Thừa kế thế vị là gì? Khi nào phát sinh trường hợp thừa kế thế vị?

Thứ ba - 12/04/2022 14:04

Đọc bằng audio

Trong quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, mọi cá nhân đều có quyền như nhau trong việc hưởng di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Khi người chết không có di chúc thì di sản được chia theo pháp luật.

Thừa kế thế vị, theo nghĩa Hán – Việt thì “thế – nghĩa là thay thế”, “vị – nghĩ là ngôi vị, vị trí”. Như vậy, thừa kế thế vị nghĩa là thay thế một ai đó để được hưởng phần di sản mà đáng lẽ người trước đó được hưởng. Đặt trong mối quan hệ pháp luật về thừa kế, thừa kế thế vị chỉ có thể là một dạng của thừa kế theo pháp luật hoặc thừa kế theo di chúc. Ngoài ra, chúng ta còn nhận thấy rằng, thừa kế thế vị tuy không dịch chuyển theo hàng thừa kế nhưng lại theo trình tự nhất định khi người nhận di sản thế vị thoả mãn một số điều kiện cụ thể.

Từ đó có thể thấy, thừa kế thế vị là một trường hợp đặc thù của thừa kế theo pháp luật. Điều 652 BLDS năm 2015 quy định: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.

Theo đó, khái niệm thừa kế thế vị được hiểu như sau: Thừa kế thế vị là việc các con (cháu, chắt) được thay thế vào vị trí của bố hoặc mẹ (ông, bà) để hưởng di sản của ông, bà (hoặc cụ). Những người thừa kế thế vị được hưởng phần di sản mà bố mẹ mình (ông hoặc bà) đáng lẽ được hưởng nếu còn sống, được chia đều di sản với những người thừa kế khác.

Để hiểu rõ thêm, ta cần hiểu về các hàng thừa kế được BLDS 2015 quy định như sau:

"Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Đối với cháu hoặc chắt (nội, ngoại) sẽ là những người được hưởng di sản thừa kế được ưu tiên hàng thứ 2 và thứ 3 khi những người nêu trên không còn ai. Tuy nhiên, những người cháu, chắt (nội, ngoại) này vẫn có thể được hưởng di sản thừa kế ngang hàng với bố, mẹ, vợ, chồng hoặc những người con còn lại của người chết với vai trò là người thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 619, 652 Bộ luật dân sự 2015. 

“Điều 619. Việc thừa kế của những người có quyền thừa kế di sản của nhau mà chết cùng thời điểm

Trường hợp những người có quyền thừa kế di sản của nhau đều chết cùng thời điểm hoặc được coi là chết cùng thời điểm do không thể xác định được người nào chết trước (sau đây gọi chung là chết cùng thời điểm) thì họ không được thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng, trừ trường hợp thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 của Bộ luật này”.

Như vậy để hiểu rõ hơn, chúng ta có thể tìm hiểu ví dụ sau:

* Ông NGUYỄN VĂN A có người vợ duy nhất là bà NGUYỄN THỊ B. Ông A và bà B cùng chung sống với nhau và có 2 người con đẻ là: C, D và tài sản có được là mảnh đất giá trị 300 triệu đồng. Trong đó: C có 2 người con là X và Z.

* Ngày 01/01/2020 người con C bị tai nạn và chết, sau 6 tháng sau ông A cũng không may chết đi do bệnh nặng nhưng không để lại di chúc.

*Ngày 15/01/2021, thì vợ và con của ông A (bà B và con D) phân chia di sản của ông A để lại.

Như vậy, trong tình huống này đã xảy ra trường hợp “Thừa kế thế vị”.

- Trường hợp này C là con của ông A nhưng C chết trước ông A nên thời điểm mở thừa kế thì con của C là X và Z sẽ được hưởng phần di sản mà đáng lẽ cha của mình được hưởng nếu con sống.

- Như vậy, Di sản của ông A để lại mảnh đất là tài sản chung của A và B. Phần di sản cần chia là một nửa di sản của ông A có mãnh đất 300 triệu đồng.

- Di sản cần chia là 150 triệu đồng được chia đều ba phần cho: Vợ B, con C, con D (mỗi người được hưởng phần di sản tương đương 50 triệu đồng).

- Vì X và Z là người hưởng thừa kế thế vị của cha mình nên X và Z được hưởng 50 triệu dồng tương đương với B và D.

Theo nguyên tắc chung, người thừa kế là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế, nhưng pháp luật thừa kế nước ta quy định trường hợp khi con của người để lại di sản chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với người để lại di sản, thì quyền thừa kế thế vị của cháu vẫn được đảm bảo và nếu cháu cũng đã chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cũng tương tự, quyền thừa kế thế vị của chắt cũng sẽ không bị xâm phạm.

Như vậy, quan hệ thừa kế thế vị không phải là thừa kế theo trình tự hàng nhưng hàng thừa kế lại là căn cứ để xác định quan hệ thừa kế thế vị. Thừa kế thế vị là một chế định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi cho những người thân thích nhất của người để lại di sản, tránh trường hợp di sản của ông, bà, cụ mà cháu, chắt không được hưởng lại để cho người khác hưởng. Thừa kế thế vị chỉ phát sinh từ thừa kế theo pháp luật mà không phát sinh từ thừa kế theo di chúc. Nếu cha, mẹ chết trước hoặc chết cùng thời điểm với ông, bà hoặc cụ thì phần di chúc định đoạt tài sản cho cha, mẹ (nếu có di chúc) sẽ vô hiệu. Phần di sản đó được chia theo pháp luật và lúc này cháu (chắt) mới được hưởng thừa kế thế vị./.

Văn Phúc - Phòng Công chứng số 1

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm19
  • Hôm nay2,165
  • Tháng hiện tại77,357
  • Tổng lượt truy cập5,894,829
Văn bản pháp luật 1
Tiếp cận pháp luật
Học tập và làm theo lời bác
Văn bản pháp luật
Tài liệu xúc tiến đầu tư
Công khai tài chính
Văn bản pháp luật
Công báo tây ninh
Chung tay cải cách hành chính
Thư điện tử
trung tam tro giup phap ly
Đảng bộ tỉnh Tây Ninh
Theo dõi thi hành pháp luật
Hoi dap truc tuyen
CUNG CẤP THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Bộ pháp điển
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây