Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017: Nâng cao chất lượng người thực hiện trợ giúp pháp lý

Thứ sáu - 17/08/2018 17:00

Đọc bằng audio

Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 ra đời và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế công tác trợ giúp pháp lý (viết tắt là TGPL) trên phạm vi toàn quốc. Một trong những mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi Luật lần này là nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL, do vậy, tiêu chuẩn người thực hiện TGPL đã được nghiên cứu chuẩn hóa, bảo đảm đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định người thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm: Trợ giúp viên pháp lý; Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; Tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên làm việc tại tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý;  Cộng tác viên trợ giúp pháp lý. So với Luật TGPL năm 2006 và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật TGPL năm 2006 thì tiêu chuẩn về người thực hiện trợ giúp pháp lý đang ngày càng được nâng cao về trình độ cũng như tiêu chuẩn. Cụ thể là:

Thứ nhất, chuẩn hóa về tiêu chuẩn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý: Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã bổ sung một quy định hoàn toàn mới mẻ mà trước đây chưa hề có là tập sự trợ giúp pháp lý.

Tập sự trợ giúp pháp lý được quy định để chỉ những người thuộc nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý phải trải qua thời gian tập sự trợ giúp pháp lý để từng bước nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như tiếp cận dần với kỹ năng tham gia tố tụng. Viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư được tập sự TGPL tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

Để hướng dẫn cụ thể hơn về tập sự trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15 tháng 11 năm 2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Cụ thể Bộ Tư pháp quy định thời gian tập sự trợ giúp pháp lý là 12 tháng, được tính từ ngày ban hành quyết định phân công người hướng dẫn tập sự. Người đủ điều kiện được giảm hai phần ba thời gian tập sự hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư thì thời gian tập sự là 04 tháng; người đủ điều kiện được giảm một nửa thời gian tập sự hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư thì thời gian tập sự là 06 tháng. Người được miễn tập sự hành nghề luật sư theo quy định của pháp luật về luật sư thì được miễn tập sự trợ giúp pháp lý.

Khi hết thời gian tập sự TGPL thì người tập sự phải tham gia kiểm tra kết quả tập sự TGPL. Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổ chức kiểm tra kết quả tập sự TGPL không quá 02 lần trong một năm. Kế hoạch kiểm tra, danh sách người đủ điều kiện tham dự, thời gian, địa điểm tổ chức kiểm tra cụ thể được thông báo chậm nhất 01 tháng trước ngày tổ chức kiểm tra và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

Viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự trợ giúp pháp lý hoặc tập sự hành nghề luật sư;có phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ cử nhân luật trở lên; có sức khỏe bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý; Không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật thì được Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước lập danh sách những người làm việc ở Trung tâm có đủ tiêu chuẩn gửi Sở Tư pháp đề nghị bổ nhiệm, cấp thẻ trợ giúp viên pháp lý.

Sở dĩ Luật bổ sung điều kiện này bởi lẽ Trợ giúp viên pháp lý cung cấp các dịch vụ pháp lý tương đồng như Luật sư, do vậy tiêu chuẩn, trình độ và điều kiện bổ nhiệm của Trợ giúp viên pháp lý cần thiết phải được nâng cao đảm bảo tương đồng như Luật sư vừa phù hợp với yêu cầu thực tiễn về cải cách tư pháp và thông lệ quốc tế. Dần dần được xã hội thừa nhận vai trò của Trợ giúp viên pháp lý ngang hàng với Luật sư cả về chất và lượng. Hơn nữa trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm của người Trợ giúp viên pháp lý là điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất cho chất lượng dịch vụ mà họ cung cấp cho người thụ hưởng. 

Thứ hai, yêu cầu về Tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên làm việc tại tổ chức tham gia TGPL

Với chủ trương từng bước xã hội hoá hoạt động TGPL, huy động sự tham gia của cá nhân, tổ chức cùng bảo vệ quyền lợi chính đáng cho đối tượng được TGPL, đồng thời xác định TGPL là trách nhiệm của nhà nước, nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong việc thực hiện, tổ chức thực hiện TGPL, huy động được nguồn lực xã hội cùng tham gia TGPL mà còn đưa hoạt động này vào khuôn khổ chặt chẽ hơn.

Việc quy định tiêu chuẩn về tư vấn viên pháp luật phải có 02 năm kinh nghiệm nhằm đảm bảo cho người được TGPL thụ hưởng dịch vụ TGPL bằng hình thức tư vấn pháp luật ngày càng chất lượng và đúng với bản chất của Nhà nước ta, phải đặt lợi ích của Nhân dân lên hàng đầu.

Thứ ba, hạn chế về người thực hiện TGPL là cộng tác viên TGPL: Cụ thể Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định chỉ ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, căn cứ nhu cầu TGPL của người dân và điều kiện thực tế tại địa phương, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp cấp thẻ cộng tác viên TGPL cho người có đủ điều kiện theo quy định.

Những người đã nghỉ hưu, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe, có nguyện vọng thực hiện trợ giúp pháp lý có thể trở thành cộng tác viên TGPL, bao gồm: trợ giúp viên pháp lý; thẩm phán, thẩm tra viên ngành Tòa án; kiểm sát viên, kiểm tra viên ngành kiểm sát; điều tra viên; chấp hành viên, thẩm tra viên thi hành án dân sự; chuyên viên làm công tác pháp luật tại các cơ quan nhà nước.

Việc quy định tiêu chuẩn, điều kiện làm cộng tác viên khá chặt chẽ nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ TGPL cũng như tránh tình trạng ký hợp đồng tràn lan, lãng phí thời gian của cơ quan quản lý.

Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã nghiên cứu sửa đổi theo hướng tiêu chuẩn hóa người thực hiện TGPL nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL và bảo đảm công bằng xã hội, lấy người nghèo, người có công với cách mạng và các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khác làm trung tâm cho mọi chính sách và hoạt động của Nhà nước./.

TGPL

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập34
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm17
  • Hôm nay5,910
  • Tháng hiện tại33,065
  • Tổng lượt truy cập5,003,424
Văn bản pháp luật 1
Tiếp cận pháp luật
Học tập và làm theo lời bác
Văn bản pháp luật
Tài liệu xúc tiến đầu tư
Công khai tài chính
Văn bản pháp luật
Công báo tây ninh
Chung tay cải cách hành chính
Thư điện tử
trung tam tro giup phap ly
Đảng bộ tỉnh Tây Ninh
Theo dõi thi hành pháp luật
Hoi dap truc tuyen
CUNG CẤP THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Bộ pháp điển
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây