Tới nay, tôi từng hành nghề luật sư qua hai thể chế, ngót một phần ba thế kỷ thăng trầm. Đối với luật sư, tiếp cận chứng cứ vụ án là rất quan trọng, là căn cứ bênh vực khách hàng. Thường thì thân chủ muốn rằng yêu cầu mà họ đề ra được đáp ứng. Luật sư chân chính không thể chiều theo tất cả đòi hỏi của thân chủ mà cần tôn trọng sự thật khách quan phù hợp quy định pháp luật.
Luật sư chịu thử thách, gian truân. Có dư luận cho rằng luật sư phải làm dâu trăm họ (đáp ứng yêu cầu của thân chủ, các cơ quan tiến hành tố tụng, công luận…). Nhiệm vụ của luật sư là bảo vệ công lý. Trải nghiệm thách thức nhưng "lửa thử vàng, gian nan thử sức".
Bản thân tôi cũng như các luật sư đồng nghiệp mong đợi luật pháp nước nhà cần thay đổi, điều chỉnh phù hợp với thực tế cuộc sống. Bên cạnh đó, luật sư cần cập nhật kiến thức pháp luật, hội nhập với khu vực và thế giới.
Nghị quyết 08 ngày 02/01/2002 và Nghị quyết 49 ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, đã mở đường để luật sư thực hiện hiệu quả vai trò "phụ tá công lý".
Trong hoạt động nghề nghiệp, tôi không bao giờ làm ngơ trước sự "áp chế pháp lý" của cán bộ cơ quan tiến hành tố tụng. Tôi là luật sư bào chữa cho bị cáo T.T.N và bị cáo N.N.C bị Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh xét xử về hành vi "lừa đảo…", "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố gọi điện thoại chúc mừng tôi đã bào chữa thành công cho bị cáo N và bị cáo C. Phiên tòa diễn ra chừng 45 phút, Hội đồng xét xử vào phòng nghị án hội ý. Tôi chủ động đến gặp, đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận các bị hại tự nguyện miễn, giảm số tiền mà các bị cáo chiếm dụng của các bị hại. Hội đồng xét xử chấp nhận đề nghị của luật sư, hướng dẫn thư ký lập biên bản nội dung sự việc để làm căn cứ xem xét giảm nhẹ hình phạt đối với các bị cáo…
Ở vụ án khác, với tư cách luật sư bào chữa cho thân chủ, tôi kịp thời phản ứng khi những người tiến hành tố tụng tại phiên xử thiếu khách quan trong quá trình hoạt động tố tụng. Tại phiên tòa của tòa án quận, chủ tọa muốn chứng tỏ quyền lực, gây sức ép đối với luật sư khi luật sư tranh luận với đại diện viện kiểm sát bằng cách: sẽ yêu cầu Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam kỷ luật tôi vì không chấp hành việc chủ tọa muốn luật sư không đối đáp, tranh luận với kiểm sát viên nữa. Tôi phản đối! Thẩm phán chủ tọa lên tiếng tại phiên tòa: Sẽ đề nghị Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam kỷ luật luật sư. Tôi lập tức "trả miếng": Luật sư sẽ đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kỷ luật chủ tọa phiên tòa này. Có lẽ nhận ra việc hành xử không thích hợp, Thẩm phán chủ tọa đã "dĩ hòa vi quý" khi gặp tôi rút lại lời vừa "dọa"…
Luật sư tôn trọng hội đồng xét xử, nhưng cương quyết không khoan nhượng.
Tại một phiên tòa phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao (nay là tòa án nhân dân cấp cao) tại TP. Hồ Chí Minh, thẩm phán "cánh gà" phát biểu: Yêu cầu luật sư nêu ngắn gọn. Tôi lên tiếng: Theo quy định của pháp luật, chủ tọa là người điều khiển phiên tòa, thẩm phán "cánh gà" không được điều khiển phiên tòa, cản trở hoạt động của luật sư. Tôi đề nghị chủ tọa chấn chỉnh thẩm phán "cánh gà". Chủ tọa lưu ý thẩm phán "cánh gà" không được gây khó khăn đối với luật sư. Phóng viên báo chí và người tham dự phiên tòa bày tỏ sự đồng tình với luật sư.
Là luật sư, tôi mong các đồng nghiệp, nhất là các luật sư mới vào nghề cần sự bình tĩnh, ôn hòa nhưng phải có lập trường khi làm nhiệm vụ. Trong mọi hoàn cảnh, luật sư phải bản lĩnh, "uy vũ bất năng khuất"!
Luật sư chân chính luôn thể hiện sự chính trực, giữ gìn sự liêm khiết trí thức, toàn tâm toàn ý phục vụ công lý.
Nghề "thầy cãi" là nghề cao quý. Tôi tin tưởng các đồng nghiệp luôn được xã hội quý trọng.
Tôi thiết tha mong muốn giới luật sư vượt qua thử thách, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chung của dân tộc.
Nguồn: Tạp chí Luật sư Việt Nam
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn