Kết quả 10 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ năm - 08/12/2022 08:19

Đọc bằng audio

Qua 10 năm triển khai thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật theo quy định của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả như sau[1]:

- Công tác chỉ đạo, lãnh đạo về theo dõi thi hành pháp luật hàng năm: Công tác theo dõi thi hành pháp luật (TDTHPL) là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo cho pháp luật được thực thi một cách nghiêm minh, đi sâu vào thực tiễn của đời sống xã hội nên trong 10 năm triển khai thực hiện Nghị định 59/2012/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 32/2020/NĐ-CP) (sau đây viết tắt là Nghị định 59/2012/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung), UBND tỉnh đã ban hành 12 văn bản để chỉ đạo, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ, hiệu quả các hoạt động TDTHPL. Qua đó, đã chỉ đạo, lãnh đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác TDTHPL đến cơ sở thống nhất, đồng bộ trong phạm vi ngành, địa phương mình quản lý.

- Công tác xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai: Việc triển khai thực hiện các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật tại địa phương là một trong những nhiệm vụ được lãnh đạo tỉnh quan tâm thực hiện. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành 17 văn bản gồm kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật và kế hoạch triển khai “Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018-2022” trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở các kế hoạch, việc theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm theo lĩnh vực trọng tâm liên ngành, lĩnh vực trọng tâm của tỉnh. Trong 10 năm qua, tỉnh Tây Ninh đã tiến hành theo dõi 30 lĩnh vực trọng tâm liên ngành, trọng tâm của tỉnh.

- Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Trên cơ sở Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP; Thông tư số 04/2021/TT-BTP ngày 21/6/2021 của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh đang tiến hành các bước để ban hành Quy chế phối hợp trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (thay thế Quyết định số 3258/QĐ-UBND) để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và tình hình thực tế địa phương. Quyết định ban hành Quy chế là văn bản quy phạm pháp luật.

- Tình hình quán triệt, phổ biến Nghị định số 59/2012/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành

Các cấp, ngành đã phối hợp tổ chức được 223.814 cuộc tuyên truyền pháp luật cho 8.970.881 học sinh, người lao động và nhân dân tham dự. Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh đã thực hiện trợ giúp được 5.945 vụ cho 6.034 đối tượng; Hội Luật gia các cấp thực hiện tư vấn pháp luật được 2.896 vụ; các Văn phòng Luật sư thực hiện tư vấn pháp luật được 1.933 vụ. Hoạt động biên soạn và phát hành tài liệu tuyên truyền pháp luật được các cấp, ngành triển khai thực hiện dưới các hình thức như Nội san, Tờ tin ngành, sổ tay hỏi – đáp pháp luật, đề cương giới thiệu luật... Trong 10 năm qua, đã phát hành 5.247.972 tài liệu tuyên truyền pháp luật, trong đó, nổi bật là phát hành 72.000 tờ gấp pháp luật; 14.200 tờ bướm; 1.515 đĩa CD, 1.000 quạt, 100 thư ngỏ, 50 móc khóa… tuyên truyền pháp luật. Thực hiện 230 chương trình, với thời lượng 10 phút/chương trình; trên 500 tin tuyên truyền trên Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, cụ thể: Chương trình Pháp luật với Cuộc sống:100 chương trình; Chương trình Hộp thư truyền hình:10 chương trình; Chương trình Giới thiệu văn bản pháp luật: tổng cộng 120 chương trình; Thông tin tuyên truyền: trên 500 tin, bài, phóng sự; Chương trình Thấu lý Thấm tình, được phát trên sóng truyền hình hàng ngày từ năm 2021. Báo Tây Ninh đã đăng tải được 325 văn bản pháp luật; chuyển cơ quan chức năng trả lời trên Báo Tây Ninh 478/ 756 đơn thư khiếu nại, tố cáo, thắc mắc, phản ánh của người dân về các lĩnh vực pháp luật; tư vấn 285 tình huống pháp luật; trả lời 207 nội dung hỏi về pháp luật; đưa ra 92 tình huống pháp lý thu hút 554 ý kiến tranh luận; đăng tải 1.267 bài viết; thực hiện 105 chương trình “Gặp gỡ Luật sư”, “Tư vấn pháp luật”, “Pháp luật với đời sống”…

- Tình hình tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động

Hằng năm, UBND tỉnh tổ chức triển khai, tập huấn các nội dung của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP đã được sửa đổi bổ sung và các văn bản có liên quan cho các đối tượng là công chức tham mưu công tác theo dõi thi hành pháp luật tại các sở, ban, ngành tỉnh; Phòng Tư pháp và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phổ, đã thực hiện và đạt kết quả cụ thể như sau: Đăng tải toàn văn các tài liệu tại mục “VĂN BẢN PHÁP QUY” trên website thông tin Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh (địa chỉ: https://sotuphap.tayninh.gov.vn) và trang thông tin “Theo dõi thi hành pháp luật” trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh (địa chỉ: http//theodoithpl.tayninh.gov.vn); gửi tài liệu qua Zalo cá nhân, Zalo nhóm của cơ quan, đơn vị để cá nhân tự nghiên cứu, tìm hiểu; Đăng tải nội dung các văn bản pháp luật trên Cổng thông tin của huyện, các trang mạng xã hội facebook, zalo: 189 lượt với hơn 10.586 lượt truy cập; triển khai trong cuộc họp, hội nghị trực tuyến.

- Về đánh giá những kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế và nguyên nhân của những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành

Trong thời gian 10 năm triển khai thực hiện, công tác TDTHPL bước đầu đạt được một số kết quả nổi bật, cụ thể như sau:

+ Công tác TDTHPL tại tỉnh Tây Ninh được triển khai khách quan, công khai, có trọng tậm, trọng điểm, kết hợp thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo lĩnh vực và theo địa bàn. Thông qua công tác TDTHPL phát hiện và chỉ ra những quy định pháp luật không đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và tính khả thi; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cũng như mức độ tuân thủ pháp luật của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên các lĩnh vực theo nhiệm vụ chuyên môn được giao. Qua đó, có những đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật phù hợp với thực tiễn góp phần nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện pháp luật tại địa phương.

+ Hằng năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đều thành lập đoàn kiểm tra tình hình thi hành pháp luật lĩnh vực trọng tâm liên ngành gồm các ngành liên quan đến lĩnh vực trọng tâm theo dõi được chọn trong năm, mỗi năm kiểm tra từ 6 đến 7 đơn vị. Qua công tác kiểm tra kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật tại địa phương, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn; xử lý các vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là hành vi vi phạm trong các lĩnh vực trọng tâm liên ngành. Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát, tổng hợp các tồn tại, vướng mắc, chồng chéo của các văn bản quy phạm pháp luật kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

+ Tiến hành hoạt động điều tra, khảo sát tình hình THPL trên địa bàn tỉnh bằng hình thức phát Phiếu khảo sát. Qua kết quả điều tra, khảo sát giúp tỉnh thu thập thông tin tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh nói chung và tình hình thi hành pháp luật lĩnh vực trọng tâm liên ngành.

- Năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tư pháp và Sở Thông tin và truyền thông xây dựng, quản lý, cập nhật thông tin trên trang thông tin “Theo dõi tình hình thi hành pháp luật tỉnh Tây Ninh”. Qua đó kịp thời triển khai, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật về theo dõi thi hành pháp luật; các hoạt động theo dõi của tỉnh. Năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp biên soạn và phát hành 150 tài liệu nghiệp vụ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Qua đó đã tháo gỡ phần nào những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo các nội dung quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 14/2014/TT-BTP của Bộ Tư pháp trong quá trình tổ chức thực hiện đối với các văn bản QPPL thuộc lĩnh vực này.

Bên cạnh kết quả đạt được cũng còn những bất cập trong tổ chức thực hiện các nội dung quy định của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, đó là:

- Về việc xây dựng và tổ chức thực hiện các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật: Một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến công tác theo dõi thi hành pháp luật nên các hoạt động theo dõi chưa sâu sát, chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nội dung báo cáo của một số cơ quan, đơn vị chưa theo sát đề cương hướng dẫn, nội dung báo cáo còn sơ sài, chưa đảm bảo chất lượng và đôi lúc chưa kịp thời theo quy định, làm khó khăn cho việc tổng hợp báo cáo.

- Về  tổ chức, biên chế: Tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh: Mặt dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, Nghị định số 24/2014/NĐ-CP, Nghị định số 107/2020/NĐ-CP để quy định nhiệm vụ TDTHPL cho các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp; tại thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh cũng quy định nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Tuy nhiên hiện nay do địa phương thực hiện tinh giảm biên chế nên không thành lập Phòng pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; chỉ phân công cán bộ, công chức kiêm nhiệm làm công tác TDTHPL trong tổng số biên chế hiện có của cơ quan. Tại cấp huyện, công tác TDTHPL do Phòng Tư pháp tham mưu thực hiện. Số lượng công việc được giao hiện nay cho các phòng Tư pháp ngày càng nhiều mà biên chế lại không được giao tăng thêm, không có biên chế chuyên trách cho công tác này và thường xuyên thay đổi hoặc chuyển đổi vị trí công tác nên công chức làm công tác TDTHPL không có thời gian đầu tư nghiên cứu chuyên sâu để nâng cao hiệu quả công tác.

- Về điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật: Việc điều tra khảo sát được xem như là một trong những công cụ góp phần đánh giá, kiểm chứng hiệu quả của công tác theo dõi thi hành pháp luật tại địa phương. Dựa trên kết quả điều tra, khảo sát để nắm được số liệu cụ thể các vấn đề cần quan tâm từ đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thi hành pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế khi thực hiện hoạt động này, đội ngũ công chức tại địa phương thường lúng túng, chưa nghiên cứu sâu các văn bản pháp luật liên quan nên kết quả điều tra, khảo sát còn có nội dung chưa đạt theo yêu cầu.

- Một số khó khăn khác: Trong thời gian qua, nội dung tập huấn do Bộ Tư pháp thực hiện chủ yếu tập trung vào hoạt động xây dựng kế hoạch, kiểm tra báo cáo định kỳ công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Đối với các hoạt động khác như thu thập thông tin, điều tra, khảo sát, xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật thì chưa được tập huấn thường xuyên. Do đó, khi thực hiện các hoạt động này, địa phương thường lúng túng, thực hiện hiệu quả không cao. 

- Nguyên nhân của những bất cập, hạn chế

+ Một là: Vị trí, tầm quan trọng và nội dung của công tác TDTHTHPL vẫn chưa được nhìn nhận, nghiên cứu nghiêm túc, thấu đáo, đầy đủ. Một số ngành, địa phương còn xem đây là nhiệm vụ riêng của ngành Tư pháp nên chưa quan tâm đầu tư nhân lực, kinh phí cho công tác TDTHTHPL.

+ Hai là: Đội ngũ pháp chế[2] của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đa số là kiêm nhiệm; chưa được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về công tác này, thường xuyên thay đổi; chưa có nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra, sự phối hợp giữa công chức làm công tác pháp chế với các phòng, đơn vị thuộc Sở khi thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật chưa được thường xuyên, chưa phát huy được vai trò của công chức pháp chế khi tham mưu Lãnh đạo đơn vị thực hiện các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật. Điều này dẫn đến chất lượng, hiệu quả các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật chưa cao.

+ Ba là: Kết quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật chưa phản ánh đúng mức những khó khăn, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật, chưa có những đề xuất, giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả thi hành và hoàn thiện thể chế pháp luật.

+ Bốn là: Việc tập huấn chuyên sâu công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật chưa được Bộ Tư pháp thực hiện thường xuyên, và mỗi năm theo dõi mỗi lĩnh vực trọng tâm khác nhau, do đó chưa kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong quá trình thực hiện.

- Đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung những nội dung của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và các văn bản pháp luật khác có liên quan như sau:

+ Đối với Chính phủ: Để nâng cao vị trí, tầm quan trọng của công tác TDTHTHPL ngang tầm với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật kiến nghị Chính phủ sớm thông qua việc nghiên cứu trình Quốc Hội thông qua Luật theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

+ Đối với Bộ ngành: Đối với Bộ Tư pháp thường xuyên tổ chức các hội nghị tọa đàm, tập huấn để các địa phương được trao đổi, học tập kinh nghiệm trong việc tiến hành các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật; sớm hướng dẫn nội dung đánh giá tác động tích cực, tác động tiêu cực của việc thi hành các quy định của pháp luật đối với đời sống kinh tế, xã hội. Đối với Bộ Tài chính sớm ban hành quy định hướng dẫn nội dung chi, mức chi riêng cho các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật để địa phương thực hiện thống nhất./

THU HỒNG- PHÒNG XDPBPL

 

[1] Báo cáo số 390/BC-UBND ngày 14/10/2022.

[2] Phụ trách tham mưu công tác theo dõi thi hành pháp luật tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.

Tác giả: Quản trị, Thu Hồng

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập52
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm50
  • Hôm nay2,581
  • Tháng hiện tại72,360
  • Tổng lượt truy cập6,001,200
Văn bản pháp luật 1
Tiếp cận pháp luật
Học tập và làm theo lời bác
Văn bản pháp luật
Tài liệu xúc tiến đầu tư
Công khai tài chính
Văn bản pháp luật
Công báo tây ninh
Chung tay cải cách hành chính
Thư điện tử
trung tam tro giup phap ly
Đảng bộ tỉnh Tây Ninh
Theo dõi thi hành pháp luật
Hoi dap truc tuyen
CUNG CẤP THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Bộ pháp điển
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây