Quy định về người làm chứng trong hoạt động công chứng

Thứ hai - 10/10/2022 08:39

Đọc bằng audio

Theo khoản 1, Điều 2 Luật Công chứng năm 2014: “Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng”.

Về bản chất pháp lý, công chứng viên là một người làm chứng. Tuy nhiên, để đảm bảo “tính xác thực, hợp pháp” của hợp đồng, giao dịch mà mình công chứng, công chứng viên vẫn phải cần tới sự trợ giúp của người làm chứng trong một số trường hợp nhất định. Qua từng thời kỳ, người làm chứng trong hoạt động công chứng có những quy định khác nhau.

          Theo Nghị định số 45/HĐBT ngày 27/02/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức và hoạt động công chứng nhà nước, cơ chế sử dụng nhân chứng chỉ xuất hiện khi công chứng viên chứng nhận một loại văn bản duy nhất là kháng nghị hàng hải. Sau đó, khi Nghị định số 31/CP ngày 18/5/1996 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động công chứng Nhà nước ra đời thay thế cho Nghị định số 45/HĐBT ngày 27/02/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức và hoạt động công chứng nhà nước, cơ chế sử dụng nhân chứng chỉ sử dụng khi tiến hành công chứng di chúc. Đến khi Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực ra đời, cách thức quy định về người làm chứng đã có một thay đổi mang tính bước ngoặt. Thay vì quy định một cách chi tiết, cụ thể loại văn bản, giao dịch nào cần phải có người làm chứng, các nhà lập quy đã xác định từng trường hợp cần phải có người làm chứng, cách thức chỉ định người làm chứng, tiêu chuẩn của người làm chứng cũng như một số vấn đề khác có liên quan. Cách thức quy định nêu trên tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện tại Luật Công chứng năm 2006.

          Ở thời điểm hiện tại, quy định của pháp luật công chứng hiện hành liên quan đến người làm chứng cũng có một vài sự thay đổi nhất định. Theo khoản 2, Điều 47 Luật Công chứng năm 2014: “Trường hợp người yêu cầu công chứng không đọc được, không nghe được, không ký, điểm chỉ được hoặc trong những trường hợp khác do pháp luật quy định thì việc công chứng phải có người làm chứng. Người làm chứng phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến việc công chứng. Người làm chứng do người yêu cầu công chứng mời, nếu người yêu cầu công chứng không mời được thì công chứng viên chỉ định”.

          Bên cạnh đó, Luật cũng có quy định: Người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên.        Trong trường hợp người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác đã đăng ký chữ ký mẫu tại tổ chức hành nghề công chứng thì người đó có thể ký trước vào hợp đồng; công chứng viên phải đối chiếu chữ ký của họ trong hợp đồng với chữ ký mẫu trước khi thực hiện việc công chứng. Việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký. Khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch sử dụng ngón trỏ phải; nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái; trường hợp không thể điểm chỉ bằng hai ngón trỏ đó thì điểm chỉ bằng ngón trỏ khác và phải ghi rõ việc điểm chỉ đó bằng ngón nào, của bàn tay nào.

          Việc điểm chỉ cũng có thể thực hiện đồng thời với việc ký trong các trường hợp sau đây: Công chứng di chúc; Theo đề nghị của người yêu cầu công chứng; Công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng.

          Từ những cơ sở trên, có thể đưa ra một số nhận xét về người làm chứng trong hoạt động công chứng như sau:

          + Vai trò của người làm chứng trong hoạt động công chứng luôn được pháp luật ghi nhận;

          + Người làm chứng có thể xuất hiện trong hai trường hợp: Thứ nhất, căn cứ theo loại hình giao dịch được xác lập mà theo quy định của pháp luật phải có người làm chứng. Thứ hai, dựa trên tình trạng thể chất của cá nhân người yêu cầu công chứng, cho dù cá nhân này giao kết bất kỳ loại giao dịch nào;

          + Người làm chứng trong hoạt động công chứng đóng vai trò là người làm chứng một cách chủ động, khác biệt hoàn toàn với vai trò của người làm chứng trong pháp luật tố tụng.

          + Vai trò của người làm chứng trong hoạt động công chứng chỉ dừng lại ở mức độ trợ giúp cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ nội dung văn bản công chứng, quyền và nghĩa vụ của bản thân hay khi người yêu cầu công chứng gặp trở ngại trong việc biểu đạt ý chí.

                                                          Phòng Công chứng số 3 tỉnh Tây Ninh

Tác giả: Quản trị, CC3

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm19
  • Hôm nay3,288
  • Tháng hiện tại81,152
  • Tổng lượt truy cập5,784,559
Văn bản pháp luật 1
Tiếp cận pháp luật
Học tập và làm theo lời bác
Văn bản pháp luật
Tài liệu xúc tiến đầu tư
Công khai tài chính
Văn bản pháp luật
Công báo tây ninh
Chung tay cải cách hành chính
Thư điện tử
trung tam tro giup phap ly
Đảng bộ tỉnh Tây Ninh
Theo dõi thi hành pháp luật
Hoi dap truc tuyen
CUNG CẤP THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Bộ pháp điển
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây