Việc quy định về trách nhiệm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân rất quan trọng, nhằm tạo cơ sở pháp lý cũng như xác định trách nhiệm pháp lý trong việc tiếp công dân.
Việc tiếp công dân thực chất là cách thức để cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức có thể trực tiếp lắng nghe, tiếp nhận, làm rõ nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân, qua đó giúp cho việc xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, chính xác, đúng pháp luật; đồng thời thông qua việc giải thích, hướng dẫn nhân dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật, góp phần giải quyết tâm tư, bức xúc của công dân, củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Do vậy, Luật tiếp công dân là đạo luật chung, có giá trị pháp lý cao nhất về lĩnh vực tiếp công dân, do đó quy định bao quát hết tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị đều phải có trách nhiệm tiếp công dân. Luật tiếp công dân đã tập trung điều chỉnh việc tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức trong cả hệ thống chính trị nhằm đảm bảo tính thống nhất và nâng cao hiệu lực pháp lý của các quy định về việc tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị phải có trách nhiệm tiếp công dân, bao gồm các cơ quan của Đảng, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Quy định như vậy là cần thiết để bảo đảm sự điều chỉnh thống nhất, toàn diện về hoạt động tiếp công dân.
Điều 4 Luật tiếp công dân quy định các cơ quan nhà nước có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân bao gồm:
- Chính phủ;
- Bộ, cơ quan ngang bộ; tổng cục và tổ chức tương đương; cục;
- Ủy ban nhân dân các cấp;
- Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
- Các cơ quan của Quốc hội;
- Hội đồng nhân dân các cấp;
- Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính đặc thù trong hoạt động tiếp công dân của các cơ quan của Nhà nước, Luật chỉ quy định những vấn đề chung nhất, mang tính khái quát về việc tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội, căn cứ vào Luật này quy định việc tiếp công dân của các cơ quan này. Tương tự như thế, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định cụ thể việc tổ chức tiếp công dân của cơ quan mình, của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, của Kiểm toán Nhà nước khu vực.
Đồng thời, việc tiếp công dân của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội sẽ do cơ quan trung ương của các tổ chức này quy định trên cơ sở mục tiêu, nguyên tắc và quy trình được quy định trong luật này, phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống mình; Chính phủ quy định cụ thể việc tiếp công dân tại các cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập.
KH
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn