Các hoạt động để thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn được triển khai thực hiện có hiệu quả và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trên địa bàn tỉnh bảo đảm 100% người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí của nhà nước khi có nhu cầu. Bảo đảm đúng đối tượng, địa bàn, tiến độ; chế độ chi tiêu tài chính được thực hiện đúng định mức, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.
Về tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động về các xã đặc biệt khó khăn: Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý tăng cường trợ giúp pháp lý lưu động về các xã đặc biệt khó khăn. Căn cứ vào nhu cầu trợ giúp pháp lý của các địa phương, Trung tâm đã tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động được 73 đợt trong đó có 24 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại 12 xã đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135 giai đoạn 2. Tại các buổi trợ giúp pháp lý lưu động, Trung tâm đã nói chuyện chuyên đề về một số văn bản pháp luật theo yêu cầu của địa phương, phát 7.560 tờ gấp pháp luật cho 904 người tham dự, tư vấn và giải đáp thắc mắc cho người dân được 63 vụ, việc.
Về việc rà soát, củng cố, kiện toàn và duy trì sinh hoạt Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý tại các xã đặc biệt khó khăn: Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện nơi có xã đặc biệt khó khăn, Ủy ban nhân dân các xã đặc biệt khó khăn rà soát, củng cố, kiện toàn các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đã thành lập. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện có Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại các xã đặc biệt khó khăn tham gia sinh hoạt cùng với Câu lạc bộ để hướng dẫn, chỉ đạo về nghiệp vụ cho Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý hoạt động có hiệu quả.
Về hoạt động biên soạn, in ấn, phát hành miễn phí tờ gấp pháp luật: Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý biên soạn và in ấn 33.300 tài liệu, trong đó có 7.000 bảng thông tin trợ giúp pháp lý, 26.300 cuốn sổ tay pháp luật gồm 4 loại: Một số quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật; trách nhiệm của nhà nước, gia đình và xã hội đối với người khuyết tật; Một số quy định của pháp luật về hợp đồng dân sự và về họ, hụi, biêu, phường; Một số quy định về thủ tục khởi kiện, thời hạn, thời hiệu trong tố tụng dân sự và quy định về án phí, lệ phí và các chi phí tố tụng khác; Hỏi – đáp Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.
Trong công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho đội ngũ thực hiện trợ giúp pháp lý, thành viên Ban Chủ nhiệm các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Kết quả trong năm 2013, Trung tâm đã tổ chức 03 Hội nghị tập huấn nghiệp vụ Trợ giúp pháp lý và triển khai văn bản pháp luật cho Trợ giúp viên pháp lý, Chuyên viên, Cộng tác viên và thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý. Tham dự Hội nghị có 264 thành viên các Câu lạc bộ, trong đó nam 167, nữ 97. Nội dung tập huấn là triển khai một số văn bản pháp luật có liên quan đến trợ giúp pháp lý, trao đổi thảo luận nghiệp vụ về trợ giúp pháp lý.
Nhìn chung các hoạt động để thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã được triển khai tương đối toàn diện, huy động được sự tham gia của các ngành có liên quan trong tỉnh và đạt hiệu quả. Qua kết quả thực hiện cho thấy hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của đội ngũ cán bộ cũng như sự quan tâm của toàn xã hội về vấn đề TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý tại các xã, ấp đặc biệt khó khăn được nâng cao chất lượng, hướng đến bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý. Công tác quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý được tăng cường, bảo đảm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác trợ giúp pháp lý tại các xã, ấp đặc biệt khó khăn.
Trong thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý tăng cường công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, trong đó cần chú trọng: Tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý tại xã đặc biệt khó khăn; Quan tâm hướng dẫn nghiệp vụ cho các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại các xã đặc biệt khó khăn sinh hoạt định kỳ; Đảm bảo 100% vụ việc tư vấn, bào chữa, đại diện và kiến nghị của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn được thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu; Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho đội ngũ thực hiện trợ giúp pháp lý và thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; Biên sọan và in một số loại tờ gấp pháp luật để cấp phát cho nhân dân trong các đợt trợ giúp pháp lý lưu động; Dự toán kinh phí thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trình cấp có thẩm quyền phê duyệt./.
Ngọc Linh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn