Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tây Ninh đã giữ lại được lối đi cho người được trợ giúp pháp lý

Thứ ba - 31/05/2022 16:48

Đọc bằng audio

Giải quyết tranh chấp lối đi chung là một vấn đề rất phức tạp và có ảnh hưởng đến nhiều người, Điều 254 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ. Tuy nhiên, qua nhiều sự việc xảy ra trong cuộc sống thực tế thì vấn đề về giải quyết tranh chấp lối đi chung rất khó thương lượng, hòa giải với nhau mà chỉ có thể giải quyết bằng khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lối đi chung.

Ngày 13/4/2022, Tòa án nhân dân huyện Châu Thành đã mở phiên tòa xét xử sở thẩm dân sự vụ án “tranh chấp quyền về lối đi qua; xác định lối đi chung” giữa nguyên đơn anh N.T.T với bị đơn là bà Nguyễn Thị Phượng, sinh năm 1935. Do bà Phượng là người cao tuổi có khó khăn về tài chính nên đã được Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tây Ninh phân công Luật sư Nguyễn Hữu Lộc là Luật sư thực hiện TGPL của Trung tâm tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Phượng.

Nguyên đơn anh T trình bày, nguồn gốc đất có lối đi đang tranh chấp này do cha mẹ anh nhận chuyển nhượng từ lâu, từ khi anh sinh ra và lớn lên thì đã thấy có lối đi này. Tuy nhiên, thực chất, phần lối đi này thuộc quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng của anh, gia đình anh để cho hộ nhà bà Phượng, hộ nhà anh Danh đi từ trước đến nay. Do phía nhà bà Phượng, anh Danh sử dụng phần diện tích đất của anh làm lối đi nhưng anh Danh lại có thái độ không tốt, gây sự với gia đình anh và cho rằng đây là lối đi chung khiến anh bức xúc. Vì thế, nay anh khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà Phượng không được sử dụng phần diện tích đất đang tranh chấp làm lối đi chung vì đây là diện tích đất thuộc quyền sử dụng của anh. Anh T xác định hộ nhà bà Phượng, anh Danh không còn lối đi nào khác nhưng phải tự thỏa thuận mở lối đi khác chứ không được đi qua phần diện tích đất đang tranh chấp.

Bà Nguyễn Thị Phượng yêu cầu phản tố đề nghị Tòa án nhân dân huyện Châu Thành xác định phần diện tích đất đang tranh chấp là lối đi chung đã có từ trước.

Qua kết quả xem xét thẩm định cũng như lời khai thống nhất giữa các đương sự trong vụ án thể hiện quyền sử dụng đất do ông Danh và bà Phượng sở hữu là hai bất động bị vây bọc, theo đó, để đi ra đường công cộng, hộ nhà bà Phượng và hộ nhà ông Danh ngoài sử dụng lối đi hiện tại (đang tranh chấp) thì không có lối đi nào khác. Lối đi đang tranh chấp được các bên sử dụng ổn định và lâu dài từ trước đến nay, cùng nhau tu sữa, tôn tạo để đảm bảo việc đi lại, vận chuyển được dễ dàng. Điều này thể hiện sự tồn tại của lối đi là hết sức cần thiết, thuận tiện và phục vụ cho nhu cầu đi lại thiết yếu của các bên, đặc biệt là hộ nhà bà Phượng và hộ nhà ông Danh. Bên cạnh đó, tranh chấp hiện tại phát sinh từ mâu thuẫn cá nhân giữa các bên, cho thấy việc sử dụng lối đi chưa gây ra các vấn đề thiệt hại nào dẫn đến phát sinh tranh chấp.

Ông Nguyễn Hữu Lộc – Luật sư thực hiện TGPL tham gia phiên tòa đã trình bày những luận cứ quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Nguyễn Thị Phượng, bị đơn trọng vụ án này. Cụ thể, theo Luật sư Lộc trình bày thì phần diện tích khu đất tranh chấp được anh T và mẹ anh T là bà N.T.S thừa nhận là lối đi chung đã sử dụng ổn định từ trước đến nay. Bà S khai trong hồ sơ vụ án khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ bà Ba Nang là Bà “mua mớ” không xác định diện tích cụ thể là bao nhiêu và S nhn chuyển nhượng quyền sử dụng đất 2 lần, lần đầu mua ở phía sau, nhưng bà vẫn có lối đi ra ngoài đường Quốc lộ 22B và Bà S đi ra cũng bằng con đường mà anh T đang tranh chấp với Bà Phượng. Và theo xác nhận của chính quyền địa phương thể hiện con đường đã có từ lâu, khi bà S làm thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đất tăng từ 1170 m2 lên thành 1508,7 m2 nhưng cán bộ địa chính xác định đây là sai số là không phù hợp. Ngoài ra diện tích đất tranh chấp nằm ngoài cổng rào phần đất anh T đang sử dụng. Điều này thể hiện qua bản ảnh có trong hồ sơ mà anh T thừa nhận cổng rào và hàng rào trong bản ảnh là do gia đình anh rào và làm cổng rào.

Và theo kết quả xác minh nguồn gốc hình thành và sự tồn tại của lối đi đang tranh chấp trong những người dân sinh sống từ lâu ở địa phương đều thể hiện: lối đi này là một phần của lối đi đã hình thành từ trước năm 1975, trước đây lối đi này kéo dài từ quốc lộ 22B ra đến bờ đê p chiến lược cũ từ thời điểm trước giải phóng, các hộ dân đã sử dụng lối đi này để đi qua lại. Bên cạnh đó, theo lời trình bày của đại diện chính quyền địa phương xã Đồng Khởi thể hiện chính quyền địa phương xác định biết rõ trên thực tế, các hộ nhà anh T; anh Danh và bà Phượng đã cùng sử dụng phần lối đi tranh chấp này làm nó đi chung từ xưa đến nay.

Như vậy việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh T không thể hiện lối đi chung là chưa phù hợp với hiện trạng đất được sử dụng, nhất là qua việc trình bày giải thích về việc tăng diện tích đất là do sai số trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà S trước đây và cũng như cho anh T vừa qua là hoàn toàn không có cơ sở và không phù hợp với quá trình sử dụng của hanh T, cũng hiện trạng phần diện tích đất là gia đình anh T sử dụng từ trước cho đến nay.

Từ những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và trên những phân tích, lập luận, Luật sư Lộc đề nghị Hội đồng xét xử tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh T đối với bà Nguyễn Thị Phượng; xem xét chấp nhận yêu cầu phản tố của bà Nguyễn Thị Phượng đối với anh T về xác định lối đi chung, xác nhận phần lối đi chung diện tích 20m2 có tứ cận đông giáp đất anh T, dài 4.7m; tây giáp đất bà Nguyễn Thị Phượng, dài 6.9m; nam giáp đất anh T, dài 3.1m; bắc giáp đường xe công cộng, dài 4.2m, đất tọa lạc tại ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.

Căn cứ Điều 26, 157, 165, 200, 201, 228 Bộ luật Tố tụng Dân sự; Điều 254 Bộ luật dân sự; Điều 106, 171 Luật Đất đai và chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân huyện Châu Thành không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh T đối với bà Nguyễn Thị Phương; chấp nhận yêu cầu phản tố của bà Nguyễn Thị Phượng đối với anh T về xác định lối đi chung, xác nhận phần lối đi chung diện tích 20m2, giữ nguyên hiện trạng, điều chỉnh phần diện tích đất tranh chấp 20 m2 (trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của anh T) thành đường đi công cộng.

Vụ việc bảo vệ tranh chấp về lối đi chung thành công đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Nguyễn Thị Phượng, thuộc diện người được TGPL. Qua đó càng thể hiện được tính nhân văn của chính sách TGPL mà Nhà nước ta đang thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật./.

                                                                            Ngọc Linh

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập163
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm160
  • Hôm nay8,390
  • Tháng hiện tại25,485
  • Tổng lượt truy cập5,728,892
Văn bản pháp luật 1
Tiếp cận pháp luật
Học tập và làm theo lời bác
Văn bản pháp luật
Tài liệu xúc tiến đầu tư
Công khai tài chính
Văn bản pháp luật
Công báo tây ninh
Chung tay cải cách hành chính
Thư điện tử
trung tam tro giup phap ly
Đảng bộ tỉnh Tây Ninh
Theo dõi thi hành pháp luật
Hoi dap truc tuyen
CUNG CẤP THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Bộ pháp điển
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây