Ngày 22/11/2018, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết 05 năm thi hành Luật giám định tư pháp.
Tham dự chủ trì Hội nghị có đồng chí Lê Thành Long – Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đồng chí Trần Tiến Dũng – Thứ trưởng Bộ Tư pháp, đồng chí Phạm Gia Túc – Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến; cùng đại diện 30 đồng chí là thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 250 tại các tỉnh, đại diện 30 lãnh đạo các Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện một số tổ chức giám định tư pháp, cơ quan tố tụng ở Trung ương và địa phương tham dự.
Luật giám định tư pháp năm 2012 có hiệu lực từ 01/01/2013, qua 05 triển khi thực hiện, Luật đã đi vào đời sống xã hội, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương về ý nghĩa, vai trò của công tác giám định tư pháp; tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy định về giám định tư pháp ở các lĩnh vực, tiếp tục hoàn thiện thiết chế tổ chức, cơ chế hoạt động và quản lý nhà nước về giám định tư pháp; đưa công tác này ngày càng đi vào nền nếp, có hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho hoạt động tố tụng.
Tính đến thời điểm hiện nay, Chính phủ,Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành 40 văn bản hướng dẫn thực hiện Luật giám định tư pháp; một số địa phương, Ủy ban nhân dân đã thực sự quan tâm, chủ động tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về chê độ, chính sách thu hút chuyên gia, tổ chức có năng lực tham gia hoạt động giám định tư pháp.
Hoạt động giám định tư pháp được các cơ quan tố tụng trưng cầu chủ yếu là pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự (90%). Tuy nhiên, các lĩnh vực khác cũng có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây, như giám định về: xây dựng, tài chính,ngân hàng, thông tin và truyền thông, kế hoạch và đầu tư....
Hiện nay, tổng số giám định viên tư pháp ở các lĩnh vực là 6.154 người; số người giám định tư pháp theo vụ việc được lựa chọn, công bố là 1.630 người trong các lĩnh vực xây dựng, tài chính, ngân hàng, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải... Đội ngũ giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc có sự phát triển ngày càng nhanh cả về số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được sau 5 năm thi hành, Luật đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Mặc dù đã có rất nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện Luật giám định tư pháp được ban hành nhưng vẫn còn chưa đầy đủ, chất lượng một số văn bản hướng dẫn thực hiện cũng còn hạn chế như chưa rõ ràng, cụ thể nên khó thực hiện.
Theo quy định tại Điều 12 của Luật giám định tư pháp thì tổ chức pháp y có ở cả ngành y tế, công an và quân đội, nhất là ở địa phương, vừa có Trung tâm pháp y - tổ chức giám định tư pháp công lập và cũng có giám định viên pháp y làm giám định pháp y tử thi ở Phòng Kỹ thuật hình sự. Điều này dẫn đến có sự trùng lắp, chồng chéo nhất định về chức năng, nhiệm vụ giữa hai lực lượng này, nhất là trong mấy năm gần đây, ngành công an đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường mạnh mẽ đội ngũ giám định viên pháp y ở công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhưng ở nhiều địa phương không có sự phối hợp tốt, mất cân đối trong việc tiếp nhận trưng cầu, thực hiện giám định pháp y giữa hai lực lượng pháp y y tế và pháp y Công an.
Một số lĩnh vực có nhu cầu giám định ngày càng cao như tài chính, ngân hàng... nhưng không có tổ chức giám định đầu mối chuyên trách dẫn đến việc trưng cầu gặp khó khăn; việc thực hiện Điều 14 của Luật giám định tư pháp quy định cho phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp ở lĩnh vực tài chính, xây dựng, ngân hàng và 3 chuyên ngành của lĩnh vực văn hóa là cổ vật, di vật, bản quyền tác giả chưa có hiệu quả. Vì đến nay cả nước chỉ mới có 01 Văn phòng giám định tư pháp Sài Gòn được thành lập ở lĩnh vực tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đa số đội ngũ người làm giám định tư pháp tại một số lĩnh vực chưa được các Bộ, ngành chuyên môn đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu, chủ yếu dựa vào kiến thức chuyên môn thuần túy để thực hiện giám định, nên còn lúng lúng, khó khăn nhất định khi thực hiện giám định. Các giám định viên kiêm nhiệm thì chủ yếu tập trung vào công tác chuyên môn, không đủ thời gian và điều kiện tập trung vào công tác giám định khi được cử làm giám định, có tâm lý e ngại, không muốn làm giám định vì trách nhiệm pháp lý rất cao, trong khi các điều kiện để thực hiện giám định chưa bảo đảm. Một số lĩnh vực như: xây dựng, sở hữu trí tuệ, tài chính, ma túy tổng hợp, vật liệu nổ... địa phương không giám định, nên cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu tổ chức giám định ở cấp Trung ương, gây quá tải cho tổ chức đó và làm kéo dài thời gian làm giám định, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án.
Để khắc phục những bất cập của Luật Giám định tư pháp hiện hành, cần phải sửa luật theo hướng bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về thời hạn giám định, quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành chuyên quản lĩnh vực giám định trong việc ấn định thời hạn giám định cụ thể đối với từng loại việc giám định trong quy trình giám định để bảo đảm tính đồng bộ, tương thích với quy định của pháp luật tố tụng, đặc biệt là khắc phục tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận, thực hiện giám định trong thời gian qua, gây ảnh hưởng đến tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế.
Đồng thời, bổ sung một số quy định về căn cứ, cách thức trưng cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như trách nhiệm của các cơ quan trưng cầu giám định để khắc phục tình trạng lạm dụng giám định tư pháp để gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố và xét xử.
Bên cạnh đó, nghiên cứu mở rộng phạm vi xã hội hóa giám định tư pháp theo hướng cho phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp ở một số lĩnh vực, chuyên ngành giám định thực sự có nhu cầu lớn, thường xuyên như giám định dấu vết tài liệu... để đáp ứng nhu cầu bức thiết của các đương sự trong các vụ án dân sự, hành chính và một số cơ quan nhà nước như thanh tra, kiểm toán, ngân hàng... nhằm phát huy mạnh mẽ các nguồn lực xã hội cho giám định tư pháp, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu giám định tư pháp của hoạt động tố tụng trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách tư pháp, giảm gánh nặng cho đầu tư của nhà nước.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long đã ghi nhận những kết quả công tác giám định tư pháp đã đạt được trong 5 năm thực hiện Luật. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn trong công tác giám định, trong đó có những bất cập trong các quy định của Luật hiện hành. Do đó, hội nghị tổng kết sẽ là nguyên liệu "đầu vào" để sửa Luật giám định trong thời gian tới./.
P. BTTP
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn