Các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ là một phần trong chính sách thương mại của các quốc gia, đồng thời cũng là nội dung đàm phán quan trọng của các hiệp định thương mại. Chương 6 của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) đã đưa ra những quy định về các biện pháp này mà mỗi quốc gia thành viên của CPTPP đều phải tuân thủ. Bài viết này phân tích những quy định về nội dung PVTM trong CPTPP, đồng thời đưa ra những lưu ý cho các doanh nghiệp Việt Nam về các vấn đề liên quan đến PVTM trong bối cảnh Việt Nam thực thi các cam kết của CPTPP.
Nội dung về phòng vệ thương mại trong CPTPP: PVTM là nội dung thuộc Chương 6 của Hiệp định CPTPP gồm 02 phần chính như các quy định về biện pháp tự vệ và các quy định về chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Các quy định về biện pháp tự vệ: Bên cạnh các nghĩa vụ về tự vệ mà các thành viên CPTPP phải tuân thủ theo Hiệp định về biện pháp tự vệ của WTO và Điều XIX Hiệp định chung về thuế quan và thương mại 1994, CPTPP còn bổ sung thêm một quy trình tự vệ mới. Các biện pháp tự vệ mà các thành viên CPTPP có thể sử dụng bao gồm tự vệ toàn cầu (là biện pháp tự vệ áp dụng với tất cả thành viên WTO) và tự vệ trong thời gian chuyển đổi (tự vệ riêng của CPTPP).
Tự vệ toàn cầu: Tự vệ toàn cầu là biện pháp tự vệ phải được áp dụng đối với tất cả các nước thành viên WTO không loại trừ nước nào. Tuy nhiên, một nước CPTPP có thể loại trừ áp dụng biện pháp tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu từ một nước thành viên khác nếu hàng hóa của thành viên đó đồng thời thỏa mãn hai điều kiện sau1: hàng hóa đó được nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan hoặc nằm trong danh mục cắt giảm thuế2; hàng hóa nhập khẩu không phải là nguyên nhân gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa của nước đó.
Khi sử dụng biện pháp tự vệ toàn cầu, các bên không được áp dụng hoặc duy trì đồng thời các biện pháp sau đối với cùng một loại hàng hóa, vào cùng một thời điểm: biện pháp tự vệ trong thời gian chuyển tiếp; biện pháp tự vệ theo quy định của WTO; biện pháp tự vệ được quy định tại Phụ lục B trong Biểu Phụ lục 2-D (Các cam kết thuế quan); một hành động khẩn cấp theo Chương 4 của CPTPP về hàng hóa dệt may và phụ kiện.
Tự vệ trong thời gian chuyển tiếp: Trong giai đoạn chuyển tiếp, khi nhiều dòng thuế của các thành viên CPTPP được xóa bỏ hoàn toàn sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng lượng nhập khẩu gia tăng đột biến từ các thành viên khác. Vì vậy, CPTPP thiết lập cơ chế tự vệ trong thời gian chuyển tiếp. Tự vệ trong giai đoạn chuyển tiếp cho phép một nước thành viên ápdụng biện pháp tự vệ chỉ trong thời gian chuyển tiếp nếu lượng nhập khẩu gia tăng đột biến5 do kết quả của việc cắt giảm thuế theo các cam kết trong CPTPP, đồng thời sự gia tăng đó gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước. CPTPP cấm các thành viên sử dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp bằng cách thức quy định hạn ngạch thuế quan hoặc hạn chế số lượng. Thay vào đó, các bên có thể sử dụng các công cụ tự vệ chuyển tiếp sau: đình chỉ việc tiếp tục giảm thuế theo cam kết đối với mặt hàng đó; tăng thuế suất đối với hàng hóa đó không vượt quá thuế suất theo nguyên tắc tối huệ quốc có hiệu lực tại thời điểm áp dụng biện pháp này hoặc thuế suất theo nguyên tắc tối huệ quốc có hiệu lực vào ngày liền trước ngày Hiệp định có hiệu lực, tùy mức nào thấp hơn6.
Thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp không được vượt quá 02 năm. Trong trường hợp cần thiết, thời hạn áp dụng có thể kéo dài thêm tối đa 01 năm. Tuy nhiên, các bên không được duy trì biện pháp tự vệ chuyển tiếp vượt quá thời hạn của giai đoạn chuyển tiếp. Nếu thời gian áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp nhiều hơn 01 năm, nước áp dụng biện pháp này phải dần nới lỏng biện pháp đó một cách đều đặn trong suốt thời gian áp dụng. Kết thúc giai đoạn áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp, mức thuế quan đối với loại hàng hóa đó sẽ được điều chỉnh bằng mức được nêu trong biểu cam kết về thuế của các thành viên. Bất kỳ loại hàng hóa nào cũng chỉ có thể bị áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp duy nhất một lần.
Trong quá trình điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ này, nước điều tra phải thông báo bằng văn bản cho nước bị điều tra. Đồng thời, các bên phải tiến hành cung cấp các bản báo cáo công khai của cơ quan có thẩm quyền, nhằm bảo đảm tính minh bạch của quy trình, thủ tục này.
Khác với công cụ chống bán phá giá và chống trợ cấp, biện pháp tự vệ là một biện pháp phải trả phí, điều đó có nghĩa là, một quốc gia khi áp dụng biện pháp tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu đến từ một nước khác, thì sẽ phải tiến hành những nhượng bộ tương ứng trong lĩnh vực khác. Ngay trong quy trình tham vấn, bên áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp phải đưa ra các hình thức đền bù. Việc đền bù có thể được tiến hành thông qua hình thức nhượng bộ thương mại tương đương hoặc tương đương một khoản thuế bổ sung trong biện pháp tự vệ chuyển tiếp. Việc tham vấn này sẽ phải được tiến hành trong khoảng thời gian 30 ngày, kể từ thời điểm biện pháp tự vệ chuyển tiếp được áp dụng. Trong trường hợp các bên không đi đến sự thống nhất về việc đền bù, bên bị áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp có thể đình chỉ áp dụng thuế suất ưu đãi tương đương đáng kể với thương mại của bên áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp.
Biện pháp tự vệ đặc biệt đối với hàng dệt may: Ngoài các quy định chung về PVTM được đề cập tại Chương 6, CPTPP còn đưa ra quy định về biện pháp tự vệ riêng đối với hàng dệt may thuộc Chương 4 của Hiệp định. Trong trường hợp một sản phẩm dệt may của một nước CPTPP được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định và xuất khẩu sang một nước thành viên khác với một khối lượng gia tăng và gây ra thiệt hại nghiêm trọng, hoặc là đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa của nước đó, thì nước nhập khẩu có quyền áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt đối với sản phẩm dệt may đó bằng cách nước nhập khẩu có thể không tiếp tục áp dụng ưu đãi thuế quan cho sản phẩm dệt may đó nữa và nâng mức thuế lên ngang bằng với mức thuế tối huệ quốc (thuế MFN) theo WTO tại thời điểm đó. Biện pháp này chỉ được áp dụng trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để ngăn ngừa hoặc bù đắp các thiệt hại do hàng nhập khẩu đó gây ra đối với ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu.
Các quy định về chống bán phá giá và chống trợ cấp: Đối với các quy định về chống bán phá và chống trợ cấp, các nước thành viên CPTPP phải tuân thủ các quy định nêu trong Hiệp định Chống bán phá giá và Hiệp định về Trợ cấp và các biện pháp đối kháng của WTO. Vì vậy, CPTPP sẽ không ảnh hưởng đến các quyền lợi và nghĩa vụ theo quy định của WTO liên quan đến chống bán phá giá và chống trợ cấp, hay cũng không bổ sung thêm bất kỳ quyền lợi và nghĩa vụ nào.
Bên cạnh Điều 6.8, CPTPP quy định về Thông lệ liên quan đến thủ tục chống bán phá giá và thuế đối kháng tại Phụ lục 6-A của Hiệp định. Các quy định này nhằm thúc đẩy các mục tiêu minh bạch hóa và quy trình đúng đắn đối với các biện pháp phòng vệ thương mại.
Một số lưu ý cho doanh nghiệp trong bối cảnh Việt Nam thực thi các cam kết về PVTM trong CPTPP
Những cam kết về vấn đề phòng vệ thương mại trong CPTPP đem lại nhiều ý nghĩa và lợi ích đối với doanh nghiệp, đồng thời, quy định này cũng mang lại những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, khi Việt Nam thực thi cam kết của CPTPP về PVTM, doanh nghiệp cần lưu ý những vấn đề sau:
Một là, doanh nghiệp cần phải nắm rõ các quy định về PVTM. Bên cạnh các quy định về PVTM trong CPTPP, doanh nghiệp cần nắm rõ quy định về PVTM của Việt Nam và pháp luật của thành viên CPTPP về PVTM trong trường hợp doanh nghiệp là đối tượng bị điều tra PVTM ở thị trường nước ngoài.
Hai là, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực sử dụng công cụ PVTM. Cụ thể, các doanh nghiệp nên lưu ý các điểm sau đây:
- Thu thập và chuẩn bị số liệu một cách chính xác và khách quan để bảo đảm đơn kiện được chấp thuận và vụ việc sẽ được khởi xướng điều tra bởi cơ quan có thẩm quyền.
- Trong bối cảnh các vụ kiện về PVTM ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp cần thiết lập quỹ dự phòng về PVTM để bảo đảm những nguồn lực cần thiết cho việc theo đuổi các vụ kiện.
- Chú trọng đào tạo, xây dựng đội ngũ pháp lý của doanh nghiệp có kiến thức về PVTM để có thể chủ động ứng phó khi vụ kiện PVTM xảy ra.
- Phối hợp với các doanh nghiệp cùng ngành cũng như hiệp hội doanh nghiệp trong việc thu lập số liệu, chứng cứ và theo đuổi các vụ kiện.
- Lưu trữ hồ sơ, tài liệu đầy đủ, rõ ràng và tuân thủ theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế để bảo đảm rằng, những hồ sơ đó sẽ được cơ quan điều tra nước ngoài chấp nhận.
- Tham gia đầy đủ vào quy trình điều tra của cơ quan điều tra, đặc biệt là trong các vụ kháng kiện.
Ba là, tận dụng một cách có hiệu quả sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến các vấn đề về PVTM. Hiện nay, Cục Phòng vệ thương mại của Bộ Công thương đã xây dựng một cách hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm , các doanh nghiệp có thể tận dụng kênh thông tin hữu ích này để chủ động hơn trong các phương án kinh doanh hoặc việc theo đuổi các vụ kháng kiện. Đồng thời, doanh nghiệp có thể đề xuất cơ quan quản lý nhà nước tiến hành vận động hành lang đối với chính phủ và cơ quan điều tra của nước ngoài để có thể đạt được những kết quả có lợi nhất cho doanh nghiệp trong quá trình điều tra.
Kết luận: Các biện pháp PVTM là một công cụ nhằm duy trì trật tự thương mại một cách công bằng, hợp lý cho các nước thành viên CPTPP. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp PVTM là "quyền" chứ không phải là nghĩa vụ của các nước thành viên. Để thực hiện quyền này, nghĩa vụ của các nước thành viên là phải bảo đảm tuân thủ theo thỏa thuận về các biện pháp PVTM tương ứng với quyền này theo tiêu chí chung. Quy định về PVTM trong CPTPP được hiểu là cam kết WTO+. Bên cạnh đó, cách thức áp dụng biện pháp tự vệ theo CPTPP cũng được quy định cụ thể. Ngoài biện pháp tự vệ toàn cầu mà các thành viên CPTPP dành cho các thành viên WTO, thì các nước thành viên CPTPP cũng có thể áp dụng các biện pháp tự vệ trong thời gian chuyển tiếp do tác động của Hiệp định này gây ra. Đồng thời CPTPP cũng nhấn mạnh yêu cầu về tính minh bạch trong quy trình điều tra. Do đó, các quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục, điều kiện áp dụng các biện pháp PVTM theo CPTPP có vai trò thúc đẩy minh bạch hóa việc áp dụng các biện pháp PVTM cũng như tránh lạm dụng công cụ này trong hoạt động thương mại quốc tế của các nước thành viên. Nắm rõ các quy định về PVTM sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được lợi thế của công cụ này và hạn chế những tác động tiêu cực do biện pháp này mang lại./.
Ngọc Xuân
Trích từ nguồn: Tạp chí Luật sư Việt Nam số 11 – Chuyên trang về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn