(Nguồn: http://tapchitaichinh.vn/)
Điều 9 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định định các hành vi bị nghiêm cấm sau đây:
- Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao, gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu.
- Quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức.
- Tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, trừ trường hợp quy định tại Điều 16 của Luật này.
- Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá.
- Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá.
- Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.
- Bán thuốc lá bằng máy bán thuốc lá tự động; hút, bán thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm.
- Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em.
- Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá.
Ngày 28 tháng 9 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, các hành vi vi phạm liên quan đến thuốc lá sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với các mức phạt tương ứng.
Vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá
- Đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.
- Không có chữ hoặc biểu tượng "cấm hút thuốc lá" tại địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Vi phạm quy định về bán, cung cấp thuốc lá
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Trưng bày quá một bao hoặc một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá tại đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá;
+ Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi;
+ Bán, cung cấp thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật. Trường hợp bán thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá là thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả thì thực hiện xử phạt theo quy định của pháp luật về hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ngoài phạt tiền thì Nghị định còn quy định Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh có liên quan đến hành vi vi phạm trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với các hành vi quy định nêu trên.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi và loại bỏ yếu tố vi phạm đối với thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều này. Trường hợp không loại bỏ được yếu tố vi phạm thì buộc tiêu hủy.
Người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi có hành vi sử dụng thuốc lá, sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá sẽ bị phạt như thế nào?
- Đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi có hành vi sử dụng thuốc lá sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.
- Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Hiện nay, khi đến một số quán cafe vẫn còn thấy nhân viên tiếp thị thuốc lá mời chào khách đến quán uống cafe mua thuốc lá. Hành vi tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng có bị xử phạt không?
Theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 29 Nghị định 117/2020/NĐ-CP thì hành vi Tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức sẽ bị Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Xin lưu ý, Chủ các quán cà phê để cho tổ chức, cá nhân tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng tại cơ sở thuộc quyền quản lý, điều hành của mình cũng sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
KH
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn