Thực hiện Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Tây Ninh: Một số mục tiêu, chỉ tiêu cần được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp

Thứ hai - 21/10/2013 23:20

Đọc bằng audio

Vừa qua, UBND tỉnh Tây Ninh đã báo cáo số 237/BC-UBND ngày 20 tháng 9 năm 2013 về kết quả 02 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược) trên địa bàn tỉnh từ tháng 6/2011 đến tháng 6/2013. Qua 02 năm tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định. Công tác trợ giúp pháp lý đã đáp ứng được nhu cầu trợ giúp pháp lý của người thuộc diện được trợ giúp pháp lý tại địa phương.

 

Chiến lược được triển khai thi hành sâu rộng, nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân trong tỉnh về tầm quan trọng của công tác trợ giúp pháp lý qua nhiều hình thức như: Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược và phân công nhiệm vụ cho từng ngành, từng cơ quan phối hợp thực hiện; thông qua Hội nghị tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý kết hợp triển khai Chiến lược, lồng ghép vào đợt trợ giúp pháp lý lưu động. Các hoạt động triển khai thực hiện Chiến lược dựa trên cơ sở điều kiện thực tế, tình hình thực tiễn của địa phương. Hoạt động trợ giúp pháp lý được thực hiện thường xuyên, có hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm. Việc thực hiện các nội dung trong các kế hoạch từng năm phải đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương.

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ngoài Trung tâm Trợ giúp pháp lý còn có mạng lưới trợ giúp pháp lý ở cơ sở bao gồm: Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 1 đặt tại thị trấn Bến Cầu, huyện Bến Cầu; 08 Tổ Cộng tác viên đặt tại Phòng Tư pháp các huyện, thị xã và 26 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Mạng lưới trợ giúp pháp lý duy trì hoạt động thường xuyên mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng được nhu cầu trợ giúp pháp lý cho người dân tại cơ sở.

Qua quá trình tổ chức thực hiện Chiến lược trên địa bàn tỉnh đa số các mục tiêu, chỉ tiêu theo Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược của tỉnh Tây Ninh đều đạt. Đảm bảo  100% Ủy ban nhân dân, cơ quan thanh tra, cơ quan hành chính cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã; 100% các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh và cấp huyện, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ; cơ quan thanh tra quân đội các cấp và đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh được lắp đặt bảng thông tin và đặt hộp tin về trợ giúp pháp lý tại địa điểm thuận lợi để người dân dễ tiếp cận, tìm hiểu. 100% các xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2 được thành lập Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, ngoài ra 20% các xã, thị trấn của tỉnh được thành lập Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. 100% vụ việc tư vấn, bào chữa, đại diện và kiến nghị của các đối tượng được thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý khi yêu cầu đều được Trung tâm cử người thực hiện kịp thời. Số vụ việc được trợ giúp pháp lý trong hai năm là 1.429 vụ, việc cho 1.508 người.

Các mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp của Chiến lược quy định đầy đủ, cụ thể về tiến độ thực hiện và mốc thời gian để các địa phương làm cơ sở phấn đấu thực hiện. Khi thực hiện Chiến lược đã tạo bước chuyển biến tích cực cho hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên một số mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược đưa ra quá cao, không khả thi chưa phù hợp thực tế rất khó đạt được. Qua báo cáo này, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đề xuất điều chỉnh lại một số mục tiêu, chỉ tiêu cho phù hợp. Cụ thể như:

Một là, về vấn đề kiện toàn mạng lưới Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm theo Đề án quy hoạch mạng lưới Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008 - 2010, định hướng đến năm 2015 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 792/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2008, quy định một số mục tiêu, chỉ tiêu không phù hợp như: thành lập mới Chi nhánh tại 1/3 tổng số các đơn vị hành chính cấp huyện, bảo đảm 100% địa bàn có Tòa án khu vực theo lộ trình của cải cách tư pháp đều thành lập Chi nhánh; đến năm 2015 phải đảm bảo 50% - 60% các xã, phường, thị trấn trong toàn quốc thành lập Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, duy trì sinh hoạt định kỳ và đến năm 2020 tỷ lệ này là 100%; Phát triển 1.000 – 2.000 Trợ giúp viên pháp lý có tính chuyên nghiệp (Trung bình 15 – 25  Trợ giúp viên pháp lý/Trung tâm); Phát triển khoảng 12.000 – 20.000 cộng tác viên người (Trung bình 190 – 320  cộng tác viên /Trung tâm). ..

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã thành lập 01 Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 1 đặt tại huyện Bến Cầu nhưng do Chi nhánh mới được thành lập và nhu cầu về trợ giúp pháp lý của người dân không nhiều nên số vụ việc trợ giúp pháp lý là rất ít. Việc thành lập Câu lạc bộ TGPL chủ yếu là căn cứ vào nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010, Chương trình 135 giai đoạn II, Dự án “Hỗ trợ hệ thống trợ giúp pháp lý ở Việt Nam, 2005 - 2009”… mà chưa xuất phát từ nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Do đó việc thành lập mới Chi nhánh và Câu lạc bộ TGPL phải xuất phát từ nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân ở địa bàn, có nguồn lực cán bộ (Trợ giúp viên pháp lý), đáp ứng về điều kiện cơ sở vật chất và đảm bảo nguồn kinh phí để hoạt động. Nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý là tùy thuộc vào nhu cầu nguồn nhân lực mỗi địa phương, nếu quy định chung cho các địa phương thì sẽ rất khó đảm bảo chỉ tiêu như quy định. Phát triển cộng tác viên chỉ đông về số lượng, hoạt động của cộng tác viên chưa thật sự mang lại hiệu quả cao vì chế độ chi trả thù lao cho cộng tác viên khi tư vấn pháp luật quá ít, thủ tục chi trả rườm rà, phức tạp từ đó không khuyến khích được cộng tác viên thực hiện đúng nhiệm vụ, vai trò của mình.

Hai là, về vấn đề xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, thông tin về trợ giúp pháp lý trên 70% đài phát thanh cấp huyện và đài phát thanh truyền hình cấp tỉnh, báo địa phương và 100% đài phát thanh cấp huyện và đài phát thanh truyền hình cấp tỉnh, báo địa phương vào giai đoạn 2016-2020. Việc xây dựng chuyên trang, chuyên mục riêng về trợ giúp pháp lý rất khó thực hiện, vì không đảm bảo về kinh phí, nguồn nhân lực, hoạt động về trợ giúp pháp lý cũng không đa dạng như các hoạt động khác.

Ba là, một số mục tiêu, chỉ tiêu Chiến lược thể hiện rất trừu tượng, không có cơ sở để thống kê như: đến năm 2015, đảm bảo từ 50% - 70%  người dân biết về quyền được trợ giúp pháp lý và đến năm 2020 tỷ lệ này là 100%; Bảo đảm 98% - 100% vụ án có Trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư cộng tác viên bào chữa, đại diện hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự, bị can, bị cáo là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý; khoảng 20% - 30% vụ việc có sự tham gia của trợ giúp pháp lý từ giai đoạn điều tra hoặc khởi tố vụ án; Từ 70% - 80% người dân khi tiếp cận với các cơ quan công quyền có liên quan đến pháp luật đều được tư vấn, hướng dẫn về quyền được trợ giúp pháp lý ......Quy định này rất khó thực hiện vì số lượng án ngày càng nhiều nhưng không có cơ sở để ràng buộc trách nhiệm các cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện vì trong các văn bản pháp luật liên quan đến tố tụng của các lĩnh vực không quy định vấn đề này. Không có cơ sở đánh giá sự hiểu biết của người dân về trợ giúp pháp lý.

Các mục tiêu, chỉ tiêu trên đây cần được xem xét để điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của mỗi địa phương và phải xuất phát từ nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân./.

                                                                                  Ngọc Linh

 


  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay296
  • Tháng hiện tại80,494
  • Tổng lượt truy cập5,897,966
Văn bản pháp luật 1
Tiếp cận pháp luật
Học tập và làm theo lời bác
Văn bản pháp luật
Tài liệu xúc tiến đầu tư
Công khai tài chính
Văn bản pháp luật
Công báo tây ninh
Chung tay cải cách hành chính
Thư điện tử
trung tam tro giup phap ly
Đảng bộ tỉnh Tây Ninh
Theo dõi thi hành pháp luật
Hoi dap truc tuyen
CUNG CẤP THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Bộ pháp điển
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây