Trợ giúp viên pháp lý từng bước khẳng định vai trò, vị trí trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý

Thứ hai - 02/03/2020 22:00

Đọc bằng audio

Trong những năm gần đây, công tác trợ giúp pháp lý (viết tắt là TGPL) trên toàn quốc nói chung và tại tỉnh Tây Ninh nói riêng đã gặt hái được nhiều thành công trên con đường triển khai thực hiện chương trình xóa nghèo về pháp luật của Đảng và Nhà nước ta dành cho các đối tượng yếu thế trong xã hội. TGPL đã thật sự mang một màu áo mới và đang từng ngày thay da đổi thịt, đã góp phần thiết thực trong việc bảo đám quyền công dân trong tiếp cận pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hàng triệu người có vướng mắc pháp luật.

Triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã ban hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và nhiều bộ luật, luật tố tụng quan trọng, trong đó có rất nhiều điểm mới thể hiện vai trò của Nhà nước trong việc bảo đảm cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo, người có công với cách mạng và những người yếu thế khác trong xã hội…Từ đó, cũng tạo nhiều sự thuận lợi về cơ sở pháp lý cho Trợ giúp viên pháp lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

- Luật TGPL năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 thay thế cho Luật TGPL năm 2006 quy định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí kịp thời, có chất lượng cho người được TGPL. Luật đã một lần nữa khẳng định "Trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước". Do đó, với tư cách là một trong những phương thức bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đòi hỏi Nhà nước có các chính sách để bảo đảm quyền được TGPL, nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận pháp luật ngày càng cao của người dân.

- Trong hoạt động tố tụng: Trước đây, Luật TGPL năm 2006 không quy định cơ quan tiến hành tố tụng (viết tắt là CQTHTT), cơ quan, tổ chức khác có liên quan đến hoạt động TGPL có trách nhiệm, mà chỉ phối hợp, tạo điều kiện, cung cấp thông tin, tài liệu cho tổ chức thực hiện TGPL để TGPL . Thì nay, Luật TGPL năm 2017 đã quy định thành trách nhiệm trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, CQTHTT phối hợp, tạo điều kiện cho người được TGPL được hưởng quyền TGPL, tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

Các bộ luật, luật về tố tụng được Quốc hội ban hành năm 2015 đã ghi nhận, thể hiện vai trò, trách nhiệm của Nhà nước về TGPL trong hoạt động tố tụng. Đây là điểm hoàn toàn mới, khác biệt so với các bộ luật, luật về tố tụng trước đây, cụ thể:

+ Trong Bộ Luật Tố tụng Hình sự (viết tắt là BLTTHS) năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018) thể hiện vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong hoạt động TGPL thông qua quy định cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa/bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định. Trường hợp người bị buộc tội, người bị hại thuộc diện được TGPL theo quy định của Luật TGPL thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích cho họ quyền được TGPL; nếu họ đề nghị được TGPL thì thông báo cho trung tâm TGPL nhà nước; chỉ định trung tâm TGPL nhà nước cử trợ giúp viên pháp lý/luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo nếu họ thuộc diện được TGPL. Ngoài ra, Bộ luật còn quy định cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục và đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng… thì vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

+ Ngoài ra, tại Khoản 3, Điều 9 Bộ luật Tố tụng dân sự (viết tắt là BLTTDS), Khoản 3, Điều 19, Luật Tố tụng hành chính (viết tắt là TTHC) quy định: Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm TGPL cho các đối tượng theo quy định của pháp luật để họ thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước tòa án. Thẩm phán khi được chánh án phân công giải quyết vụ việc phải có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu TGPL theo quy định của pháp luật về TGPL (Khoản 6, Điều 38, Luật TTHC; Khoản 6, Điều 48, BLTTDS) và không ai được hạn chế quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong TTDS cũng như trong TTHC. 

Những năm gần đây, tỷ lệ Trợ giúp viên pháp lý của tỉnh nhà tham gia tố tụng để đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL ngày càng tăng. Mặc dù trong điều kiện số lượng còn hạn chế (07 Trợ giúp viên pháp lý) nhưng đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm đang ngày càng trưởng thành và khẳng định được vai trò của mình trong việc thực hiện tham gia tố tụng, chiếm số lượng từ 70 - 80%  số vụ việc TGPL. Đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý đã và đang đóng vai trò chủ chốt trong việc thực hiện các vụ việc tham gia tố tụng trong những vụ việc bắt buộc phải có sự tham gia của người bào chữa theo quy định.

Tổng số vụ việc tham gia tố tụng năm 2019 của Trung tâm là 208 vụ, trong đó Trợ giúp viên pháp lý thực hiện là 153 vụ, tất cả các Trợ giúp viên pháp lý đều đạt chỉ tiêu tốt theo yêu cầu của Bộ Tư pháp.

Qua đánh giá của một số cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, nhiều Trợ giúp viên pháp lý đã đầu tư thời gian, nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, chuẩn bị bài bào chữa chu đáo và tranh luận sôi nổi tại phiên tòa. Bởi vậy, các vụ việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý trong thời gian qua đều đã có sự đầu tư thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, đưa ra căn cứ pháp lý trong luận cứ "có tình, có lý", lập luận chặt chẽ mang tính thuyết phục, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người được bào chữa, đảm bảo đúng người đúng tội, đúng pháp luật.  Ngoài việc am hiểu kiến thức pháp luật và sử dụng các biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người được TGPL, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý khi thực hiện hoạt động TGPL đã thực sự tâm huyết với "nghề", tận tâm, nhiệt tình với công việc mang đậm tính chất nhân văn này.

Hơn nữa, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước còn tạo được niềm tin đối với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc phối hợp giới thiệu và đề nghị Trung tâm cử người thực hiện TGPL thực hiện chiếm tỷ lệ lớn so với số lượng vụ việc do đối tượng tự tìm đến Trung tâm. Các vụ việc TGPL sau khi hoàn thành đều được Trung tâm tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc theo quy định.

Nhìn chung, trong những năm vừa qua, việc tham gia của Trợ giúp viên pháp lý trong quá trình tố tụng đã góp phần quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án, giúp cho Hội đồng xét xử ban hành những bản án nghiêm minh, công bằng, dân chủ và đúng pháp luật, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân. Đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý đã có nhiều cố gắng trong việc chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi để ngày càng nâng cao trình độ, kỹ năng thực hiện TGPL.

Bên cạnh những thuận lợi như trên thì hoạt động tham gia tố tụng hình sự của Trợ giúp viên pháp lý vẫn còn một số những khó khăn như sau:

- Trợ giúp viên pháp lý có trình độ pháp luật và kỹ năng nghề nghiệp nhưng không đồng đều, có đôi khi trong nhận định quan điểm bào chữa, bảo vệ trong các vụ án hình sự chưa được toàn diện, đầy đủ.

- Số vụ án được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chuyển đến Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Tây Ninh để phân công Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng hình sự ngày càng được quan tâm hơn tuy nhiên vẫn còn bỏ sót nhiều người thuộc diện được trợ giúp pháp lý nhưng không được thụ hưởng, tiếp cận chính sách này./.

                                                                              Ngọc Linh

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập42
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm17
  • Hôm nay1,713
  • Tháng hiện tại28,868
  • Tổng lượt truy cập4,999,227
Văn bản pháp luật 1
Tiếp cận pháp luật
Học tập và làm theo lời bác
Văn bản pháp luật
Tài liệu xúc tiến đầu tư
Công khai tài chính
Văn bản pháp luật
Công báo tây ninh
Chung tay cải cách hành chính
Thư điện tử
trung tam tro giup phap ly
Đảng bộ tỉnh Tây Ninh
Theo dõi thi hành pháp luật
Hoi dap truc tuyen
CUNG CẤP THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Bộ pháp điển
Liên kết Website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây