Thực hiện quy định tại Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17 tháng 8 năm 2011 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Nhằm đảm bảo nội dung chi, mức chi cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Ngày 11 tháng 7 năm 2012 Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành Nghị quyết số 16/2012/NQ-HĐND về việc quy định mức chi cho cống tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Sau đó, đến ngày 28 tháng 8 năm 2012 Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 42/2012/QĐ-UBND ban hành Quy định mức chi cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nhằm cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 16/2012/NQ-HĐND (sau đây viết tắt là Quyết định số 42/2012/QĐ-UBND).
Nội dung chủ yếu của Quyết định số 42/2012/QĐ-UBND là quy định về nội dung chi, mức chi; việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Kể từ ngày Quyết định số 42/2012/QĐ-UBND có hiệu lực thi hành thì các cơ quan, tổ chức như: Sở Tư pháp; Tổ chức pháp chế các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, tổ chức được giao thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu, kế hoạch; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn đã được quyết toán cũng như lập dự toán kinh phí hàng năm liên quan đến công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
Sau hơn 09 năm triển khai thực hiện Quyết định số 42/2012/QĐ-UBND đã giải quyết được chế độ, chính sách đối với người làm công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh chế độ tiền lương từ ngân sách nhà nước, người làm công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật cũng được quan tâm, tạo cơ chế, điều kiện về kinh phí trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; kịp thời phát hiện những nội dung trái pháp luật, không bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, qua đó kiến nghị các hình thức xử lý theo quy định của pháp luật. Từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân cấp huyện, cấp xã trong công tác tự kiểm tra, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp thuộc trách nhiệm của sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp mình.
Bên cạnh những kết quả đạt được, địa phương vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP, cụ thể như sau:
- Thứ nhất, một số văn bản làm căn cứ pháp lý tại Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP đến nay đã được thay thế bằng văn bản khác như: Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước đã được bãi bỏ bởi Nghị định 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật ngân sách nhà nước; Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính được thay thế bởi Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính và Nghị định số 215/2013/NĐ-CP tiếp tục được thay thế bởi Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp được thay thế bởi Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp và Nghị định số 22/2013/NĐ-CP tiếp tục được thay thế bởi Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp; Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực bởi Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Thứ hai, các văn bản dẫn chiếu thực hiện được quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 122/2011/TT-BTC nay đã được thay thế nên gặp một số khó khăn nhất định trong cập nhật văn bản mới và áp dụng thực hiện. Cụ thể như: Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập được thay thế bởi Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị; Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được thay thế bởi Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018; Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 15/5/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê được thay thế bởi Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, tổng điều tra thống kê quốc gia. Để đảm bảo tính ổn định trong văn bản quy phạm pháp luật, cần xem xét điều chỉnh theo hướng "trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu được thay thế bởi văn bản văn bản quy phạm pháp luật khác thì áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật đó".
- Thứ ba, về mức chi đặc thù bảo đảm cho các nội dung kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Trong bối cảnh hiện nay về nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, để có được một văn bản tham mưu hiệu quả công chức thực hiện công tác này đòi hỏi phải dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, tham khảo nhiều tài liệu, văn bản. Mà các mức chi để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ này cơ bản đã không còn phù hợp với thực tế khi Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP đã thực hiện từ năm 2011 như: Chi lấy ý kiến chuyên gia đối với văn bản thuộc chuyên ngành, lĩnh vực chuyên môn phức tạp (từ 300.000 đồng đến 600.000 đồng/01 báo cáo/01 văn bản); chi hỗ trợ cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra văn bản (từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/01 văn bản); chi soạn thảo, viết báo cáo đánh giá về văn bản trái pháp luật (200.000đồng/01 báo cáo);...... Do đó, đề nghị xem xét quy định lại mức chi cho phù hợp, tương ứng với yêu cầu nhiệm vụ.
- Thứ tư, về nguồn lực tài chính đảm bảo. Theo đó, tại khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP quy định "Hàng năm, căn cứ vào yêu cầu công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản và căn cứ vào nội dung chi, mức chi quy định tại Điều 3, Điều 4 của Thông tư liên tịch này, các cơ quan, đơn vị lập dự toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản tổng hợp chung vào dự toán ngân sách chi thường xuyên hàng năm gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật". Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện việc bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách theo phân cấp để đảm bảo cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật gặp nhiều khó khăn. Theo đó, có những địa phương chỉ bố trí được một phần yêu cầu nhiệm vụ hoặc không bố trí được kinh phí thực hiện. Nguyên nhân dẫn đến khó khăn này là do các địa phương (đặc biệt là cấp xã, cấp huyện) điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn lực về tài chính phải cân đối cho nhiều nhiệm vụ chi khác. Do đó, để đảm bảo nguồn lực cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thì ngân sách nhà nước sẽ đảm bảo toàn bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, trong trường hợp ngân sách của địa phương không đảm bảo được thì ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ thông qua các chương trình, đề án.
Từ những khó khăn, vướng mắc trên để giúp cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm hiệu quả, Sở Tư pháp Tây Ninh đề xuất, kiến nghị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp một số nội dung như sau:
Kiến nghị Bộ Tư pháp sớm ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17/8/2011 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP phải có mức chi phù hợp với thực tế; đảm bảo nguồn lực cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Trong trường hợp ngân sách của địa phương không đảm bảo được thì ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ thông qua các chương trình, đề án./.
Phương Anh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn