Thực trạng tình hình vi phạm pháp luật và nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Thứ hai - 24/04/2023 10:06

Đọc bằng audio

Tội phạm là người chưa thành niên (hay còn gọi là người dưới 18 tuổi phạm tội) là một trong những nhóm tội phạm được các quốc gia đặc biệt quan tâm. Ở Việt Nam, tội phạm là người dưới 18 tuổi được pháp luật quy định thành một nhóm đối tượng riêng, có chính sách đặc biệt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội bởi tính chất đặc thù của nhóm tội phạm này.

Song song với sự phát triển của xã hội, mối liên kết trong gia đình lỏng lẻo, mặt trái của cơ chế thị trường, cùng những cám dỗ của cuộc sống hiện đại và các trang mạng xã hội đã khiến tội phạm là người dưới 18 tuổi ngày càng gia tăng trong cộng đồng, độ tuổi của người phạm tội ngày càng trẻ hóa. Có những đối tượng chỉ có 12-13 tuổi nhưng đã thực hiện các hành vi nguy hiểm cho xã hội như giết người, cướp tài sản, mua bán trái phép chất ma tuý... nhưng không thể xử lý bằng chế tài hình sự vì các đối tượng này chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Nhiều đối tượng trong độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi), được xác định là “trẻ em” nhưng hành vi phạm tội không hề “đơn giản”, tính chất của hành vi rất man rợ, đáng sợ, gây mất an toàn cho gia đình, cộng đồng xã hội, có những vụ án “con giết cha” hay là “cháu dùng dao đâm chết bà” gây rúng động xã hội, hoang mang cho quần chúng nhân dân, là một dấu hiệu báo động cho cho các ngành chức năng cần phải quan tâm hơn nữa đối với nhóm đối tượng phạm tội “đặc biệt” này.

Tình hình người dưới 18 tuổi phạm tội có sự khác nhau giữa các địa phương trong tỉnh, đặc biệt các khu vực đông dân cư, các cụm công nghiệp phát triển thì tỷ lệ người dưới 18 tuổi phạm tội lớn hơn rất nhiều so với các khu vực nông thôn. Việc gia tăng các vụ án mà bị cáo là người dưới 18 tuổi phạm tội không chỉ về số lượng các bị cáo, mà tuổi đời cũng được trẻ hóa, có nhiều vụ án các bị cáo là người dưới 18 tuổi thực hiện thuộc trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình về các tội cố ý gây thương tích, giết người, cướp tài sản, trộm cắp tài sản.

Qua thống kê của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Tây Ninh trong năm 2022, số người dưới 18 tuổi phạm tội và được TGPL từ khoảng 170 đối tượng, chiếm hơn 70% số lượng vụ việc của Trung tâm thực hiện, trong đó đa số là các tội phạm về giết người, cố ý gây thương tích, hiếp dâm hoặc giao cấu với người dưới 16 tuổi. Những thông tin, con số nêu trên là đáng báo động, buộc các cấp, các ngành phải có những giải pháp hữu hiệu nhằm phòng ngừa sự gia tăng của tình trạng phạm tội ở lứa tuổi chưa trưởng thành.

Theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam thì người từ đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp, còn người từ đủ 16 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi hành vi phạm tội. Cụ thể, Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này”.

Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định người từ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi được hưởng chính sách về người dưới 18 tuổi phạm tội, theo đó: việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tui và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lm, phát trin lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy him cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa. Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

Quá trình điều tra, truy tố, xét xử với người dưới 18 tuổi cũng có những quy định đặc biệt, đặc thù. Việt Nam đã thành lập tòa án gia đình và người chưa thành niên là những bước thay đổi rất lớn về quá trình tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội. Các chính sách, pháp luật về người dưới 18 tuổi phạm tội như vậy là phù hợp với luật pháp quốc tế, thể hiện chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với trẻ em, người dưới 18 tuổi phạm tội.

Tình hình tội phạm người dưới 18 tuổi gia tăng cũng bởi nhiều nguyên nhân, trong đó đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi này đáng được quan tâm nhất, bởi người dưới 18 tuổi là người chưa phát triển đầy đủ về nhân cách và đạo đức. Đây là độ tuổi đang được giáo dục phổ thông, giáo dục cơ bản về nhận thức, ý thức, đạo đức trong đó có ý thức chấp hành pháp luật. Ở độ tuổi thanh thiếu niên là độ tuổi phát triển nhanh chóng về thể chất nhưng về tâm sinh lý có những bất ổn, thậm chí nổi loạn. Nếu giáo dục cứng nhắc hoặc giáo dục không đúng cách thì có thể biến những đứa trẻ ngoan ngoãn, hiếu thảo trở thành những đứa trẻ ngỗ ngược, bất trị, chúng có thể bỏ học, tự tử, thậm chí trở thành tội phạm. Ở độ tuổi chưa thành niên thì rất dễ bị cảm xúc chi phối hành vi, chỉ vì những vấn đề nhỏ nhặt mà người chưa thành niên có thể có những xúc động mạnh, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc dẫn đến thực hiện những hành vi có tính chất bộc phát, thiếu sự điều khiển của lý trí, có thể dẫn đến hành vi phạm tội.

Ngoài ra theo nghiên cứu, thống kê về người dưới 18 tuổi phạm tội cho thấy phần lớn những đứa trẻ phạm tội đều sống trong những gia đình không có hạnh phúc, thường xuyên bị đối xử tàn nhẫn, bỏ học sớm, thiếu sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ hoặc những đứa trẻ được nuông chiều, đáp ứng đầy đủ những điều kiện vật chất nhưng thiếu kiểm soát dẫn đến trẻ mắc sai lầm rồi trượt dài trên những sai lầm đó. Trong những gia đình không có hạnh phúc, cha mẹ thường xuyên cãi vã, đánh đập lẫn nhau khiến những đứa trẻ có những suy nghĩ tiêu cực kéo dài, tác động đến sự phát triển hình thành nhân cách làm cho chúng trở nên lầm lì hoặc cục súc. Đối với những gia đình mà có cha dượng, mẹ kế, có sự đối xử bất công bằng trong gia đình dễ gây ra những xung đột và những nhận thức lệch lạc của trẻ em.

Bên cạnh đó, mặt trái của sự phát triển kinh tế thị trường và khoa học công nghệ dẫn đến cuộc sống luôn gấp gáp, căng thẳng đã khiến cho con người phải chịu quá nhiều áp lực; dễ tiếp cận công nghệ, phim ảnh, trò chơi bạo lực... một cách dễ dàng mà không hề có sự kiểm soát nào. Lối sống thực dụng, đua đòi, thích hưởng thụ nên rất dễ bị các đối tượng xấu dụ dỗ lôi kéo phạm pháp.

Liên quan đến thực trạng tình hình gia tăng của tội phạm chưa thành niên, các ngành, các cấp tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo tăng cường thực hiện cao điểm phòng chống tội phạm trên các lĩnh vực. Trong đó, tập trung điều tra xử lý sớm đối với các vụ án có người dưới 18 tuổi phạm tội trên tinh thần răn đe, giáo dục, nhất là đối với các đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa. Có thể thấy, nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm hàng đầu bằng nhiều biện pháp phù hợp, đề ra những giải pháp, kiên quyết xử lý đối với thanh, thiếu niên có những hành vi vi phạm pháp luật. Thế nhưng, để kéo giảm tình trạng này, không chỉ có cơ quan Nhà nước mà cần sự quan tâm của toàn xã hội nhất là gia đình, nhà trường để cùng chung tay trong công tác giáo dục, quản lý thanh, thiếu niên phòng ngừa vi phạm pháp luật./.

                                                                           Ngọc Linh

Tác giả: Quản trị

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập115
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm114
  • Hôm nay2,093
  • Tháng hiện tại71,872
  • Tổng lượt truy cập6,000,712
Văn bản pháp luật 1
Tiếp cận pháp luật
Học tập và làm theo lời bác
Văn bản pháp luật
Tài liệu xúc tiến đầu tư
Công khai tài chính
Văn bản pháp luật
Công báo tây ninh
Chung tay cải cách hành chính
Thư điện tử
trung tam tro giup phap ly
Đảng bộ tỉnh Tây Ninh
Theo dõi thi hành pháp luật
Hoi dap truc tuyen
CUNG CẤP THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Bộ pháp điển
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây