Ủy ban nhân dân tỉnh tổng kết 08 năm thực hiện Nghị định số 111/2013/NĐ-CP, Nghị định số 56/2016/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ tư - 17/03/2021 16:00

Đọc bằng audio

Thực hiện Công văn số 362/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 05 tháng 02 năm 2021 của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh tổng kết 08 năm thi hành Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đây viết tắt là Nghị định số 111/2013/NĐ-CP) và Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đây viết tắt là Nghị định số 56/2016/NĐ-CP). Kết quả từ năm 2013 đến năm 2020 đã thực hiện được một số hoạt động nổi bật như sau:

Một là,  tổ chức sơ kết 02 năm thi hành Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính GDTXPTT.

Hai là, tổ chức theo dõi chuyên đề công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính về áp dụng biện pháp GDTXPTT năm 2016, 2017. Đồng thời tổ chức điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Ba là, chỉ đạo Sở Tư pháp biên soạn tài liệu "Tìm hiểu pháp luật về các biện pháp xử lý hành chính năm 2019" và đã phát hành 350 quyển cấp phát cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh để làm cẩm nang cho cán bộ làm công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và các chức danh có thẩm quyền xử phạt thuộc các cơ quan, đơn vị được Luật giao có sở sở để thực hiện tốt vai trò tham mưu cho lãnh đạo trong công tác quản lý xử lý vi phạm hành và theo dõi tình hình thi hành pháp luật của cơ quan, đơn vị mình.

Bốn là, ban hành Quyết định số 869/QĐ-UBND ngày 27/4/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh quy định thẩm quyền và cách thức xác định hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính và hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính có nội dung phức tạp, phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều cá nhân, tổ chức.

Qua 08 năm triển khai, công tác lập hồ sơ xét duyệt, quyết định áp dụng biện pháp GDTXPTT được thực hiện đúng quy định pháp luật, đúng đối tượng, đúng hành vi vi phạm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự. Bên cạnh đó, một số UBND xã, phường, thị trấn còn chỉ đạo các chương trình học nghề, tìm việc làm, vay vốn, sản xuất kinh doanh, các dịch vụ y tế, xã hội để tạo điều kiện cho người bị áp dụng biện pháp GDTXPTT được tham gia, học tập và cải tạo bản thân. 

08.03.2021.6.jpg

Kết quả áp dụng biện pháp xử lý hành chính GDTXPTT từ năm 2014 đến năm 2020

Nhìn chung số lượng các đối tượng bị lập hồ sơ đều có sự gia tăng qua các năm. Đặc biệt trong năm 2017 có sự biến đổi lớn khi tăng từ 72 đối tượng lên đến 341 đối tượng (tăng 269 đối tượng). Đây là năm mà các quy định về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính GDTXPTT trong Nghị định 111/2013/NĐ-CP được làm rõ, được quy định cụ thể hơn trong Nghị định số 56/2016/NĐ-CP. Qua đó có thể thấy việc Nghị định số 56/2016/NĐ-CP được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính GDTXPTT; làm rõ hơn các vấn đề mà Nghị định 111/2013/NĐ-CP chưa quy định cụ thể.

Việc số lượng các đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính GDTXPTT đều tăng là do có nhiều nguyên nhân cả nguyên nhân khách quan lẫn nguyên nhân chủ quan. Đời sống xã hội nước ta những năm gần đây có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, ngày càng hội nhập sâu với thế giới, lối sống phóng túng từ một bộ phận giới trẻ phương Tây cũng tràn vào, tác động không nhỏ đến nhận thức, hành vi của một bộ phận thanh thiếu niên Việt Nam. Sự phát triển của internet, mạng xã hội, facebook… trong khi giới trẻ nước ta, đặc biệt là các em học sinh còn chưa hiểu rõ cách tìm kiếm thông tin, cách tiếp thu thông tin trên mạng một cách chính xác dễ dấn đến sai lệch trong suy nghĩ. Nhà trường và gia đình chưa làm tốt công tác giáo dục, không quan tâm tình hình con em khi đến trường cũng như ở nhà. Một phần nữa cũng là do các em đang ở độ tuổi dậy thì, bồng bột, thích thể hiện, suy nghĩ chưa chín chắn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực thi Nghị định số 111/2013/NĐ-CP, Nghị định số 56/2016/NĐ-CP tại địa phương cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như:

- Tại Điều 6 của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP  quy định thẩm quyền áp dụng biện pháp GDTXPTT là Chủ tịch UBND cấp xã; khoản 5 Điều 5 của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 17/9/2013 của Chính phủ quy định về xác định thẩm quyền xử phạt "Người được giao nhiệm vụ đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt, thì có thẩm quyền xử phạt và được giao quyền xử phạt như cấp trưởng", nhưng không có quy định về giao quyền quyết định áp dụng biện pháp GDTXPTT. Hiện nay, thực tế có xã, thị trấn chưa có Chủ tịch, chỉ có Phó Chủ tịch được giao phụ trách không thể quyết định áp dụng biện pháp GDTXPTT, gây khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ này tại địa phương.

- Theo quy định tại điểm g khoản 5 Điều 18 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 56/2016/NĐ-CP thì  "…người nghiện ma túy phải lựa chọn hình thức cai nghiện tự nguyện tại gia đình hoặc cộng đồng hoặc tham gia chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế theo quy định của pháp luật. Người nghiện ma túy phải cam kết về việc tự nguyện cai nghiện, điều trị nghiện". Tuy nhiên, việc tổ chức cho các đối tượng nghiện cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cồng đồng không mang lại hiệu quả, có nguy cơ tái nghiện cao..

- Khoản 4a Điều 29 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Nghị định số 56/2016/NĐ-CP quy định "Trường hợp người được giáo dục sau khi đã chấp hành ít nhất ½ thời gian giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà không tiến bộ, tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm thì bị xem xét, xử lý theo quy định tại Điều 35a của Nghị định này". Việc quy định điều kiện như trên là không phù hợp với tình hình thực tế. Bởi vì, một số trường hợp đối tượng chưa chấp hành được ½ thời gian mà tiếp tục vi phạm, sử dụng ma túy thì địa phương cũng phải chờ đối tượng chấp hành được ½ thời gian mới lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Theo quy định tại Nghị định số 111/2013/NĐ-CP thì thời hạn áp dụng biện pháp GDTXPTT là từ 3-6 tháng; trong khi đó Nghị định 94/2010/NĐ-CP quy định thời gian cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là từ 6 – 12 tháng. Do đó, sau khi áp dụng xong biện pháp GDTXPTT thì đối tượng vẫn áp dụng biện pháp cai nghiện tại cộng đồng. Nhưng trong thời gian cai nghiện này, đối tượng vẫn tiếp tục tái nghiện thì địa phương không thể đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc do vẫn còn trong thời gian cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

- Đối tượng áp dụng biện pháp GDTXPTT: Ngoài các đối tượng bị áp dụng biện pháp GDTXPTT theo quy định Nghị định số 111/2013/NĐ-CP, Nghị định số 56/2016/NĐ-CP thì ở các địa phương hiện nay còn rất nhiều đối tượng là người nghiện ma túy nhưng không thể áp dụng biện pháp GDTXPTT. Nguyên nhân chủ yếu do các đối tượng này chưa đủ 18 tuổi, thường sống lang thang, vi phạm pháp luật ở nhiều địa phương khác nhau, luôn tìm cách đối phó với lực lượng chức năng. Do đó việc quản lý, theo dõi, lập hồ sơ áp dụng biện pháp GDTXPTT đối với đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn.

- Người được phân công giúp đỡ các đối tượng bị GDTXPTT chưa được tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ để giáo dục. Ngoài ra, việc thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng sẽ làm ảnh hưởng đến công tác, cuộc sống gia đình của người được phân công giúp đỡ./.

Phương Loan

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập43
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm18
  • Hôm nay6,790
  • Tháng hiện tại33,945
  • Tổng lượt truy cập5,004,304
Văn bản pháp luật 1
Tiếp cận pháp luật
Học tập và làm theo lời bác
Văn bản pháp luật
Tài liệu xúc tiến đầu tư
Công khai tài chính
Văn bản pháp luật
Công báo tây ninh
Chung tay cải cách hành chính
Thư điện tử
trung tam tro giup phap ly
Đảng bộ tỉnh Tây Ninh
Theo dõi thi hành pháp luật
Hoi dap truc tuyen
CUNG CẤP THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Bộ pháp điển
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây