Đáp án cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật tháng 3/2020

Thứ tư - 25/03/2020 14:00

Đọc bằng audio

Đáp án cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật tháng 3/2020

(Chủ đề: Pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm)

_______________________

 

Câu 1 (Chọn đáp án đúng nhất). Bệnh truyền nhiễm là gì?

a. Là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

b. Là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

c. a và b đúng.

d. a và b sai.

Đáp án:

- Câu c (a và b đúng).

- Khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

- "Bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm".

Câu 2 (Chọn đáp án đúng nhất). Có mấy nhóm bệnh truyền nhiễm?

a. 02 nhóm.

b. 03 nhóm.

c. 04 nhóm.

d. 05 nhóm.

Đáp án:

- Câu b (3 nhóm).

- Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 "Phân loại bệnh truyền nhiễm".

- "Bệnh truyền nhiễm gồm các nhóm sau đây:

a) Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê - bô - la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh;

b) Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B bao gồm bệnh do vi rút A-đê-nô (Adeno); bệnh do vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh ho gà; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người; bệnh lỵ A-míp (Amibe); bệnh lỵ trực trùng; bệnh quai bị; bệnh sốt Đăng gơ (Dengue), sốt xuất huyết Đăng gơ (Dengue); bệnh sốt rét; bệnh sốt phát ban; bệnh sởi; bệnh tay-chân-miệng; bệnh than; bệnh thủy đậu; bệnh thương hàn; bệnh uốn ván; bệnh Ru-bê-ôn (Rubeon); bệnh viêm gan vi rút; bệnh viêm màng não do não mô cầu; bệnh viêm não vi rút; bệnh xoắn khuẩn vàng da; bệnh tiêu chảy do vi rút Rô-ta (Rota);

c) Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh.

Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C bao gồm bệnh do Cờ-la-my-đi-a (Chlamydia); bệnh giang mai; các bệnh do giun; bệnh lậu; bệnh mắt hột; bệnh do nấm Can-đi-đa-an-bi-căng (Candida albicans); bệnh Nô-ca-đi-a (Nocardia); bệnh phong; bệnh do vi rút Xi-tô-mê-ga-lô (Cytomegalo); bệnh do vi rút Héc-péc (Herpes); bệnh sán dây; bệnh sán lá gan; bệnh sán lá phổi; bệnh sán lá ruột; bệnh sốt mò; bệnh sốt do Rích-két-si-a (Rickettsia); bệnh sốt xuất huyết do vi rút Han-ta (Hanta); bệnh do Tờ-ri-cô-mô-nát (Trichomonas); bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm; bệnh viêm họng, viêm miệng, viêm tim do vi rút Cốc-xác-ki (Coxsakie); bệnh viêm ruột do Giác-đi-a (Giardia); bệnh viêm ruột do Vi-bờ-ri-ô Pa-ra-hê-mô-ly-ti-cút (Vibrio Parahaemolyticus) và các bệnh truyền nhiễm khác".

Câu 3 (Chọn đáp án đúng nhất). Các nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm gồm:

a. Lấy phòng bệnh là chính trong đó thông tin, giáo dục, truyền thông, giám sát bệnh truyền nhiễm là biện pháp chủ yếu. Kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế với các biện pháp xã hội, hành chính trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

b. Thực hiện việc phối hợp liên ngành và huy động xã hội trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; lồng ghép các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

c. Công khai, chính xác, kịp thời thông tin về dịch.

d. Chủ động, tích cực, kịp thời, triệt để trong hoạt động phòng, chống dịch.

e. Các nguyên tắc trên.

Đáp án:

- Câu e (Các nguyên tắc trên).

- Điều 4 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 "Nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm".

- "1. Lấy phòng bệnh là chính trong đó thông tin, giáo dục, truyền thông, giám sát bệnh truyền nhiễm là biện pháp chủ yếu. Kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế với các biện pháp xã hội, hành chính trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

2. Thực hiện việc phối hợp liên ngành và huy động xã hội trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; lồng ghép các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

3. Công khai, chính xác, kịp thời thông tin về dịch.

4. Chủ động, tích cực, kịp thời, triệt để trong hoạt động phòng, chống dịch".

Câu 4 (Chọn đáp án đúng nhất). Cách ly y tế là:

a. Việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh.

b. Việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh.

Đáp án:

- Câu b (Việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh).

- Khoản 16 Điều 2 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 "Giải thích từ ngữ".

- "Cách ly y tế và việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh".

Câu 5 (Chọn đáp án đúng nhất). Các hình thức cách ly y tế để chống dịch:

a. Cách ly tại nhà.

b. Cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

c. Cách ly tại các cơ sở, địa điểm khác với cơ sở, địa điểm được nêu ở đáp án a và b.

d. Các hình thức trên.

Đáp án:

- Câu d (Các hình thức trên).

- Khoản 2 Điều 49 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 "Tổ chức cách ly y tế".

- "Hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác".

Câu 6. Đề nghị cho biết chính sách của nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm? Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm có trách nhiệm gì? Những hành vi nào bị nghiêm cấm trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm? Pháp luật quy định như thế nào về nội dung, đối tượng và yêu cầu của thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm? Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm gì trong thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm?

Trả lời:

Ý 1. Đề nghị cho biết chính sách của nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm?

Điều 5 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định về chính sách của Nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm như sau:

"1. Ưu tiên, hỗ trợ đào tạo chuyên ngành y tế dự phòng.

2. Ưu tiên đầu tư nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, hệ thống giám sát phát hiện bệnh truyền nhiễm, nghiên cứu sản xuất vắc xin, sinh phẩm y tế.

3. Hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu khoa học, trao đổi và đào tạo chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

4. Hỗ trợ điều trị, chăm sóc người mắc bệnh truyền nhiễm do rủi ro nghề nghiệp và trong các trường hợp cần thiết khác.

5. Hỗ trợ thiệt hại đối với việc tiêu hủy gia súc, gia cầm mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

6. Huy động sự đóng góp về tài chính, kỹ thuật và nhân lực của toàn xã hội trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

7. Mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực và trên thế giới trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm".

Ý 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm có trách nhiệm gì?

Điều 7 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm như sau:

1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau khi có dịch xảy ra và tuân thủ, chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo chống dịch.

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống bệnh truyền nhiễm; tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm tham gia phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.

Ý 3. Những hành vi nào bị nghiêm cấm trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm?

Điều 8  của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định những hành vi bị nghiêm cấm như sau:

"1. Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

2. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

3. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

4. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.

5. Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.

6. Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.

7. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền".

Ý 4. Pháp luật quy định như thế nào về nội dung, đối tượng và yêu cầu của thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm?

* Về nội dung thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Điều 9 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định như sau:

"1. Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

2. Nguyên nhân, đường lây truyền, cách nhận biết bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

3. Hậu quả của bệnh truyền nhiễm đối với sức khoẻ, tính mạng con người và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

4. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm".

* Về đối tượng của thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Điều 10 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định như sau:

"1. Mọi người đều được tiếp cận với thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

2. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm, những người trong gia đình họ và các đối tượng trong vùng có dịch, vùng có nguy cơ dịch được ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm".

* Về yêu cầu của thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Điều 11 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định như sau:

"1. Chính xác, rõ ràng, dễ hiểu, thiết thực, kịp thời.

2. Phù hợp với đối tượng, truyền thống văn hoá, dân tộc, đạo đức xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng và phong tục tập quán".

Ý 5. Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm gì trong thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm?

Khoản 6 Điều 12 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định trách nhiệm các cơ quan thông tin đại chúng trong việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm như sau:

"6. Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm ưu tiên về thời điểm, thời lượng phát sóng để thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm trên đài phát thanh, đài truyền hình; dung lượng và vị trí đăng trên báo in, báo hình, báo điện tử theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm trên các phương tiện thông tin đại chúng không thu phí, trừ trường hợp thực hiện theo hợp đồng riêng với chương trình, dự án hoặc do tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tài trợ".

Câu 7. Pháp luật quy định như thế nào về việc khai báo, báo cáo dịch? Người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch phải thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân như thế nào? Các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch được quy định như thế nào? Các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch? Việc huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch được Luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Ý 1. Pháp luật quy định như thế nào về việc khai báo, báo cáo dịch?

Điều 47 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định khai báo, báo cáo dịch như sau:

"1. Khi có dịch, người mắc bệnh dịch hoặc người phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất trong thời gian 24 giờ, kể từ khi phát hiện bệnh dịch.

2. Khi phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nhận được khai báo bệnh dịch, cơ quan y tế phải báo cáo cho Uỷ ban nhân dân nơi xảy ra dịch và cơ sở y tế dự phòng để khẩn trương tổ chức triển khai các biện pháp chống dịch.

3. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể chế độ khai báo, báo cáo dịch".

Ý 2. Người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch phải thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân như thế nào?

Khoản 1 Điều 51 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch phải thực hiện một hoặc một số biện pháp bảo vệ cá nhân sau đây:

"a) Trang bị bảo vệ cá nhân;

b) Sử dụng thuốc phòng bệnh;

c) Sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế để phòng bệnh;

d) Sử dụng hoá chất diệt khuẩn, hoá chất phòng trung gian truyền bệnh".

Ý 3. Các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch được quy định như thế nào?

Điều 52 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch như sau:

"1. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp chống dịch sau đây:

a) Tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;

b) Cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định là trung gian truyền bệnh dịch;

c) Hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch.

2. Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này".

Ý 4. Các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch?

Điều 54 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch như sau:

"1. Việc thành lập Ban chỉ đạo chống dịch trong tình trạng khẩn cấp thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 46 của Luật này.

2. Trong trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, Trưởng Ban chỉ đạo có quyền:

a) Huy động, trưng dụng các nguồn lực quy định tại Điều 55 của Luật này;

b) Đặt biển báo hiệu, trạm gác và hướng dẫn việc đi lại tránh vùng có dịch;

c) Yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch;

d) Cấm tập trung đông người và các hoạt động khác có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;

đ) Cấm người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch;

e) Tổ chức tẩy uế, khử độc trên phạm vi rộng;

g) Tiêu hủy động vật, thực phẩm và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người;

h) Áp dụng các biện pháp khác quy định tại Mục 3 của Chương này".

Ý 5. Việc huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch được Luật quy định như thế nào?

Điều 55 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch như sau:

1. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm và quy mô của bệnh dịch đe dọa đến sức khoẻ nhân dân, người có thẩm quyền được huy động người, huy động, trưng dụng cơ sở vật chất, thiết bị y tế, thuốc, hoá chất, vật tư y tế, cơ sở dịch vụ công cộng, phương tiện giao thông và các nguồn lực khác để chống dịch. Các phương tiện giao thông tham gia chống dịch được ưu tiên theo pháp luật về giao thông.

2. Việc trưng dụng quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản. Tài sản đã trưng dụng phải được vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trước khi hoàn trả.

3. Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện để thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định tại Luật này.

Câu 8. Nghĩa vụ của người khám chữa bệnh, cơ sở khám chữa bệnh, người hành nghề dược, cơ sở kinh doanh dược khi xảy ra dịch bệnh nguy hiểm được quy định như thế nào? Việc đưa thông tin sai sự thật về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Ý 1. Nghĩa vụ của người khám chữa bệnh, cơ sở khám chữa bệnh, người hành nghề dược, cơ sở kinh doanh dược khi xảy ra dịch bệnh nguy hiểm được quy định như thế nào?

* Nghĩa vụ của người khám chữa bệnh

          Khoản 4 Điều 39 Luật Khám chữa bệnh quy định nghĩa vụ của người khám chữa bệnh khi xảy ra dịch bệnh nguy hiểm như sau:

"4. Chấp hành quyết định huy động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm".

  * Nghĩa vụ của cơ sở khám chữa bệnh

Khoản 7 Điều 53 Luật Khám chữa bệnh quy định nghĩa vụ quy định trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra dịch bệnh nguy hiểm như sau:

"7. Chấp hành quyết định huy động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm".

* Nghĩa vụ của người hành nghề dược

Khoản 5 Điều 31 Luật Dược quy định nghĩa vụ của người hành nghề dược khi xảy ra dịch bệnh nguy hiểm như sau:

"5. Chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp có dịch bệnh nguy hiểm, thiên tai, thảm họa".

* Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược

Điểm đ Khoản 2 Điều 42 Luật Dược quy định trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược khi xảy ra dịch bệnh nguy hiểm như sau:

"đ) Chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp bảo đảm cung ứng thuốc, nguyên liệu làm thuốc khi xảy ra dịch bệnh nguy hiểm, thiên tai, thảm họa".

Ý 2. Việc đưa thông tin sai sự thật về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận bị xử lý như thế nào?

Hành vi đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này sẽ bị xử lý tùy theo tính chất mức độ vi phạm. Cụ thể:

* Xử lý hành chính

- Đối với cá nhân có hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc có thể bị xử phạt theo Điểm a Khoản 3 Điều 64 Nghị định số  174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Theo Khoản 5 Điều 64 của Nghị định số  174/2013/NĐ-CP: Ngoài hình thức phạt tiền hành vi trên còn có thể bị xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm; tước quyền sử dụng giấy phép từ 01 tháng đến 03 tháng.

- Đối với trường hợp cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác có thể bị xử phạt theo Điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Từ 15/4/2020, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có hiệu lực thi hành và thay thế Nghị định số 174/2013/NĐ-CP.

Đối với cá nhân có hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc có thể bị xử phạt theo Điểm a và điểm d Khoản 1 Điều 101 của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử với mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. cụ thể:

"1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

…….

d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;".

          Đồng thời, Khoản 3 Điều 101 của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.

* Xử lý hình sự

Điểm a Khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định như sau:

"Điều 288. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này".

Đồng thời, Khoản 3 Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: "3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập16
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm10
  • Hôm nay1,650
  • Tháng hiện tại118,963
  • Tổng lượt truy cập4,581,040
Văn bản pháp luật 1
Tiếp cận pháp luật
Học tập và làm theo lời bác
Văn bản pháp luật
Tài liệu xúc tiến đầu tư
Công khai tài chính
Văn bản pháp luật
Công báo tây ninh
Chung tay cải cách hành chính
Thư điện tử
trung tam tro giup phap ly
Đảng bộ tỉnh Tây Ninh
Theo dõi thi hành pháp luật
Hoi dap truc tuyen
CUNG CẤP THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Bộ pháp điển
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây