THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ CHỈ THỊ TĂNG CƯỜNG PHÒNG NGỪA, ĐẤU TRANH VỚI TỘI PHẠM VÀ VI PHẠM PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG "TÍN DỤNG ĐEN"
Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" xảy ra tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp. Các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông, Internet, núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ, tạo vỏ bọc, đối phó với cơ quan chức năng để tổ chức các hoạt động cho vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất rất cao (từ 100% đến 300%, thậm chí lên đến 700%/năm đối với khoản tiền ở thời điểm vay) nhằm thu lợi bất chính. Thực tế cho thấy, "tín dụng đen" là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật. Chủ nợ thường thuê các băng nhóm tội phạm, đối tượng có tiền án, tiền sự sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm có thể thực hiện các tội phạm xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tổn hại về tinh thần và chiếm đoạt, hủy hoại tài sản của người đi vay, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.
Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn không cần thế chấp tài sản, không đáp ứng được điều kiện vay vốn tại các kênh cung cấp tín dụng chính thức đã tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động "tín dụng đen" để vay tiền. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên xuống cấp về đạo đức, tham gia các hoạt động tệ nạn (cờ bạc, cá độ, ma túy...) hoặc do nhu cầu bất hợp pháp nên tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động "tín dụng đen". Nhiều người đã sử dụng tiền nhàn rỗi để trực tiếp cho vay dưới dạng "tín dụng đen" hoặc tham gia với vai trò trung gian, huy động vốn, gây rủi ro rất lớn cho cả người cho vay và đi vay, dẫn đến tình trạng vỡ nợ, hụi, họ xảy ra ở nhiều địa phương. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về cho vay dân sự, về phương thức, thủ đoạn hoạt động và hậu quả tác hại, mức độ nguy hiểm của "tín dụng đen" chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục nên hiệu quả chưa cao. Quy định của pháp luật về xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" còn vướng mắc, khó khăn trong việc áp dụng, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "Tín dụng đen".
Đối với Bộ Công an Thủ tướng chỉ đạo:
- Thường trực, tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo 138/CP chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".
- Phối hợp các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, phương thức, thủ đoạn và tác hại của "tín dụng đen" để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai Kế hoạch điều tra cơ bản trên toàn quốc về các tổ chức, cá nhân, cơ sở hoạt động kinh doanh tài chính, cầm đồ, huy động vốn với lãi suất cao bất thường, tham gia hụi, họ, biêu, phường có dấu hiệu lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản để nắm tình hình, chủ động phát hiện, điều tra, xử lý các vi phạm, gắn với triển khai có hiệu quả Đề án 2 về "Phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia" thuộc Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.
- Chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động đề xuất Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập các tổ công tác liên ngành do lực lượng Công an làm nòng cốt, tiến hành kiểm tra hành chính các cơ sở cầm đồ, cho vay, kinh doanh tài chính, dịch vụ đòi nợ và các cơ sở kinh doanh khác có biểu hiện hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê nhằm phát hiện tội phạm và vi phạm pháp luật để xử lý nghiêm.
- Siết chặt việc cấp Giấy chứng nhận và tăng cường quản lý, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ; kiên quyết xử lý, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với các cơ sở vi phạm.
- Rà soát các ngành nghề kinh doanh thường bị các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" lợi dụng, núp bóng hoạt động, dễ phát sinh các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, đánh giá tác động ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự, đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan để siết chặt quản lý. Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thành việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình, trong đó cần quy định cụ thể các hành vi cho vay với lãi suất vượt quá quy định tại Bộ luật Dân sự nhưng chưa đến mức xử lý hình sự (bao gồm cả cho vay có thế chấp tài sản và cho vay không thế chấp tài sản) và các hành vi đòi nợ gây mất trật tự công cộng, đảm bảo chế tài đầy đủ, nghiêm khắc, đủ sức răn đe.
- Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc và trên không gian mạng để đấu tranh quyết liệt các loại tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", gắn với đấu tranh, triệt xóa các đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức huy động vốn, tham gia hụi, họ, biêu phường, triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, sử dụng vũ khí quân dụng, núp bóng doanh nghiệp để hoạt động.
- Thực hiện nghiêm các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các văn bản hướng dẫn liên quan về tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố, nhất là tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, huy động vốn lãi suất cao nhằm chiếm đoạt tài sản, vỡ hụi, họ.... và các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động "tín dụng đen"; lập hồ sơ, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.
- Phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", góp phần răn đe và phòng ngừa chung.
Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thủ tướng chỉ đạo:
- Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, các gói, khoản cho vay ưu đãi đến mọi tầng lớp nhân dân.
- Nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các chính sách mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng; phát triển các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng, miền với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân để góp phần ngăn chặn "tín dụng đen".
- Tiếp tục đẩy mạnh huy động tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân, phát huy tiềm năng, nội lực của nền kinh tế.
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn theo hướng thuận lợi để mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay hợp pháp khi có nhu cầu.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền về cơ chế, quy định pháp luật để quản lý hoạt động vay ngang hàng, vay trực tuyến.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý trước pháp luật, nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa chung. Chỉ đạo hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng quản lý cán bộ, nhân viên chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không tham gia các hoạt động liên quan đến "tín dụng đen".
- Chấp hành nghiêm quy định của Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn liên quan; đẩy nhanh tiến độ trả lời các yêu cầu của cơ quan điều tra về giám định tài chính, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ điều tra vụ án liên quan đến "tín dụng đen".
Đồng thời, Thủ tướng cũng đã yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang chấp hành nghiêm pháp luật về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn; nghiêm cấm tham gia hoạt động góp vốn, huy động vốn và môi giới, bao che, tiếp tay cho các đối tượng hoạt động "tín dụng đen", cho vay lãi nặng, thành lập doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ, đòi nợ... vi phạm pháp luật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Phòng PBGDPL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn