Ngày 08.12.2021, Chính phủ ban hành Quyết định số 2069/QĐ-TTg quy định Danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành Tư pháp.
Theo đó, Chính phủ quy định danh mục dịch vụ sự nghiệp công thiết yếu bao gồm: dịch vụ hỗ trợ thông tin, "thực hiện trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý"; dịch vụ hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Ngoài ra, Chính phủ cũng quy đinh danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản bao gồm: dịch vụ tiếp nhận, xử lý và cung cấp thông tin lý lịch tư pháp; dịch vụ đấu giá tài sản và dịch vụ công chứng.
"Dịch vụ sự nghiệp công" được quy định là dịch vụ sự nghiệp trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo; giáo dục nghề nghiệp; y tế - dân số; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông; khoa học và công nghệ; các hoạt động kinh tế và lĩnh vực khác gồm: nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, công thương, xây dựng, tư pháp, lao động thương binh và xã hội, sự nghiệp khác. "Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước" là dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu và dịch vụ sự nghiệp công mang tính đặc thù của một số ngành, lĩnh vực thuộc danh mục do cấp có thẩm quyền ban hành, được Nhà nước bảo đảm kinh phí hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện (Điều 3 của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21.6.2021 của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập).
Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn triển khai việc thực hiện cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu quy định tại Điều 1 Quyết định này quyết định hoặc phân cấp cho cơ quan trực thuộc lựa chọn đơn vị sự nghiệp công để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu; rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập để đảm bảo cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu quy định tại Điều 1 Quyết định này và phù hợp với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Bảo đảm đủ ngân sách để thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.
Đồng thời, ngày 08.12.2021, Chính phủ ban hành Quyết định số 2070/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành Tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực TGPL, giai đoạn 2021-2025, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 01 Trung tâm TGPL nhà nước để cung ứng dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được TGPL theo Luật TGPL; các Trung tâm TGPL nhà nước được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên; đến giai đoạn 2026-2030, thực hiện như giai đoạn 2021-2025.
Luật TGPL năm 2017 đã xác định TGPL là trách nhiệm của Nhà nước và các Trung tâm TGPL nhà nước do UBND cấp tỉnh thành lập, có trụ sở, có tư cách pháp nhân để bảo đảm việc thực hiện trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh, thành phố. Đồng thời, Luật TGPL năm 2017 đã quy định Trung tâm TGPL nhà nước có trách nhiệm thực hiện TGPL và kinh phí để thực hiện TGPL do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Như vậy, TGPL đã được Chính phủ xác định là một dịch vụ công thiết yếu mà Nhà nước bảo đảm nhằm cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được TGPL trong vụ việc TGPL theo quy định của Luật TGPL, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật - đây là chính sách ưu đãi mà Nhà nước dành cho người có công, những người yếu thế trong xã hội không có khả năng chi trả cho dịch vụ pháp lý có thu trên thị trường./.
Ngọc Linh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn