Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ xảy ra rất phức tạp, ở nhiều địa phương, trong hoạt động công vụ của nhiều ngành, nhất là trong hoạt động chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, thi hành án, thanh tra, kiểm lâm, quản lý thị trường, y tế, báo chí... Hành vi chống người thi hành công vụ diễn biến theo hướng manh động, coi thường pháp luật; số đối tượng xấu, phản động, cơ hội chính trị tìm cách lợi dụng kích động chống phá chính quyền và các cơ quan thực thi pháp luật, xâm hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, tài sản của cơ quan, tổ chức và cá nhân, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, xây dựng xã hội kỷ cương, kỷ luật, tạo môi trường ổn định, an ninh, an toàn, trật tự và lành mạnh phục vụ xây dựng, phát triển đất nước, ngày 24/10/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 39/CT-TTg về tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Kết hợp nhiều biện pháp để tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho nhân dân về chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật và chế tài xử lý đối với hành vi chống người thi hành công vụ; quyền, nghĩa vụ của công dân và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng thực thi công vụ, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân trong việc tuân thủ, giám sát, ủng hộ, giúp đỡ các lực lượng thi hành công vụ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, tạo dư luận xã hội lên án và đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi chống người thi hành công vụ; bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm minh; đồng thời, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân và lực lượng thi hành công vụ.
Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ; thường xuyên phổ biến, quán triệt về tình hình, yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm, vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ nói riêng, nhằm nâng cao nhận thức cho người thực thi công vụ. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các nội quy, quy chế, quy trình, kế hoạch công tác, quy định rõ phạm vi trách nhiệm, cơ chế phối hợp, điều kiện đảm bảo trong thực thi nhiệm vụ, nhất là về những cơ chế chính sách pháp luật còn bất cập, những sơ hở yếu kém trong công tác quản lý nhà nước chưa được người dân đồng tình.
- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Bộ Chính trị và Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 28 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới, Nghị định số 208/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Nâng cao nhận thức về pháp luật, quyền hạn, phẩm chất đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, lễ tiết, tác phong và văn hóa công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người thi hành công vụ. Xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của cơ quan, đơn vị.
- Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các nội quy, quy chế, quy trình, phương án, kế hoạch công tác đối với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng cụ thể. Trong đó, phải chú ý xác định rõ trách nhiệm thực thi công vụ, cơ chế kiểm tra, giám sát, chỉ huy, chỉ đạo, phối hợp và điều kiện đảm bảo thi hành công vụ, đồng thời dự kiến đầy đủ các tình huống có thể xảy ra để chủ động đề ra các biện pháp giải quyết hiệu quả, Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, người thi hành công vụ phải tránh tư tưởng chủ quan, lơ là, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động, sẵn sàng giải quyết mọi tình huống xảy ra. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật, phương pháp vận động, thuyết phục, đối thoại với quần chúng; ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện nghiệp vụ, phòng vệ, xử lý tình huống...cho các lực lượng trực tiếp thi hành công vụ.
- Tăng cường công tác nắm tình hình trong nhân dân để kịp thời phát hiện, giải quyết triệt để những vụ việc khiếu kiện đông người, kéo dài, những nguyên nhân, điều kiện có thể phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ, như thực hiện các chính sách xã hội có liên quan đến người dân không công bằng, thiếu công khai, minh bạch. Tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình thực thi công vụ, để kịp thời phát hiện và có biện pháp giải quyết, khắc phục ngay những sơ hở, bất cập, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn triệt để các hành vi chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực, địa bàn thuộc quyền quản lý. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà, sách nhiễu người dân, các vi phạm về tác phong, thái độ ứng xử trong khi thi hành công vụ, xem xét xử lý trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; kịp thời phát hiện, động viên, khen thưởng những điển hình tốt về tinh thần, thái độ phục vụ của người thi hành công vụ. Thực hiện nghiêm túc việc thông báo về địa phương nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người có hành vi chống người thi hành công vụ học tập, làm việc để có biện pháp phòng ngừa, quản lý, giáo dục.
- Quan tâm bảo đảm chế độ, chính sách phù hợp cho các lực lượng thực thi công vụ, nhất là các trường hợp bị thương hoặc hy sinh khi thi hành công vụ. Chủ động bố trí, trang bị hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền trang bị các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật cho các lực lượng thuộc quyền quản lý để đảm bảo thi hành công vụ theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Bố trí nguồn kinh phí trong dự toán ngân sách hàng năm để bảo đảm cho công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật. Tiếp tục đầu tư nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ.
Đồng thời, Thủ tướng cũng giao Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, rà soát, làm rõ những bất cập, hạn chế về pháp luật liên quan hoạt động thi hành công vụ và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ, để sớm đề xuất cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, góp phần bảo đảm quyền, nghĩa vụ công dân, bảo vệ người thi hành công vụ, nêu cao kỷ cương, kỷ luật và tính nghiêm minh của pháp luật. Cần có hướng dẫn cụ thể cho phép người thi hành công vụ trong trường hợp nào thì được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để trấn áp, khống chế, vô hiệu hóa người có hành vi chống lại người thi hành công vụ hoặc trong trường hợp phòng vệ chính đáng,
Bộ Công an triển khai các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, kịp thời phối hợp giải quyết các yêu cầu, kiến nghị liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, công dân theo đúng quy định của pháp luật; tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết, ổn định các vụ việc phức tạp trong nội bộ nhân dân ngay từ đầu, từ cơ sở, không để trở thành “điểm nóng”, gây bức xúc trong xã hội, kéo dài. Tập trung chỉ đạo lực lượng, biện pháp khẩn trương điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh, kịp thời, triệt để theo quy định của pháp luật các vụ án chống người thi hành công vụ đã xảy ra, không để kéo dài, đảm bảo tất cả các hành vi chống người thi hành công vụ đều được điều tra, xử lý; đồng thời, thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm nghiêm túc công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc chống người thi hành công vụ.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, chấp hành và thực thi pháp luật trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự nói chung và công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ nói riêng; kịp thời thông tin, tuyên truyền, đảm bảo khách quan, trung thực, phản ánh đúng bản chất sự việc, không để các thế lực thù địch, đối tượng xấu lợi dụng kích động, gây phức tạp về an ninh, trật tự,
Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; xét xử lưu động một số vụ án điểm về chống người thi hành công vụ, nhất là các vụ án có đối tượng coi thường pháp luật, làm người thi hành công vụ hy sinh hoặc gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, nhằm răn đe, giáo dục phòng ngừa chung; bảo đảm nghiêm minh, không để lọt tội phạm.
Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tích cực phối hợp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân; phối hợp giám sát hoạt động của người thi hành công vụ, bảo đảm thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ.
KH