Theo đó, mục tiêu của Đề án tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động công chứng là việc phát triển nghề công chứng trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo ổn định, bền vững nhằm tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tiếp cận dịch vụ công chứng, bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức; đổi mới hoạt động công chứng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cải cách tư pháp, đưa hoạt động công chứng của tỉnh nhà ngày càng phát triển và có định hướng cụ thể, rõ ràng. Đề án tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất: Việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng phải có kiểm soát, gắn với địa bàn dân cư, bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức; không tập trung nhiều tổ chức hành nghề công chứng trên cùng một địa bàn cấp huyện; tiếp tục đổi mới các Phòng công chứng bảo đảm tinh gọn, đảm bảo năng lực tự chủ, hoạt động có hiệu quả, giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ công chứng tại địa phương để phục vụ nhiệm vụ chính trị, công tác quản lý nhà nước.
Thứ hai: Phát triển đội ngũ công chứng viên có chất lượng, số lượng phù hợp với nhu cầu xã hội, gắn việc bảo đảm quyền hành nghề của công chứng viên với việc chịu trách nhiện trước pháp luật và người yêu cầu công chứng.
Thứ ba: Khuyến khích cá nhân, tổ chức thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch để đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, góp phần giảm tải công việc của các cơ quan hành chính, giảm biên chế và giảm chi ngân sách nhà nước.
Thứ tư: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động công chứng, bảo đảm vai trò định hướng, gắn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về công chứng với việc kiểm soát, phát triển tổ chức hành nghề công chứng; chuẩn hóa quy trình, thủ tục công chứng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng; nâng cao trách nhiệm phối hợp của các cơ quan có liên quan trong việc chia sẻ thông tin, liên thông các thủ tục hành chính; đấu tranh phòng, chống tội phạm, lợi dụng công chứng để hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp; phát huy vai trò tự quản của Hội công chứng viên tỉnh trong việc đấu tranh các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp công chứng.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, Đề án đưa ra nhiều giải pháp cụ thể về phát triển tổ chức hành nghề công chứng; về hoạt động của đội ngũ công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng; tăng cường vai trò, trách nhiệm tự quản của Hội công chứng viên tỉnh và tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Sở Tư pháp và Hội công chứng viên tỉnh.
Để đảm bảo việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp của Đề án, Ủy ban nhân tỉnh giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các nội dung của Đề án tại địa phương./.
KIM HUỆ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn