Ngày 24 tháng 11 năm 2017, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 4 thông qua Luật Quy hoạch và Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
1. Quy hoạch là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Quy hoạch 2017, quy hoạch được định nghĩa như sau:
Quy hoạch là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ xác định để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ xác định.
2. Nghiêm cấm hành vi từ chối cung cấp thông tin về quy hoạch
Một trong những điểm nổi bật của Luật Quy hoạch 2017 là việc quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quy hoạch nhằm hạn chế tối đa các tiêu cực trong quy hoạch những năm vừa qua, gồm:
- Không công bố, công bố chậm, công bố không đầy đủ quy hoạch hoặc từ chối cung cấp thông tin về quy hoạch, trừ trường hợp thông tin thuộc bí mật nhà nước; cố ý công bố sai quy hoạch; cố ý cung cấp sai thông tin về quy hoạch; hủy hoại, làm giả hoặc làm sai lệch hồ sơ, giấy tờ, tài liệu.
- Lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch không phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch và pháp luật có liên quan.
- Lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ.
- Lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, tư vấn phản biện độc lập không đủ điều kiện về năng lực chuyên môn phù hợp với công việc đảm nhận hoặc trái với quy định của pháp luật.
- Cản trở việc tham gia ý kiến của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân.
- Thực hiện không đúng quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt.
- Can thiệp bất hợp pháp, cản trở hoạt động quy hoạch.
3. Quy hoạch không được mang tính "nhiệm kỳ"
Quy hoạch thay đổi theo nhiệm kỳ, không đồng nhất, thiếu tính kết nối đã tạo thành một lực cản cho sự phát triển của từng địa phương và cả nước. Để khắc phục những hạn chế, tại Điều 4 Luật Quy hoạch 2017 quy định trong hoạt động quy hoạch phải tuân thủ những nguyên tắc sau:
- Bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia.
- Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường.
- Bảo đảm tính nhân dân, sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân, trong đó lợi ích quốc gia là cao nhất; bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới.
- Bảo đảm tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, kết nối liên thông, dự báo, khả thi, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước; bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch, tính bảo tồn.
- Bảo đảm tính độc lập giữa cơ quan lập quy hoạch với Hội đồng thẩm định quy hoạch.
- Bảo đảm nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
Phòng PBGDPL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn