Tin giả (fake news) được hiểu là những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt, xuất hiện sai lệch về nội dung, được phát tán trên không gian mạng và các phương tiện truyền thông, bao gồm cả truyền thông xã hội. Thực tế, những thông tin sai lệch thường có xu hướng lan truyền nhanh hơn tin thật, được cung cấp bởi các cơ quan truyền thông, báo chí chính thống. Đây là một thách thức đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Theo thống kê của cơ quan chức năng, Mạng xã hội (Facebook, Google, Zalo…) trở thành nền tảng lan truyền tin giả phổ biến nhất. Tin giả xuất hiện trên mọi lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…
Dịch COVID-19 bùng phát đã làm vấn nạn tin giả trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Tin giả về COVID-19 được tán phát chủ yếu thông qua mạng xã hội (Facebook, YouTube, Tiktok…) với nhiều mục đích, ý đồ khác nhau,
Nhiều thủ đoạn được các đối tượng sử dụng trong đăng tải tin giả, nguy hiểm nhất là việc sử dụng "khoảng trống thông tin" để tấn công vào sự hiếu kỳ của công chúng và làm mới thông tin cũ, bịa đặt thông tin mới. Nhiều thông tin bị xuyên tạc, bóp méo sự thật, thông qua những tiêu đề "giật gân", "câu khách" về vấn đề dư luận đang quan tâm.
Qua công tác đấu tranh, cơ quan chức năng đề nghị tham khảo một số nội dung trong nhận diện tin giả, gồm:
Một là, tăng cường sự đề phòng, tính cảnh giác của bản thân khi tiếp xúc với thông tin được lan truyền trên không gian mạng. Luôn có quan điểm tham khảo khi sử dụng thông tin trên trên không gian mạng, nhất là thông tin được chia sẻ bởi mạng xã hội, chủ thể không rõ nguồn gốc, không xác thực.
Hai là, nếu là những thông tin đáng chú ý, thuộc lĩnh vực cần quan tâm, cần chú ý tiêu đề bài viết. Tin giả thường có tiêu đề hấp dẫn, giật gân, viết in hoa kèm dấu ký tự mang tính chất khẳng định, thường có vẻ khó xảy ra trong thực tế nhưng được viết dưới dạng khẳng định để thu hút sự chú ý của người đọc. Đồng thời, kiểm tra đường dẫn liên kết. Đường dẫn URL chứa tin giả thường giả mạo gần giống các trang tin chính thống.
Ví dụ: đuôi tên miền .org dành cho các tổ chức phi chính phủ hoặc phi lợi nhuận nhưng không vì thế mà mất cảnh giác, bởi những trang này có thể đăng tải thông tin chủ quan vì mục đích riêng của tổ chức đó, chứ không hoàn toàn cung cấp thông tin khách quan cho người đọc. Kiểm tra kỹ mục "Liên hệ" hoặc "Giới thiệu" trên trang tin để tìm kiếm thông tin về cá nhân hoặc tổ chức đứng sau, xác định mức độ tin tưởng thông qua các thông tin được đề cập như: chức danh, chức vụ, học hàm, học vị, mức độ phản hồi của người dùng, tính xác thực của địa chỉ.
Ba là, tin giả thường không được chú trọng về cấu trúc ngữ pháp, thể thức văn bản, dễ có lỗi chính tả và ngữ pháp, không thống nhất. Hình ảnh sử dụng trong bài viết đa phần là ảnh trên mạng hoặc được chỉnh sửa cho phù hợp với nội dung nguồn tin. Cần kiểm tra xem ảnh có tồn tại trên không gian mạng thông qua tính năng "Search Google for image". Về mốc thời gian sử dụng trong bài viết, tin giả được biên soạn và định dạng mốc thời gian không trùng với thực tế, do đó, cần xem kỹ các mốc thời gian, sự kiện có trong nội dung tin và thời gian đăng tải. Về các luận cứ, luận chứng trong bài viết, thông thường các tin giả được tạo ra được dựa trên một câu chuyện, tình tiết có thực nhưng được làm giả ở những nội dung quan trọng nhất.
Nguồn: https://sotttt.tayninh.gov.vn/an-toan-thong-tin-66/phong-chong-tin-gia-tren-khong-gian-mang-va-cach-nhan-dien-1447.html
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn