Vai trò của luật sư đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thứ tư - 06/01/2021 21:00

Đọc bằng audio

Lịch sử hình thành và phát triển của nghề luật sư ở Việt Nam là không dài so với lịch sử phát triển của nghề luật sư ở những quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật và các quốc gia châu Âu. Năm 1987, khi Pháp lệnh Luật sư đầu tiên của Việt Nam ra đời thì luật sư mới được coi là một nghề trong xã hội. Tuy nhiên, chỉ từ thời điểm 2001 đến nay, đặc biệt là sau khi Luật Luật sư 2006 được ban hành, cùng với đó là việc Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới thì nghề luật sư ở Việt Nam mới có môi trường phát triển thật sự. Cũng từ đó mà mối quan hệ hết sức cần thiết giữa luật sư với doanh nghiệp mới được chú trọng xây dựng.

Thực tế đã cho thấy, một nền kinh tế càng phát triển, vai trò của luật sư càng quan trọng hơn bao giờ hết. Việc sử dụng dịch vụ tư vấn luật ở các nước phát triển là chuyện thường ngày và không thể thiếu đối với một doanh nghiệp. Những bài toán kinh doanh của doanh nghiệp luôn cần những ý kiến tư vấn của luật sư để bảo đảm tính hợp pháp, hiệu quả và an toàn; bên cạnh đó, luật sư có thể tư vấn, đại diện để giải quyết khi xảy ra tranh chấp. Nếu thiếu hiểu biết pháp luật hoặc hành xử theo ý chí chủ quan, cảm tính, rất dễ dẫn đến hậu quả là doanh nghiệp vi phạm pháp luật, không chỉ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp mà đôi khi không thể cứu vãn được rủi ro đối với người và tài sản. Do đó, mỗi doanh nghiệp cần có sự trợ giúp về mặt pháp lý thường xuyên của luật sư nội bộ hoặc các công ty luật/văn phòng luật sư để bảo đảm kinh doanh đúng pháp luật và giải quyết những vấn đề pháp lý nảy sinh được nhanh chóng, tiện lợi.

Các hãng luật có thể cung cấp những dịch vụ pháp lý cho doanh nghiệp như:

- Tư vấn pháp luật thường xuyên cho các doanh nghiệp: Là việc ký kết hợp đồng tư vấn dài kỳ cho các doanh nghiệp có nhu cầu. Luật sư tư vấn là những người vững vàng về chuyên môn và có kinh nghiệm thực tiễn, đặc biệt là kinh nghiệm trên thương trường. Cơ chế làm việc linh hoạt của luật sư sẽ luôn bảo đảm sự thuận lợi cho doanh nghiệp.

- Hỗ trợ, tư vấn khởi tạo doanh nghiệp: Khi khởi nghiệp kinh doanh, gia nhập thị trường, doanh nghiệp luôn gặp khó khăn về pháp lý, có thể nói là "Vạn sự khởi đầu nan". Do vậy, có luật sư hỗ trợ, tư vấn là rất cần thiết và quan trọng cho các doanh nghiệp. Hoạt động này cung cấp các dịch vụ như: tư vấn lựa chọn loại hình doanh nghiệp, tiến hành các thủ tục thành lập doanh nghiệp, cơ cấu lại doanh nghiệp; mua bán doanh nghiệp, chuyển nhượng cổ phần; sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; tư vấn về quản lý nhân sự, quản lý theo pháp luật về tài chính, thuế, sở hữu trí tuệ; hỗ trợ xác lập giao dịch về hợp đồng đầu tư, mua bán, vay vốn, thế chấp, chuyển nhượng vốn; xây dựng các quy chế hoạt động cho doanh nghiệp, soạn thảo các biểu mẫu giấy tờ giao dịch chuẩn mực...

- Đại diện ngoài tố tụng: Khi doanh nghiệp không muốn hoặc không có điều kiện để đàm phán với đối tác, làm việc với cơ quan công an, tòa án, thuế, hải quan hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác, luật sư có thể đại diện cho doanh nghiệp để thực hiện các công việc này.

- Tìm kiếm đối tác, nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại đầu tư: Qua quá trình tư vấn pháp luật, luật sư có được những mối quan hệ mật thiết với nhiều doanh nghiệp và có được những kinh nghiệm cũng như sự hiểu biết về thị trường, do đó, luật sư sẽ là những địa chỉ tin cậy cho các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các đối tác kinh doanh trong các lĩnh vực.

- Tư vấn pháp luật tài chính - ngân hàng: Hoạt động này giúp cho doanh nghiệp có được tình hình tài chính lành mạnh, sử dụng đồng vốn hiệu quả, hạch toán, kế toán đúng chế độ. Luật sư sẽ giúp doanh nghiệp tránh được rủi ro bị phạt thuế, truy thu thuế - một rủi ro tiềm tàng khi thực hiện chế độ tự kê khai, tự nộp thuế. Mặt khác, luật sư còn giúp doanh nghiệp xây dựng phương án kinh doanh, vay vốn ngân hàng hoặc huy động vốn từ các nhà tài trợ khác.

- Tư vấn pháp luật về hợp đồng: Khi có sự tham gia của luật sư, những hợp đồng mà doanh nghiệp tham gia ký kết sẽ bảo đảm được tính hợp pháp cũng như phù hợp với tập quán thương mại; chặt chẽ và đầy đủ. Đồng thời sẽ giảm thiểu ở mức thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra do những quy định lỏng lẻo trong hợp đồng; những cam kết, thoả thuận bị vô hiệu do trái pháp luật…

- Hỗ trợ doanh nghiệp tránh nợ xấu, thu hồi nợ tồn đọng: Các khoản nợ khó đòi là gánh nặng tài chính của doanh nghiệp. Luật sư sẽ giúp doanh nghiệp ngay từ khâu đầu tiên như thẩm định năng lực đối tác, đàm phán đến ký kết hợp đồng, giám sát việc thực hiện hợp đồng để giảm thiểu tối đa những khoản nợ xấu. Bên cạnh đó, có nhiều khoản nợ bản thân doanh nghiệp không thể tự đòi được, vì vậy, sự tham gia của luật sư trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thu hồi nợ tồn đọng là cần thiết. Bằng hiểu biết pháp luật và kỹ năng giao tiếp bài bản, luật sư sẽ tạo ra nhiều cơ hội thành công hơn cho việc thu hồi nợ khó đòi.

- Tham gia tranh tụng và hòa giải: Trong quá trình kinh doanh, có thể tới một thời điểm nào đó, doanh nghiệp sẽ gặp các tranh chấp về hợp đồng với các đối tác hay thậm chí cần khiếu nại đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật... Trong những tình huống đó, doanh nghiệp cần hơn bao giờ hết sự tư vấn từ phía những người am hiểu pháp luật và được đào tạo cơ bản, có kinh nghiệm giải quyết vụ việc để tham gia việc hòa giải hay tranh tụng tại tòa án/trọng tài thương mại. Tùy từng trường hợp cụ thể mà luật sư sẽ tư vấn cho doanh nghiệp lựa chọn được phương án giải quyết tranh chấp đơn giản, ít thua thiệt và mang lại lợi ích tối đa cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, luật sư còn có thể là đầu mối giúp doanh nghiệp sử dụng những dịch vụ như: thẩm định giá, bán đấu giá, kiểm toán, các dịch vụ trong hợp tác quốc tế…/.

                                                                                  Ngọc Xuân               

Nguồn: Tạp chí Luật sư Việt Nam số 11 – Chuyên trang về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa


  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập98
  • Hôm nay2,683
  • Tháng hiện tại72,462
  • Tổng lượt truy cập6,001,302
Văn bản pháp luật 1
Tiếp cận pháp luật
Học tập và làm theo lời bác
Văn bản pháp luật
Tài liệu xúc tiến đầu tư
Công khai tài chính
Văn bản pháp luật
Công báo tây ninh
Chung tay cải cách hành chính
Thư điện tử
trung tam tro giup phap ly
Đảng bộ tỉnh Tây Ninh
Theo dõi thi hành pháp luật
Hoi dap truc tuyen
CUNG CẤP THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Bộ pháp điển
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây