Trong thời gian gần đây, Chính phủ đã nỗ lực thực hiện những giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp hướng tới đạt mục tiêu năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp, năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp và năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động. Theo Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị TW 5 Khóa XII, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết số 35, Nghị quyết số 19 năm 2016 - 2017 - 2018, Nghị quyết số 02 năm 2019 về cải thiện môi trường đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó đưa ra các giải pháp đột phá để hỗ trợ doanh nghiệp, nhiều địa phương đã duy trì và nâng cao chất lượng cơ chế đối thoại chính sách để tháo gỡ khó khăn về chính sách liên quan đến lao động, đất đai, vốn, thuế, hải quan...
Tuy nhiên, năng lực nội tại của các DNNVV vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, cụ thể: đa số các DNNVV có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động sản xuất còn nhỏ lẻ manh mún; thiếu vắng sự liên kết, đặc biệt liên kết giữa doanh nghiệp nhỏ với doanh nghiệp vừa và lớn; năng xuất trong khu vực DNNVV thấp, năng lực cạnh tranh, thích nghi với thị trường còn yếu; máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu...
Từ góc nhìn của tổ chức đại diện doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy, mặc dù cơ chế chính sách đã được ban hành nhiều, tương đối đầy đủ, nhưng chậm được triển khai đã làm mất đi tính cơ hội, lạc hậu so với tình hình thực tiễn, nên phải điều chỉnh bổ sung nhiều đã làm ảnh hưởng đến khu vực doanh nghiệp dân doanh. Bên cạnh đó, một số các cấp chính quyền địa phương vẫn còn lúng túng trong việc đưa ra chính sách, nguồn lực cụ thể để triển khai, mặc dù cơ chế đã có.
Để các quy định của Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thực sự được triển khai trên thực tế, đi vào cuộc sống, trong phạm vi bài viết, chúng tôi kiến nghị một số giải pháp sau:
Thứ nhất: Phải xác định hỗ trợ pháp lý cho DNNVV là một hoạt động cơ bản, thường xuyên, liên tục, là trách nhiệm của các cấp, các ngành. Hoạt động này xuất phát từ bối cảnh thực tế hiện nay, khi nhận thức pháp luật của khu vực kinh tế dân doanh còn nhiều hạn chế, chủ sở hữu, người quản lý trong doanh nghiệp chưa hình thành thói quen tuân thủ pháp luật, chế tài xử lý vi phạm pháp luật chưa nghiêm minh, chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch, thực thi pháp luật chưa đạt hiệu quả.
Thứ hai: Nhu cầu hỗ trợ pháp lý và tư vấn pháp luật của khu vực DNNVV rất nhiều, phong phú và đa dạng, điều này, xuất phát từ quyền tự do kinh doanh được quy định trong Hiến pháp. Trong khi đó, nguồn lực Nhà nước lại có hạn, hỗ trợ pháp lý chỉ là một hoạt động trong tổng thể các hoạt động hỗ trợ DNNVV. Để tránh lãnh phí, tràn lan, nhưng không đem lại hiệu quả thiết thực, Nhà nước cần xác định rõ các nội dung, hoạt động nào Nhà nước hỗ trợ, nội dung, hoạt động nào doanh nghiệp phải thực hiện thuê dịch vụ pháp lý để phòng ngừa rủi ro theo quy luật của thị trường.
Thứ ba: Trong khi cơ cấu, tổ chức, cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trong các cơ quan Nhà nước hiện nay chưa ổn định, sự quan tâm của các cấp chính quyền chưa đồng đều, Nghị định 55/2019/NĐ-CP, Nghị định 39/2018/NĐ-CP đã quy định về cơ chế thiết lập mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ cho DNNVV. Vì vậy, các bộ ngành, địa phương cần sớm triển khai cơ chế này, đây có thể được coi là một cơ chế hữu hiệu để triển khai các hoạt động hỗ trợ cho DNNVV một cách hiệu quả. Tuy nhiên, để cơ chế này thực sự phát huy, Nhà nước cần chủ động hướng dẫn, xây dựng tiêu chí, công nhận tư cách của mạng lưới, bố trí kinh phí để duy trì, khuyến khích bồi dưỡng, giám sát, kiểm tra mạng lưới tư vấn viên. Đây cũng được coi là cơ chế để đội ngũ luật sư, luật gia tham gia sâu rộng vào hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV.
Thứ tư: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, những thành quả của kỹ thuật số vào trong công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV. Thực tế, những người quản lý, chủ sở hữu doanh nghiệp rất bận. Vì vậy, những cách thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo phương thức truyền thống cần có sự thay đổi mạnh mẽ, nắm sát đặc điểm tâm lý, đặc thù của doanh nghiệp, chủ động ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Thứ năm: Cần có phân loại, phân nhóm các loại hình DNNVV để có các chuyên đề, chương trình hỗ trợ cho phù hợp. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp thuộc nhóm ngành sản xuất, chế biến, chế tạo có nhu cầu hỗ trợ khác với doanh nghiệp thuộc nhóm ngành thương mại dịch vụ.
Thứ sáu: Cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với công tác hỗ trợ cho doanh nghiệp nói chung, công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV nói riêng. Thực tế cho thấy, để thay đổi thói quen tuân thủ pháp luật của DNNVV, chúng ta phải nhìn tổng thể để có các giải pháp thay đổi trên các bình diện về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, ý thức phục vụ của tổ chức, cá nhân thừa hành công vụ, tính nghiêm minh bình đẳng của thi hành pháp luật./.
Nguồn: Tạp chí Luật sư Việt Nam
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn