Câu 1: Ngày bầu cử được quy định như thế nào? Trong trường hợp nào thì hoãn ngày bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu sớm hơn ngày quy định? Ai có quyền quyết định?
Trả lời:
Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định ngày bầu cử phải là ngày Chủ nhật và được công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử. Ngày bầu cử do Quốc hội ấn định. Quốc hội khóa XIII đã giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội công bố ngày bầu cử đại biểu quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là Chủ nhật, ngày 22 tháng 5 năm 2016.
Trường hợp đặc biệt cần hoãn ngày bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu sớm hơn ngày quy định thì Ủy ban bầu cử trình Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định.
Câu 2: Việc bỏ phiếu được bắt đầu và kết thúc khi nào? Việc bỏ phiếu có thể bắt đầu sớm và kết thúc sớm hoặc muộn hơn không? Ai có quyền quyết định?
Trả lời:
Việc bỏ phiếu bắt đầu từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5 giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 9 giờ tối cùng ngày.
Câu 3: Các địa điểm bỏ phiếu (phòng bỏ phiếu) bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được trang trí, tổ chức như thế nào?
Trả lời:
Địa điểm bỏ phiếu được bố trí ở những nơi công cộng, như trụ sở Ủy ban nhân dân, trường học, câu lạc bộ, những nơi trung tâm,... thuận tiện cho cử tri cũng như thuận lợi cho việc bố trí các trang thiết bị phục vụ cho cuộc bầu cử.
Các địa điểm bỏ phiếu cần được trang trí trang nghiêm, thống nhất, bảo đảm tiết kiệm. Ngoài việc trang trí cờ, biểu ngữ... mỗi nơi bỏ phiếu cần có những trang bị thiết yếu như hòm phiếu, bàn ghế, bút, mực... có Nội quy phòng bỏ phiếu, danh sách cử tri, các phòng kín đủ ánh sáng để cử tri thực hiện việc ghi phiếu. Tổ bầu cử có nhiệm vụ bố trí phòng bỏ phiếu.
Câu 4: Nội quy phòng bỏ phiếu được quy định như thế nào?
Trả lời:
Để cho cuộc bầu cử đạt kết quả, bảo đảm dân chủ, hợp pháp của cuộc bầu cử và bảo đảm trật tự, an toàn, nhất là trong ngày bỏ phiếu, các tổ chức phụ trách bầu cử và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và những văn bản pháp luật về bầu cử. Ngoài ra, mọi người đều phải tuân theo nội quy của phòng bỏ phiếu.
Nội quy phòng bỏ phiếu do Hội đồng bầu cử quốc gia quy định.
Nội quy phòng bỏ phiếu căn cứ vào: Các quy định của Luật bầu cử; Các quy định về bảo đảm an toàn, trị an khu dân cư, nơi công cộng; Các quy định về phòng cháy, chữa cháy; Các quy định hướng dẫn cách bỏ phiếu.
Câu 5: Trước khi bỏ phiếu, Tổ bầu cử có phải kiểm tra hòm phiếu trước sự chứng kiến của cử tri không?
Trả lời:
Trước khi bỏ phiếu, Tổ bầu cử phải kiểm tra hòm phiếu trước sự chứng kiến của cử tri để bảo đảm tính công khai, khách quan và thực hiện nguyên tắc nhân dân kiểm tra. Đây cũng là hình thức để cử tri trực tiếp giám sát cuộc bầu cử.
Đúng 7 giờ sáng hoặc đúng giờ quy định, Tổ trưởng Tổ bầu cử mời đại diện những cử tri có mặt tại phòng bỏ phiếu chứng kiến việc kiểm tra hòm phiếu. Sau khi kiểm tra hòm phiếu (không có gì ở trong), hòm phiếu được niêm phong bằng giấy có đóng dấu của Tổ bầu cử, thì cuộc bỏ phiếu mới được bắt đầu. Trường hợp hòm phiếu có khóa thì Tổ trưởng khóa lại và phải niêm phong.
Câu 6: Cử tri có được bầu cử thay không?
Trả lời:
Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định về nguyên tắc bỏ phiếu như sau: Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân.
Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
Câu 7: Người không tự mình viết được phiếu bầu có được nhờ người khác viết hộ hay không?
Trả lời:
Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì được nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử.
Câu 8: Việc đóng dấu “đã bỏ phiếu” vào Thẻ cử tri được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào Thẻ cử tri.
Câu 9: Hòm phiếu phụ là gì? Trong trường hợp nào thì dùng hòm phiếu phụ?
Trả lời:
Hòm phiếu phụ là hòm phiếu dự phòng và có thể được di chuyển ra khỏi phòng bỏ phiếu. Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
Câu 10: Việc kiểm phiếu được tiến hành như thế nào? Những ai được chứng kiến việc kiểm phiếu?
Trả lời:
Việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc.
Trước khi mở hòm phiếu, Tổ bầu cử phải thống kê, lập biên bản, niêm phong số phiếu bầu không sử dụng đến và mời hai cử tri không phải là người ứng cử chứng kiến việc kiểm phiếu.
Người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm có quyền chứng kiến việc kiểm phiếu và khiếu nại về việc kiểm phiếu. Các phóng viên báo chí được chứng kiến việc kiểm phiếu.
Câu 11: Những phiếu bầu cử nào là phiếu hợp lệ?
Trả lời:
Phiếu bầu cử hợp lệ là:
- Phiếu bầu theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra;
- Phiếu có đóng dấu của Tổ bầu cử;
- Phiếu bầu đủ hoặc ít hơn số đại biểu đã ấn định cho đơn vị bầu cử.
Câu 12: Những phiếu bầu cử nào là phiếu không hợp lệ?
Trả lời:
Những phiếu bầu cử không hợp lệ là:
- Phiếu không theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra;
- Phiếu không có dấu của Tổ bầu cử;
- Phiếu để số người được bầu nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử;
- Phiếu gạch xóa hết họ, tên tất cả những người ứng cử; phiếu ghi thêm tên người ngoài danh sách những người ứng cử hoặc phiếu có ghi thêm nội dung khác.
Trường hợp có phiếu bầu được cho là không hợp lệ thì Tổ trưởng Tổ bầu cử đưa ra để toàn Tổ xem xét, quyết định. Tổ bầu cử không được gạch xóa hoặc sửa các tên ghi trên phiếu bầu.
Câu 13: Các khiếu nại tại chỗ về việc kiểm phiếu được giải quyết như thế nào?
Trả lời:
Những khiếu nại, tố cáo tại chỗ về những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc kiểm phiếu do Tổ bầu cử nhận, giải quyết và ghi nội dung giải quyết vào biên bản.
Trong trường hợp Tổ bầu cử không giải quyết được thì phải ghi rõ ý kiến của Tổ bầu cử vào biên bản giải quyết khiếu nại, tố cáo và chuyển đến Ban bầu cử.
Câu 14: Nguyên tắc xác định người trúng cử được quy định như thế nào?
Trả lời:
Nguyên tắc xác định người trúng cử được xác định:
1. Kết quả bầu cử được tính trên số phiếu bầu hợp lệ và chỉ được công nhận khi đã có quá một nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri tại đơn vị bầu cử tham gia bầu cử, trừ trường hợp bầu cử lại mà số cử tri đi bầu cử vẫn chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri thì kết quả bầu cử lại được công nhận mà không tổ chức bầu cử lại lần thứ hai.
2. Người trúng cử phải là người ứng cử đạt số phiếu bầu quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ.
3. Trường hợp số người ứng cử đạt số phiếu bầu quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ nhiều hơn số lượng đại biểu mà đơn vị bầu cử được bầu thì những người trúng cử là những người có số phiếu bầu cao hơn.
4. Trường hợp cuối danh sách trúng cử có nhiều người được số phiếu bầu bằng nhau và nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì người nhiều tuổi hơn là người trúng cử.
Câu 15: Việc công bố kết quả bầu cử, danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được tiến hành như thế nào?
Trả lời:
Ủy ban bầu cử cấp tỉnh căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chậm nhất là 10 ngày sau ngày bầu cử.
Ủy ban bầu cử cấp huyện căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện chậm nhất là 10 ngày sau ngày bầu cử.
Ủy ban bầu cử cấp xã căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã chậm nhất là 10 ngày sau ngày bầu cử.
Câu 16: Thời hạn giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử được quy định như thế nào?
Trả lời:
Khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội phải được gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội. Khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải được gửi đến Ủy ban bầu cử chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày công bố kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Hội đồng bầu cử quốc gia có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Ủy ban bầu cử có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.
Quyết định giải quyết khiếu nại của Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử là quyết định cuối cùng.
Câu 17: Sau khi kiểm phiếu xong, biên bản kiểm phiếu, phiếu bầu cử và các phương tiện khác được giao cho cơ quan nào?
Trả lời:
Sau khi kiểm phiếu xong, Tổ bầu cử phải làm biên bản kết quả kiểm phiếu. Biên bản kiểm phiếu phải được lập thành 3 bản, có chữ ký của Tổ trưởng, Thư ký và hai cử tri được mời chứng kiến việc kiểm phiếu. Biên bản kiểm phiếu được gửi đến Ban bầu cử và Ủy ban nhân dân, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn chậm nhất là ba ngày sau ngày bầu cử.
Tổ bầu cử giao biên bản kết quả kiểm phiếu và toàn bộ phiếu bầu cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Cụ thể là, sau khi Hội đồng bầu cử công bố kết quả bầu cử trong cả nước thì Tổ bầu cử có trách nhiệm giao toàn bộ phiếu bầu, con dấu của Tổ bầu cử, hòm phiếu và các phương tiện, tài liệu khác có liên quan đến bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để lưu trữ, bảo quản theo quy định của pháp luật.
Câu 18: Thẻ cử tri sau khi công dân đã bỏ phiếu xong thì xử lý như thế nào?
Trả lời:
Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào Thẻ cử tri. Cử tri được quyền giữ Thẻ cử tri của mình.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn