Theo Luật này, người cao tuổi có quyền như: được bảo đảm các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khoẻ; quyết định sống chung với con, cháu hoặc sống riêng theo ý muốn; được ưu tiên khi sử dụng các dịch vụ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; được tạo điều kiện tham gia hoạt động văn hoá, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch và nghỉ ngơi; được tạo điều kiện làm việc phù hợp với sức khoẻ, nghề nghiệp và các điều kiện khác để phát huy vai trò người cao tuổi; được miễn các khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội, trừ trường hợp tự nguyện đóng góp; được ưu tiên nhận tiền, hiện vật cứu trợ, chăm sóc sức khỏe và chỗ ở nhằm khắc phục khó khăn ban đầu khi gặp khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc rủi ro bất khả kháng khác; được tham gia Hội người cao tuổi Việt Nam theo quy định của Điều lệ Hội; các quyền khác theo quy định của pháp luật, trong đó có quyền được trợ giúp pháp lý được quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.
Trợ giúp pháp lý là dịch vụ sự nghiệp công thiết yếu, do Nhà nước bảo đảm, cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định, qua đó góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.
Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định người cao tuổi có khó khăn về tài chính (bao gồm người cao tuổi thuộc hộ cận nghèo và người cao tuổi đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng), người cao tuổi thuộc hộ nghèo, người cao tuổi là người có công với cách mạng, người cao tuổi là người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, người cao tuổi là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí.
Năm 2024, Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam phát động Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam với chủ đề: “Chung tay bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi”, nhằm khơi dậy truyền thống tốt đẹp, phát huy vai trò, đóng góp tích cực của người cao tuổi trong gia đình, xã hội; đề cao trách nhiệm, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các ban, bộ, ngành đoàn thể và toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.
Thực hiện chủ trương trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi, trong năm 2024 Trung tâm Trơ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tây Ninh đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi được hơn 20 trường hợp là các vụ việc tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các cụ ông, cụ bà trong các vụ án dân sự chủ yếu là tranh chấp đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất.
Điển hình trong năm, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước đã trợ giúp pháp lý cho 02 trường hợp là cụ bà sống tại thị xã Hòa Thành, cụ ông sống tại huyện Gò Dầu trong vụ án tranh chấp đòi lại nhà đất. Thời trẻ cụ đã tạo lập ra rất nhiều tài sản, có chia đất cho tất cả người con, ai cũng có phần hết; phần tài sản để cụ an hưởng tuổi già cũng đã tặng cho con hết với mong muốn để ở khi tuổi xế chiều và đồng thời cũng làm nhà thờ tự. Tuy nhiên sau khi nhận được tài sản thì các con lại bất hiếu, không chăm lo, nuôi dưỡng, có lời lẽ nặng nhẹ, xúc phạm, không cho các cụ sống chung trong mái ấm gia đình. Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã cử các Trợ giúp viên pháp lý tham gia phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp cho các cụ ông, cụ bà. Qua đó, nguyện vọng và yêu cầu khởi kiện của các cụ cũng được Tòa án nhân dân xem xét theo quy định của pháp luật.
Việc cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi luôn được Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tây Ninh chú trọng thực hiện tốt, người cao tuổi đã được tiếp cận quyền được trợ giúp pháp lý thông qua nhiều cách thức khác nhau như thông qua hoạt động giải thích, thông tin, thông báo của các cơ quan tiến hành tố tụng, Trung tâm Trợ giúp pháp lý phối hợp với Tòa án nhân dân trực qua điện thoại, trực điện thoại 24/24 trong điều tra hình sự…. nhiều người cao tuổi đã tiếp cận được dịch vụ trợ giúp pháp lý sớm./.
Ngọc Linh
Tác giả: Quản trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn