ giám định; giải pháp nhằm đẩy mạnh xã hội hóa giám định tư pháp, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia hoạt động giám định tư pháp; đề xuất cơ chế phối hợp giữa cơ quan trưng cầu và các cơ quan, tổ chức được trưng cầu giám định tư pháp để khắc phục những hạn chế trong thông tin nhằm bảo đảm chất lượng trưng cầu và tiến độ thực hiện giám định.
Tại điểm cầu các địa phương tham luận về những giải pháp và kiến nghị nhằm bảo đảm tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám định pháp y, pháp y tâm thần trong tình hình mới; phương hướng và giải pháp thực hiện nhiệm vụ của ngành Ngân hàng về giám định tư pháp cũng như bảo đảm hiệu quả hoạt động giám định trong lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ; các giải pháp bảo đảm thực hiện nhiệm vụ của Bộ Công an và công an các địa phương. Các tham luận cũng tập trung bàn về phương hướng, giải pháp bảo đảm tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp tại các địa phương.
Để bảo đảm thực thi các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án, các Bộ, ngành, địa phương cũng xác định rõ nhiệm vụ cần thực hiện, thời hạn hoàn thành; phân công nhiệm vụ cụ thể và bảo đảm điều kiện kinh phí, triển khai có hiệu quả Đề án 250; góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động tố tụng trong thời gian tới./.
Kim Huệ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn