Kế hoạch phát động phong trào thi đua, khen thưởng năm 2022

Thứ năm - 17/02/2022 15:52

Đọc bằng audio

Kế hoạch phát động phong trào thi đua, khen thưởng năm 2022
Kế hoạch phát động phong trào thi đua, khen thưởng năm 2022

KẾ HOẠCH

Phát động phong trào thi đua, khen thưởng năm 2022

 

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Dịch Covid-19 có thể còn diễn biến phức tạp, kéo dài; nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế; rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn. Dự áo sẽ tiếp tục pháp sinh nhiều vấn đề pháp lý phức tạp trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong bối cảnh chung đó, bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Tây Ninh lần thứ XI, các định hướng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng tổ chức thi hành pháp luật, cải cách tư pháp; thể hiện trong các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tổng kết và thực hiện các nghị quyết, chỉ thị liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp; các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2022, ngành Tư pháp tỉnh Tây Ninh phát động thi đua trong toàn Ngành chủ đề “Đoàn kết, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, vượt khó, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao” với các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thực hiện công tác thi đua, khen thưởng năm 2022. Nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Khơi dậy, phát huy mạnh mẽ sự năng động, sức sáng tạo, ý chí hành động, nỗ lực bứt phá, vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao năm 2022 của ngành Tư pháp.

- Tạo môi trường lành mạnh, tích cực để đội ngũ công chức, viên chức, người lao động tiếp tục rèn luyện, nâng cao tinh thần chủ động, ý thức trách nhiệm, tính kỷ cương, kỷ luật; tăng cường sự đoàn kết, hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong cơ quan, đơn vị, các khối thi đua và trong toàn Ngành, tạo sức mạnh tổng hợp trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.

- Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua; tích cực phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực công tác một cách thực chất, tạo điều kiện để các điển hình tiên tiến được nêu gương, lan tỏa trong cơ quan, đơn vị và trong ngành Tư pháp.

2. Yêu cầu

- Phong trào thi đua phải được thực hiện đồng bộ, thường xuyên, liên tục, đa dạng, phù hợp, có hiệu quả gắn với lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn và phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tiễn của từng phòng, đơn vị, địa phương, tạo động lực và sức mạnh tổng hợp trong tổ chức thực hiện;

- Phong trào thi đua phải có trọng tâm, trọng điểm; nội dung thiết thực, với các tiêu chí cụ thể, rõ ràng; kết hợp chặt chẽ giữa thực hiện phong trào thi đua thường xuyên với các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề;

- Khen thưởng phải trên cơ sở kết quả, thành tích thi đua; bảo đảm khen thưởng khách quan, chính xác, công khai, công bằng, kịp thời; quan tâm khen thưởng hợp lý đối với công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, người trực tiếp lao động.

II. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Phương hướng

1.1. Tiếp tục thể chế hóa, tổ chức quán triệt, thực hiện kịp thời, đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như các quy định về công tác thi đua, khen thưởng đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành Tư pháp tỉnh Tây Ninh.

1.2. Triển khai toàn diện, đồng bộ, đổi mới, hiệu quả các phong trào thi đua, khen thưởng, chính sách khen thưởng phù hợp với chủ trương, phương hướng, nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng do Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh phát động, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao của các phòng, đơn vị thuộc và trực thuộc Sở, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố, tạo không khí thi đua sôi nổi, động lực túc đẩy, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2022.

2. Nhiệm vụ trọng tâm

Năm 2022, toàn ngành Tư pháp tỉnh Tây Ninh tích cực thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, trong đó chú trọng các nhiệm vụ trọng tâm sau:

2.1. Tổ chức thực hiện quả các phong trào thi đua

Tập trung đẩy mạnh, tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, UBND tỉnh và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh phát động. Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, ý thức trách nhiệm, tính kỷ cương, kỷ luật; sự năng động, sáng tạo, bứt phá, vượt qua khó khăn, thách thức. Các phòng, đơn vị, Phòng Tư pháp bám sát các nhiệm vụ chính trị được giao, đề ra các chỉ tiêu cụ thể, giải pháp phù hợp để phát động, tổ chức thực hiện thực chất, có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể được xác định trong phong trào thi đua thường xuyên trong toàn Ngành, phong trào thi đua theo chuyên đề được phát động, gắn kết với tổ chức thực hiện sâu rộng, toàn diện, hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, UBND tỉnh và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh phát động, các phong trào thi đua “Toàn ngành Tư pháp đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao” giai đoạn 2021- 2025, “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Tư pháp thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025; “Cán bộ Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua chuyên đề khác để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới:

2.1.1. Tiếp tục tập trung quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng khóa XIII, các Kết luận mới của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp. Tham gia nghiên cứu, góp ý và tập trung triển khai hiệu quả nhiệm vụ công tác tư pháp trong Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp; trong đó chú trọng góp ý các dự thảo luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội. Tập trung tham mưu xây dựng thể chế và giải quyết các vấn đề pháp lý tại địa phương, đảm bảo thực hiện Chiến lược phòng chống dịch bệnh Covid-19 và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”.

Phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh năm 2022. Tiếp tục triển khai thi hành hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nâng cao chất lượng dự thảo, thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trên địa bàn tỉnh.

2.1.2. Tổ chức thi hành hiệu quả các VBQPPL, nhất là các luật, pháp lệnh, nghị quyết mới được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua và các Nghị định quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC). Tăng cường công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Chú trọng thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các công tác này, nhất là việc theo dõi, đôn đốc việc xử lý văn bản trái pháp luật, xử lý kết quả rà soát văn bản của các sở, ngành, địa phương. Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật theo định hướng chuyển đổi số trong công tác này; đẩy mạnh truyền thông chính sách pháp luật từ khâu xây dựng dự thảo để tạo sự đồng thuận xã hội.

2.1.3. Triển khai thực hiện Quyết định ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh; kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh; tăng cường phân công, phân cấp, phân quyền trong các cơ quan, đơn vị trong ngành Tư pháp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và cá thể hóa trách nhiệm; nâng cao tinh thần trách nhiệm, vai trò gương mẫu của người đứng đầu. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2069/QĐ-TTg ngày 08/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành Tư pháp và Quyết định số 2070/QĐ-TTg ngày 08/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của ngành Tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

2.1.4. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp; chủ động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, nhất là trong hoạt động luật sư, công chứng, đấu giá tài sản; quan tâm phát triển hiệu quả, chất lượng hoạt động hòa giải thương mại; nâng cao trách nhiệm, vai trò tự quản của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực luật sư, công chứng.

2.1.5. Tập trung giải quyết các vấn đề hộ tịch, quốc tịch cụ thể phát sinh trong thực tiễn.

Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý (TGPL), nhất là công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng.

2.1.6. Đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành của Sở Tư pháp và trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Tư pháp. Tập trung nguồn lực xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử trên địa bàn tỉnh và Cơ sở dữ liệu quốc gia về XLVPHC.

2.2. Tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh; 25 năm ngày thành lập Tổ chức Trợ giúp pháp lý.

Ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Sở, 25 năm ngày thành lập Tổ chức Trợ giúp pháp lý đảm bảo ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả, tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy việc hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành.

Toàn ngành Tư pháp tỉnh Tây Ninh tổ chức các hoạt động thiết thực để chào mừng, tuyên truyền, giáo dục truyền thống, động viên toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong ngành thi đua lập thành tích hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Sở Tư pháp Tây Ninh (28/12/1982-28/12/2022). Thông qua các hoạt động kỷ niệm, khẳng định những đóng góp của ngành Tư pháp tỉnh Tây Ninh trong 40 năm hình thành và phát triển. Từ đó nâng cao nhận thức, niềm tin, khơi dậy lòng tự hào, đồng thời cổ vũ, động viên CC, VC, NLĐ trong toàn ngành hăng say lao động, ra sức thi đua, quyết tâm phấn đấu hoàn thành đầy đủ, vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2022.

2.3. Xây dựng, hoàn thiện văn bản về thi đua, khen thưởng

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện Quy chế về công tác thi đua, khen thưởng của Sở, các văn bản chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn thực hiện có liên quan, đảm đảo phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặc thù, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện, đặc biệt là sau khi Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua. Tổ chức thực hiện hiệu quả Bảng tiêu chí chấm điểm thi đua, xếp hạng đối với Sở Tư pháp. Xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Bảng tiêu chí đánh giá, xếp hạng đối với: các phòng thuộc Sở, các đơn vị trực thuộc Sở; Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

 2.4. Thực hiện chính sách khen thưởng

Tiếp tục thực hiện tốt chính sách khen thưởng, đảm ảo chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch; khen thưởng phải thực sự có tác dụng giáo dục, nêu gương; tăng cường chất lượng hoạt động chấm điểm thi đua, đánh giá các phòng, đơn vị, Phòng Tư pháp, từ đó giúp các Khối thi đua thuộc Sở bình xét, đề nghị khen thưởng thiết thực, hiệu quả. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc, đột xuất; tạo sự chuyển biến rõ nét trong khen thưởng đối với công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, người lao động trực tiếp.

2.5. Tuyên truyền, xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến

Ban hành, tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát triển, bồi dưỡng, xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp và UBND tỉnh. Các phòng, đơn vị, Phòng Tư pháp chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền những thành quả đạt được của phong trào thi đua, các nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực hoạt động, tạo không khí thi đua sôi nổi với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, tư tưởng và tăng cường sự lãnh đạo của đảng, cơ quan, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, làm cho thi đua trở thành ý thức tự giác, trách nhiệm, việc làm thường xuyên của toàn ngành Tư pháp tỉnh Tây Ninh nói chung và của mỗi các phòng, đơn vị, Phòng Tư pháp, cá nhân nói riêng, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Chủ động triển khai, thực hiện các quy định về công tác thi đua, khen thưởng.

2. Tổ chức thực hiện các phong trào thi đua hiệu quả, thiết thực, bám sát nội dung định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, chủ đề thi đua được phát động tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X; Báo cáo số 15/BC-BTP ngày 26/01/2022 của Bộ Tư pháp về việc tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2022; Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 29/12/2021 của UBND tỉnh về việc phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển  kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2022, gắn thi đua với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của phòng, đơn vị, Phòng Tư pháp. Tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Toàn ngành Tư pháp đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao” giai đoạn 2021-2025 đã được phát động tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ V, các phong trào thi đua: “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cán bộ Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Tư pháp thi đua thực hiện văn hóa công sở”, “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”... Bên cạnh đó, căn cứ nhiệm vụ trong từng giai đoạn, thời điểm cụ thể để phát động, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua theo đợt, chuyên đề cổ vũ, động viên công chức, viên chức, người lao động thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ.

3. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tổ chức phong trào thi đua, với hình thức phong phú, đa dạng, thực chất, chống mọi biểu hiện hình thức và chạy theo thành tích trong tổ chức phong trào thi đua; tiếp tục đổi mới phương thức đánh giá kết quả phong trào thi đua; đẩy mạnh thi đua toàn diện trên các lĩnh vực công tác, thúc đẩy hoàn thành xuất sắc, về đích sớm các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của các phòng, đơn vị, Phòng Tư pháp được giao trong năm 2022. Thông qua các phong trào thi đua, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để khen thưởng hoặc đề nghị khen thưởng theo quy định.

4. Chú trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, gắn với công tác truyền thông nhằm lan tỏa, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn. Qua đó, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao hình ảnh, vị thế của Sở, ngành Tư pháp trong nhân dân, xã hội. Thực hiện tốt cả 04 khâu: Phát hiện - Bồi dưỡng - Tổng kết - Nhân rộng điển hình tiên tiến.

5. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng, tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất; bảo đảm khen thưởng chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác khen thưởng, nhất là trong việc phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương, khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng cho các nhân tố, điển hình mới. Chú trọng khen thưởng thông qua phát hiện các nhân tố, điển hình mới; khen thưởng công chức, viên chức, người lao động trực tiếp; khen thưởng đột xuất, khen thưởng theo chuyên đề, kịp thời động viên, nêu gương các tập thể, cá nhân tiêu biểu.

6. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả các phong trào thi đua trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của phòng, đơn vị, Phòng Tư pháp; kịp thời phát hiện, có biện pháp cụ thể để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện các phong trào thi đua và công tác khen thưởng.

7. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng và công chức phụ trác công tác thi đua, khen thưởng để tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở trong việc kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, triển khai thực hiện các phong trào thi đua và các chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng. Tăng cường hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến chuyển đổi số trong quản lý về công tác thi đua, khen thưởng.

8. Nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các Khối thi đua do Sở Tư pháp theo dõi, hướng dẫn.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các đợt thi đua

Phong trào thi đua năm 2022 được tổ chức thực hiện thường xuyên ngay từ đầu năm, trong đó cao điểm là hai đợt:

1.1. Đợt thi đua thứ nhất: Thời gian từ đầu năm đến 30/6/2022. Tổ chức sơ kết cùng với sơ kết công tác tư pháp 06 tháng đầu năm 2022.

1.2. Đợt thi đua thứ hai: Thời gian từ 01/7/2022 đến kết thúc năm 2022, trong đó chú trọng thực hiện các hoạt động chào mừng kỷ niệm 40 năm thành lập Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh (28/12/1982-28/12/2022). Tổ chức tổng kết cùng với tổng kết công tác tư pháp năm 2022.

2. Trách nhiệm thực hiện

2.1. Trên cơ sở nội dung của Kế hoạch này, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Sở Tư pháp có trách nhiệm tham mưu cho Lãnh đạo Sở trong việc tổ chức, chỉ đạo, thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các Phòng, đơn vị thuộc và trực thuộc Sở, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch.

2.2. Các thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của Sở, Thủ trưởng các phòng, đơn vị thuộc, trực thuộc Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm:

2.2.1. Căn cứ Kế hoạch này và nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao trong chương trình, Quyết định ban hành kế hoạch công tác tư pháp năm 2022 của Sở Tư pháp, tổ chức thực hiện (riêng Phòng Tư pháp huyện, thị xã, thành phố xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện) phong trào thi đua đối với những tập thể, cá nhân thuộc phạm vi quản lý và gửi kèm kết quả đăng ký danh hiệu thi đua về Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Sở Tư pháp (Văn phòng Sở) chậm nhất là ngày 25/02/2022.

2.2.2. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo và thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết theo quy định.

- Kết thúc đợt thi đua thứ nhất, tiến hành sơ kết phong trào thi đua gửi báo cáo về cơ quan Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Sở Tư pháp chậm nhất là ngày 10/6/2022.

- Kết thúc đợt thứ hai, tiến hành tổng kết phong trào thi đua, bình xét khen thưởng vào dịp tổng kết năm 2021 theo quy định; báo cáo tổng kết và hồ sơ đề nghị khen thưởng gửi về Hội đồng Thi đua, khen thưởng của Sở chậm nhất là ngày 10/11/2022.

2.2.3. Khen thưởng và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng theo thẩm quyền đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua theo quy định.

2.3. Văn phòng Sở có trách nhiệm tham mưu kinh phí thực hiện các nhiệm vụ được xác định trong Kế hoạch. Nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch được bố trí từ ngân sách nhà nước chi cho công tác thi đua, khen thưởng của Sở. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở tình hình thi đua, thực hiện nhiệm vụ của các phòng, đơn vị, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố, đồng thời định kỳ báo cáo tiến độ theo dõi về Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Sở và Ban Giám đốc Sở theo quy định.

2.4. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Sở chủ trì, tổ chức thực hiện Kế hoạch này; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch; rà soát, phát hiện và đề xuất khen thưởng, biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Văn phòng Sở - Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Sở Tư pháp để được hướng dẫn hoặc báo cáo Lãnh đạo Sở Tư pháp chỉ đạo, giải quyết./.

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm11
  • Hôm nay2,077
  • Tháng hiện tại111,764
  • Tổng lượt truy cập4,455,072
Văn bản pháp luật 1
Tiếp cận pháp luật
Học tập và làm theo lời bác
Văn bản pháp luật
Tài liệu xúc tiến đầu tư
Công khai tài chính
Văn bản pháp luật
Công báo tây ninh
Chung tay cải cách hành chính
Thư điện tử
trung tam tro giup phap ly
Đảng bộ tỉnh Tây Ninh
Theo dõi thi hành pháp luật
Hoi dap truc tuyen
CUNG CẤP THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây