Nhằm tăng cường sự phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tây Ninh được thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng.
Ngày 19/10/2018, tại hội trường Thành ủy Thành phố Tây Ninh, Hội đồng Phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý (viết tắt là TGPL) trong hoạt động tố tụng tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai, quán triệt Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 29/6/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (viết tắt là Thông tư liên tịch số 10) cho Lãnh đạo và cán bộ ở các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Tham dự Hội nghị có hơn 130 đại biểu gồm có thành viên Hội đồng; Thành viên Tổ giúp việc cho Hội đồng; Tòa án nhân dân 02 cấp, Viện Kiểm sát nhân dân 02 cấp; Công an tỉnh và các đơn vị thuộc Công an tỉnh; Công an 09 huyện, thành phố Tây Ninh; Cơ quan điều tra hình sự khu vực 4, Viện Kiểm sát quân sự khu vực 73 - Quân khu 7; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng; Trại giam Cây Cầy thuộc Bộ Công an. Trợ giúp viên pháp lý, Chuyên viên, Luật sư thực hiện TGPL của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Tây Ninh.
Hội nghị triển khai Thông tư liên tịch số 10
Hội nghị đã được nghe đồng chí Võ Xuân Biên, Phó Giám đốc phụ trách Sở Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp liên ngành tỉnh giới thiệu về những điểm mới của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý, chủ yếu là các nội dung quy định về người được TGPL, các hình thức TGPL cũng như quyền được TGPL đã được ghi nhận đồng loạt trong các văn bản tố tụng, cụ thể là Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự và Luật Tố tụng hành chính. Đồng thời, để đảm bảo cho người thuộc diện được TGPL được thụ hưởng chính sách TGPL một cách kịp thời, hiệu quả thì cần có sự phối hợp tích cực từ các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Đồng chí Lê Minh Hiền, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước đã triển khai một số quy định phối hợp về TGPL trong tố tụng; Quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ sở giam giữ, trại giam, người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ, trại giam trong việc giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý.
Trường hợp người bị buộc tội, người bị hại, đương sự tự nhận mình là người được TGPL theo quy định và có yêu cầu TGPL thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm, Chi nhánh để thực hiện TGPL.
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện TGPL gặp gỡ, tiếp xúc với người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật. Trong quá trình tham gia tố tụng, nếu phát hiện người thực hiện TGPL có hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo cho tổ chức thực hiện TGPL để kịp thời xử lý theo thẩm quyền và thay thế người thực hiện TGPL.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Võ Xuân Biên đề nghị các đại biểu tham dự phải bám sát vào những quy định của Thông tư liên tịch số 10 để tổ chức triển khai thực hiện ngay, đối với các đồng chí là lãnh đạo phải có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức triển khai cho đơn vị mình, thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Thông tư liên tịch này. Trong thời gian tới định kỳ 6 tháng, năm Hội đồng phối hợp liên ngành của tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra tại các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh để báo cáo UBND tỉnh và Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương./.
Ngọc Linh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn