Quy định về chế tài hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh

Thứ ba - 24/03/2020 15:00

Đọc bằng audio

 ĐỊNH VỀ

Quy định về chế tài hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống
dịch bệnh

 

1. Hỏi: Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm?

Trả lời:

Điều 8 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 nghiêm cấm các hành vi sau đây:

- Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

- Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

- Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

- Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.

- Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.

- Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.

- Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

2. Hỏi: Việc tổ chức cách ly y tế được quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 49 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định tổ chức cách ly y tế như sau:

- Người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly.

- Hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác.

- Cơ sở y tế trong vùng có dịch chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cách ly theo chỉ đạo của Trưởng ban chỉ đạo chống dịch. Trường hợp các đối tượng quy định nêu trên không thực hiện yêu cầu cách ly của cơ sở y tế thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định của Chính phủ.

3. Hỏi: Cách ly y tế là gì?

Trả lời:

Khoản 16 Điều 2 Luật Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định: Cách ly y tế là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh.

4. Hỏi: Người có hành vi che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Người có hành vi che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì sẽ bị phạt tiền từ  500.000 đồng đến 01 triệu đồng (khoản 2 Điều 6 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế).

5. Hỏi: Việc chống đối áp dụng việc cách ly hoặc trốn tránh thực hiện cách ly thì bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Việc không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm của cơ quan chức năng đều sẽ bị xử lý tùy vào tính chất, mức độ vi phạm.

Theo Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế , hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Người vi phạm sẽ bị áp dụng biện pháp buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.

Ngoài ra người có hành vi trốn tránh cách ly y tế mà mang mầm bệnh, lây lan cho người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác theo Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. 

Tùy theo mức độ gây thiệt hại, người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 12 năm và có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng.

6. Hỏi: Đối với trường hợp tráo đổi người đi cách ly thay người phải bị cách ly bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Đối với trường hợp tráo đổi người đi cách ly thay người phải bị cách ly thì đây được xem là hành vi không chấp hành yêu cầu cách ly y tế của cơ quan chức năng và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong việc khai báo gian dối như người nhờ đi cách ly thay theo quy định tại Điều 10 của Nghị định 176/2013/NĐ-CP với mức xử phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng. 

7. Hỏi: Hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

- Người cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (điểm a khoản 3 Điều 64 Nghị định số  174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện).

Đối với trường hợp cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP). Ngày 03/2/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; có hiệu lực thi hành từ 15/4/2020 và thay thế Nghị định số 174/2013/NĐ-CP.

- Người có hành vi trên gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội thì tùy tính chất và mức độ nguy hiểm sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông với mức phạt tù đến 07 năm.

8. Hỏi: Biện pháp phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 31 Luật Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định biện pháp phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như sau:

- Cách ly người mắc bệnh truyền nhiễm.

- Diệt khuẩn, khử trùng môi trường và xử lý chất thải tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Phòng hộ cá nhân, vệ sinh cá nhân.

- Các biện pháp chuyên môn khác theo quy định của pháp luật.

8. Hỏi: Luật quy định nội dung giám sát bệnh truyền nhiễm như thế nào?

Trả lời:

Điều 34 Luật Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định  trách nhiệm của người bệnh, người nhà người bệnh trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như sau:

- Người bệnh có trách nhiệm:

+ Khai báo trung thực diễn biến bệnh;

+ Tuân thủ chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

+ Đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A ngay sau khi xuất viện phải đăng ký theo dõi sức khỏe với y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

- Người nhà người bệnh có trách nhiệm thực hiện chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập24
  • Máy chủ tìm kiếm12
  • Khách viếng thăm12
  • Hôm nay2,902
  • Tháng hiện tại104,429
  • Tổng lượt truy cập5,530,625
Văn bản pháp luật 1
Tiếp cận pháp luật
Học tập và làm theo lời bác
Văn bản pháp luật
Tài liệu xúc tiến đầu tư
Công khai tài chính
Văn bản pháp luật
Công báo tây ninh
Chung tay cải cách hành chính
Thư điện tử
trung tam tro giup phap ly
Đảng bộ tỉnh Tây Ninh
Theo dõi thi hành pháp luật
Hoi dap truc tuyen
CUNG CẤP THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Bộ pháp điển
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây