Ngày 03 tháng 02 năm 2021, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 01/2021/TT-BTP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 26/3/2021 và thay thế Thông tư số 06/2015/TT-BTP ngày 15/6/2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng. Theo đó, Thông tư 01/2021/TT-BTP có một số điểm mới như sau:
* Về bổ nhiệm công chứng viên, đăng ký hành nghề công chứng:
- Tại khoản 3 Điều 3, quy định cụ thể các loại giấy tờ chứng minh thời gian công tác pháp luật theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật Công chứng là một hoặc một số giấy tờ sau đây:
a) Giấy tờ quy định tại điểm a, b và c khoản 2 Điều này;
b) Quyết định tuyển dụng, quyết định luân chuyển, điều động, hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động kèm theo giấy tờ chứng minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội phù hợp với vị trí công tác pháp luật được tuyển dụng hoặc ký hợp đồng;
c) Chứng chỉ hành nghề luật sư, Thẻ luật sư, Chứng chỉ hành nghề đấu giá, Chứng chỉ hành nghề quản tài viên, quyết định bổ nhiệm Thừa phát lại kèm theo giấy tờ chứng minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội phù hợp với các chức danh này;
d) Các giấy tờ hợp pháp khác chứng minh thời gian công tác pháp luật.
- Tại điểm e, khoản 1, Điều 4 quy định bổ sung các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký hành nghề, cụ thể: Quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư, Chứng chỉ hành nghề đấu giá, quyết định miễn nhiệm Thừa phát lại, giấy tờ chứng minh đã chấm dứt công việc thường xuyên khác; giấy tờ chứng minh đã được Sở Tư pháp xóa đăng ký hành nghề ở tổ chức hành nghề công chứng trước đó hoặc văn bản cam kết chưa đăng ký hành nghề công chứng kể từ khi được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên.
* Về đào tạo nghề công chứng, khóa bồi dưỡng nghề công chứng, bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm:
- Theo Thông tư 01/2021/TT-BTP, thời gian tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ tối thiểu là 02 ngày làm việc/năm (16 giờ/năm), giảm 01 ngày so với quy định cũ.
- Thông tư quy định những trường hợp được miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ trong năm, gồm:
a) Công chứng viên nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi;
b) Công chứng viên phải điều trị dài ngày tại cơ sở khám chữa bệnh đối với những bệnh thuộc danh mục bệnh chữa trị dài ngày theo quy định của Bộ Y tế từ 03 tháng trở lên, có giấy chứng nhận của cơ quan y tế cấp huyện hoặc tương đương trở lên.
- Quy định trách nhiệm của Hội công chứng viên Việt Nam trong thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm:
a) Thực hiện nhiệm vụ của tổ chức thực hiện bồi dưỡng quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Hướng dẫn nội dung trọng tâm bồi dưỡng nghiệp vụ theo từng năm cho các Hội công chứng viên;
c) Hướng dẫn, tổng kết, đánh giá việc thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ của Hiệp hội và các Hội công chứng viên;
d) Hướng dẫn việc thu, quản lý, sử dụng chi phí thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ của các Hội công chứng viên theo quy định của pháp luật.
* Về tổ chức và hoạt động công chứng:
Thông tư 01/2021/TT-BTP quy định bổ sung một số nội dung về kiểm tra tổ chức và hoạt động công chứng như: nội dung kiểm tra; nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn kiểm tra; quyền, nghĩa vụ của đối tượng kiểm tra; trình tự, thủ tục kiểm tra.
Ngoài ra, Thông tư còn quy định rút ngắn thời gian thực hiện việc đăng ký hành nghề và cấp Thẻ công chứng viên, xóa đăng ký hành nghề và thu hồi Thẻ công chứng viên; ban hành kèm theo 29 biểu mẫu trong hoạt động công chứng.
Phòng Công chứng số 3 Tây Ninh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn