Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, phù hợp với đặc thù của mỗi giới; tạo cơ hội phát triển như nhau cho nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình; bảo đảm bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ, ngày 13/8/2014, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 17/2014/TT-BTP Quy định về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Trên cơ sở đó, kể từ ngày 01/10/2014, việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới được thực hiện trong toàn bộ quy trình xây dựng văn bản QPPL để bảo đảm không làm phát sinh bất bình đẳng giới, bảo đảm quyền của mỗi giới trong nội dung, trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản theo quy định. Cụ thể:
Trong đề nghị xây dựng văn bản QPPL: Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới được thực hiện cả trong giai đoạn đề xuất xây dựng văn bản QPPL và lập đề nghị về Chương trình xây dựng văn bản QPPL. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đề xuất xây dựng văn bản có trách nhiệm xác định, phân tích vấn đề bình đẳng giới, bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới; dự báo khái quát nội dung liên quan đến các vấn đề về giới của chính sách dự kiến quy định trong văn bản được đề nghị xây dựng, đồng thời dự báo tác động sơ bộ chính sách dự kiến quy định đối với mỗi giới, dự kiến các chính sách cơ bản để đảm bảo bình đẳng giới và thể hiện các nội dung này trong bản Thuyết minh về đề nghị xây dựng văn bản và Báo cáo đánh giá tác động gửi cơ quan lập đề nghị Chương trình xây dựng văn bản. Cơ quan lập đề nghị Chương trình xây dựng văn bản có trách nhiệm xác định nội dung liên quan đến vấn đề bình đẳng giới hoặc bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới trong các văn bản được đề xuất, kiểm tra hồ sơ và đánh giá nội dung lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các văn bản được đề xuất.
Trong soạn thảo văn bản QPPL: Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới phải được thể hiện ngay trong việc bảo đảm sự tham gia bình đẳng của nam và nữ trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Tổ soạn thảo các dự thảo văn bản được xác định có vấn đề về bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới. Bên cạnh đó, đối với các dự thảo văn bản được xác định có vấn đề về bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới thì cơ quan chủ trì soạn thảo phải thực hiện đánh giá báo cáo tác động của chính sách về giới và thể hiện nó trong Tờ trình hoặc bản Thuyết minh chi tiết của dự thảo văn bản.
Trong thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản QPPL: Cơ quan có chức năng thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản QPPL (áp dụng đối với thẩm tra dự thảo Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh và cấp huyện) trong quá trình thẩm định, thẩm tra phải xem xét, đánh giá việc xác định vấn đề về giới, việc đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới trong dự thảo văn bản, tính khả thi của văn bản về vấn đề đảm bảo bình đẳng giới và việc tuân thủ quy trình, thủ tục lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng dự thảo văn bản của cơ quan chủ trì soạn thảo. Riêng đối với quá trình thẩm định dự thảo văn bản, cơ quan tư pháp, tổ chức pháp chế phối hợp với cơ quan lao động, thương binh và xã hội đánh giá việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản và đề nghị cơ quan lao động, thương binh và xã hội cho ý kiến bằng văn bản về việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo văn bản.
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban nhân dân các cấp hướng dẫn và tổ chức thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản QPPL theo quy định của Thông tư số 17/2014/TT-BTP./.
Phòng Xây dựng văn bản-STP
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn