Những khó khăn, vướng mắc chủ yếu trong triển khai áp dụng một số quy định của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP, Nghị định số 97/2017/NĐ-CP

Thứ tư - 17/03/2021 16:00

Đọc bằng audio

Qua tổng kết 08 năm thi hành Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính, bên cạnh những kết quả đạt được, các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã gặp những khó khăn, vướng mắc như sau:

Một là, tại Nghị định số 81/2013/NĐ-CP có sử dụng một số từ ngữ mang tính định tính như: vi phạm có tính chất, mức độ nghiêm trọng xâm hại đến trật tự quản lý hành chính nhà nước (điểm a khoản 1 Điều 3); vi phạm nghiêm trọng được thực hiện do lỗi cố ý (điểm a khoản 2 Điều 3). Nhưng trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP không quy định như thế nào là "vi phạm có tính chất, mức độ nghiêm trọng, vi phạm nghiêm trọng". Vì chưa có tiêu chí cụ thể cho từng mức độ nên việc hiểu như thế nào là "vi phạm nghiêm trọng" phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người áp dụng pháp luật. Việc này sẽ làm cho việc áp dụng pháp luật không thống nhất do mỗi người có quan niệm khác nhau về tính chất nghiêm trọng của vụ việc vi phạm.

Hai là, về tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, người có thẩm quyền tạm giữ phải ban hành quyết định tạm giữ theo mẫu Quyết định 19 ban hành kèm theo Nghị định 97/2017/NĐ-CP của Chính phủ phải lập biên bản, ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, tình trạng của tang vật, phương tiện bị tạm giữ, phải có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ, giao cho người vi phạm một bản. Như vậy, theo quy định trên thì khi tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì người ra quyết định phải có mặt tại hiện trường, phải có con dấu của cơ quan kèm theo… Quy định này đã gây rất nhiều khó khăn trong quá trình tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho các Đoàn kiểm tra, người thi hành công tác kiểm tra vì những người có thẩm quyền tạm giữ như Chủ tịch UBND huyện, xã thì không thể có mặt thường xuyên tại nơi xảy ra vi phạm để ký quyết định, biên bản.

Ba là, điểm c khoản 6 Điều 5 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (được bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) quy định: việc giao quyền chấm dứt khi "Cấp trưởng chấm dứt việc giao quyền cho cấp phó. Trong trường hợp này, việc chấm dứt giao quyền phải được thể hiện bằng quyết định". Tuy nhiên, tại Phụ lục kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP không có mẫu quyết định chấm dứt việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Bốn là, phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định mẫu quyết định số 02 dùng cho cả trường hợp một hoặc nhiều cá nhân/tổ chức thực hiện một hoặc nhiều hành vi vi phạm hành chính. Nhưng tại phần hướng dẫn sử dụng mẫu thì không hướng dẫn cách sử dụng mẫu trong trường hợp một hoặc nhiều cá nhân/tổ chức thực hiện một hoặc nhiều hành vi vi phạm hành chính.

Năm là, phần căn cứ tại mẫu quyết định về việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính (mẫu quyết định số 29) chưa đầy đủ, chưa chính xác "Căn cứ khoản 6 Điều 5 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý, vi phạm hành chính (được bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số..../2017/NĐ-CP ngày ..../..../2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP)", vì khoản 6 Điều 5 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP được bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP và chỉ quy định về các trường hợp chấm dứt việc giao quyền. Các quy định liên quan đến việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại các khoản 4, 5, 5a, 6 Điều 5 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại các khoản 3, 4, 5 Điều 1 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP).

Sáu là, sự phối hợp giữa các ngành trong công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền đôi lúc chưa chặt chẽ, nội dung, hình thức tuyên truyền chưa đi vào chiều sâu, chưa lan tỏa rộng trong nhân dân; dẫn đến một số cơ sở ở vùng sâu, vùng xa kiến thức và nhận thức pháp luật còn hạn chế; Công tác tuyên truyền pháp luật nhất là lĩnh vực chuyên ngành thực hiện chưa đạt hiệu quả; Việc bồi dưỡng tập huấn kiến thức về nghiệp vụ chuyên môn chưa được thường xuyên.

Bảy là, về công tác kiểm tra, thanh tra, công chức được phân công phụ trách nhiệm vụ thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của các cơ quan, đơn vị cấp huyện và UBND các xã, phường, thị trấn là kiêm nhiệm, công việc nhiều nên đôi lúc tham mưu UBND cấp huyện, UBND cấp xã trong việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính còn hạn chế, chưa kịp thời.

Nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trên gồm: (i) Các đối tượng vi phạm chưa có ý thức chấp hành pháp luật, trong khi đó chi phí áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính theo quy định pháp luật có lúc cao hơn tiền phạt nên rất khó khăn khi tiến hành cưỡng chế; (ii)Số lượng các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp; trong khi đó, công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về XLVPHC là kiêm nhiệm, do đó ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ công việc đặc biệt là cán bộ, công chức ở cấp xã; (iii) Công tác phối hợp giữa các ngành chưa thật sự đồng bộ. Lực lượng làm công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính còn thiếu, chủ yếu là kiêm nhiệm; (iv) Các quy định về chế độ liên quan đến cán bộ làm công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính chưa rõ ràng; (v) Đời sống của người dân tại khu vực biên giới còn nhiều khó khăn. Nhất là người dân là đồng bào dân tộc có trình độ dân trí thấp, ít hiểu biết pháp luật, điều kiện kinh tế khó khăn; đặc biệt là ở vùng sâu vùng, vùng xa, điều kiện giao thông khó khăn, địa bàn rộng, phong tục tập quán lạc hậu; (vi) Việc rà soát, thống kê, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của một số cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (nhất là các đơn vị cơ sở) chưa kịp thời; (vii) Đội ngũ công chức làm công tác theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và công chức thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính đều là kiêm nhiệm, công việc bị quá tải, nhất là đối với công chức cấp cơ sở….

Từ những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân nêu trên Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh đã có một số đề xuất với Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ nhanh chóng sửa đổi, bổi sung những quy định không phù hợp, không thống nhất, khả thi tại Nghị định số 81/2013/NĐ-CP, Nghị định số 97/2017/NĐ-CP như đã nêu trên; đồng thời kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ có liên quan (Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính) để sớm giao cho địa phương thêm biên chế theo quy định, đảm bảo nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vục cho công tác thi hành pháp luật (Theo quy định tại Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ).

Phương Loan

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay818
  • Tháng hiện tại84,852
  • Tổng lượt truy cập5,902,324
Văn bản pháp luật 1
Tiếp cận pháp luật
Học tập và làm theo lời bác
Văn bản pháp luật
Tài liệu xúc tiến đầu tư
Công khai tài chính
Văn bản pháp luật
Công báo tây ninh
Chung tay cải cách hành chính
Thư điện tử
trung tam tro giup phap ly
Đảng bộ tỉnh Tây Ninh
Theo dõi thi hành pháp luật
Hoi dap truc tuyen
CUNG CẤP THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Bộ pháp điển
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây