Quy định về đại diện theo ủy quyền trong Bộ luật Dân sự 2015

Thứ bảy - 28/11/2020 14:00

Đọc bằng audio

Đại diện là một quan hệ pháp luật, trong đó tồn tại hai bên, bao gồm bên đại diện và bên được đại diện. Bộ luật dân sự năm 2015 đã làm rõ, bên đại diện và bên được đại diện đều có thể là cá nhân hoặc pháp nhân. Trong từng trường hợp cụ thể, các cá nhân, pháp nhân vì những điều kiện, hoàn cảnh nhất định mà không thể tự mình tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự nên có thể xác lập, thực hiện thông qua người đại diện. Một lưu ý là cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó. Ngoài ra, người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện.

Để giúp cho mọi người bảo đảm quyền lợi của mình, trong pháp luật dân sự có cho phép chủ thể này ủy quyền cho chủ thể khác thay mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ hay không. Sau đây là một số "Quy định về đại diện theo ủy quyền trong Bộ luật Dân sự 2015". 

1. Thế nào là đại diện theo ủy quyền?

Đại diện theo ủy quyền là một chế định quan trọng và phổ biến trong các quan hệ dân sự. Khoản 1 Điều 138 của Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: " Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự".

Về nguyên tắc, người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập. Người từ đủ mười lăm đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.

Để được pháp luật công nhận là người đại diện theo ủy quyền thì người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện.

2. Những trường hợp đại diện theo ủy quyền

Điều 138 của Bộ luật dân sự năm 2015 quy định những trường hợp đại diện theo ủy quyền:

- Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

- Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.

- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.

3. Hậu quả pháp lý của hành vi đại diện

- Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện với người thứ ba phù hợp với phạm vi đại diện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện.

- Người đại diện có quyền xác lập, thực hiện hành vi cần thiết để đạt được mục đích của việc đại diện.

- Trường hợp người đại diện biết hoặc phải biết việc xác lập hành vi đại diện là do bị nhầm lẫn, bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép mà vẫn xác lập, thực hiện hành vi thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người được đại diện biết hoặc phải biết về việc này mà không phản đối.

4. Hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện

-  Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây:

+ Người được đại diện đồng ý;

+ Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;

+ Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện.

- Trường hợp giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch.

- Người đã giao dịch với người đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đối với phần vượt quá phạm vi đại diện hoặc toàn bộ giao dịch dân sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch hoặc trường hợp người được đại diện đồng ý.

- Trường hợp người đại diện và người giao dịch với người đại diện cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.

5. Thời hạn đại diện

- Thời hạn đại diện được xác định theo văn bản ủy quyền, theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp không xác định được thời hạn đại diện thì thời hạn đại diện được xác định như sau:

+ Nếu quyền đại diện được xác định theo giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện được tính đến thời điểm chấm dứt giao dịch dân sự đó;

+ Nếu quyền đại diện không được xác định với giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện là 01 năm, kể từ thời điểm phát sinh quyền đại diện.

6. Chấm dứt đại diện theo ủy quyền

Đại diện theo ủy quyền chấm dứt trong trường hợp sau đây:

- Theo thỏa thuận;

- Thời hạn ủy quyền đã hết;

- Công việc được ủy quyền đã hoàn thành;

- Người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền;

- Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết; người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;

- Người đại diện không còn đủ điều kiện để làm người đại diện;

- Căn cứ khác làm cho việc đại diện không thể thực hiện được.

7. Phạm vi đại diện

Người đại diện sẽ nhân danh và vì lợi ích của người được đại diện trong việc xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự. Phạm vi đại diện được hiểu là giới hạn quyền và nghĩa vụ mà theo đó người đại diện nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Theo quy định tại BLDS năm 2015, người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch trong phạm vi đại diện theo các căn cứ: Quyết định của cơ quan có thẩm quyền; Điều lệ của pháp nhân; Nội dung ủy quyền; Quy định khác của pháp luật.

Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Người đại diện phải thông báo cho bên giao dịch biết về phạm vi đại diện của mình.

8. Hưởng thù lao của bên được ủy quyền

Khoản 2 Điều 566 của Bộ luật dân sự năm 2015 quy định bên được ủy quyền được thanh toán chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc ủy quyền; hưởng thù lao, nếu có thỏa thuận.

Khoản 3 Điều 567 của Bộ luật dân sự năm 2015 quy định bên ủy quyền có nghĩa vụ thanh toán chi phí hợp lý mà bên được ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc được ủy quyền; trả thù lao cho bên được ủy quyền, nếu có thỏa thuận về việc trả thù lao.

Như vậy, bên được ủy quyền có quyền hưởng thù lao từ bên ủy quyền sau khi kết thúc công việc ủy quyền nếu hai bên đã có thỏa thuận về việc trả thù lao.

LG. Kim Hương



  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm12
  • Hôm nay684
  • Tháng hiện tại42,941
  • Tổng lượt truy cập5,860,413
Văn bản pháp luật 1
Tiếp cận pháp luật
Học tập và làm theo lời bác
Văn bản pháp luật
Tài liệu xúc tiến đầu tư
Công khai tài chính
Văn bản pháp luật
Công báo tây ninh
Chung tay cải cách hành chính
Thư điện tử
trung tam tro giup phap ly
Đảng bộ tỉnh Tây Ninh
Theo dõi thi hành pháp luật
Hoi dap truc tuyen
CUNG CẤP THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Bộ pháp điển
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây