Sáng 18/6, với 449/457 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,96% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật năm 2020). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Theo đó có một nội dung mới đáng chú ý là đã bổ sung quy định chính quyền địa phương cấp huyện cũng được ban hành VBQPPL để quyết định những vấn đề được phân quyền.
Kết quả biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Để phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung Điều 30 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ( Luật năm 2015) như sau:
Thứ nhất, mở rộng phạm vi loại văn bản có thể giao cho cấp huyện, cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), theo đó ngoài trường hợp được ban hành văn bản QPPL để quy định những vấn đề được luật giao như quy định của Luật năm 2015, Luật năm 2020 đã bổ sung quy định Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành văn bản QPPL để quy định những vấn đề được "nghị quyết của Quốc hội giao".
Thứ hai, mở rộng nội dung ban hành văn bản QPPL của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện để phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 13 về phân cấp của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (việc thực hiện phân cấp phải được thể hiện bằng văn bản QPPL). Luật năm 2020 đã bổ sung quy định cho phép Hội đồng nhân dân cấp huyện ban hành nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định quy phạm pháp luật để thực hiện việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
Phương Loan
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn