Nhằm “Cải thiện Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật thuộc Bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo (GII)” trong năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành và đạt được một số kết quả nổi bật như sau:
Một là, về việc xây dựng, ban hành các biện pháp có tính chất đặc thù. Trong năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các nội dung sau: Quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Quy định mức tiền thưởng đối với huấn luyện viên, vận động viên tỉnh Tây Ninh đạt thành tích tại các giải thi đấu thể thao cấp khu vực, miền, cụm và cấp huyện, xã. Ngoài ra, còn 02 biện pháp có tính chất đặc thù được trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua gồm chính sách hỗ trợ hộ nghèo; hộ cận nghèo và hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022 – 2025; chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ công chức, viên chức, nhân viên ngành Y tế tỉnh Tây Ninh.
Ảnh: Sưu Tầm
Hai là, về xây dựng và lập danh mục, phân công soạn thảo văn bản quy định chi tiết. Trên cơ sở các nội dung giao quy định chi tiết, Ủy ban nhân dân tỉnh đã trình Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 28/QĐ-HĐND ngày 14/11/2022 ban hành Danh mục Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chi tiết các Luật của Quốc hội. Đồng thời Ủy ban nhân dan tỉnh cũng ban hành Quyết định số 2233/QĐ-UBND ngày 03/11/2022 ban hành Danh mục Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định chi tiết các luật của Quốc hội.
Ba là, về xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết. Năm 2022, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành được 63 văn bản QPPL. Trong đó có 20 nghị quyết và 43 quyết định. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện đã ban hành được 47 văn bản QPPL. Trong đó có 06 nghị quyết và 41 quyết định.
Bốn là, về rà soát văn bản QPPL. Ngoài rà soát định kỳ hàng năm, địa phương còn tiến hành rà soát chuyên đề. Cụ thể: (i) Rà soát đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17 tháng 8 năm 2011; (ii) Rà soát pháp luật triển khai định danh và xác thực điện tử; tích hợp thông tin các giấy tờ cá nhân của công dân trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNEID (Báo cáo số 138/BC-UBND ngày 19/4/2022); (iii) Rà soát, lập danh mục và tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2020-2022 ban hành từ ngày 01/01/2020 đến ngày 30/10/2022; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế dự phòng, y tế cơ sở ban hành từ ngày 01/01/2018 đến ngày 30/10/2022 đang con hiệu lực; (iv) Rà soát việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; (v) Rà soát văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực trọng tâm của tỉnh năm 2022 (Lĩnh vực tư pháp); (vi) Rà soát văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực trọng tâm liên ngành năm 2022 (Lĩnh vực tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; Tình hình thi hành pháp luật về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường)./.
Phương Loan-XDPBPL
Tác giả: Quản trị, Phương Loan
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn